Người phụ nữ kiện hai ngân hàng "tiếp tay" nhận tiền trả nợ từ App vay nặng lãi

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Kẹt tiền mua hàng kinh doanh do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, chị Lâm Thị Tố Oanh (SN 1983, tạm trú ở TP.HCM) muốn vay 10 triệu đồng để xoay sở tạm thời nên lên mạng tìm được thông tin của một vài ứng dụng (App) cho vay tiêu dùng với lãi suất bằng 0.
Chị Oanh đăng ký vay tiền thông qua 5 App có tên: hopevay, vaytinhanh, vitienloi, heyvi và kaka.
Chị Oanh đăng ký vay tiền thông qua 5 App có tên: hopevay, vaytinhanh, vitienloi, heyvi và kaka.

Vay 10 triệu, trả gần 1 tỷ đồng

Thấy thủ tục vay trực tuyến đơn giản chỉ cần CMND, số điện thoại và số tài khoản nên ngày 23/9/2020, chị Oanh đăng ký vay tiền thông qua 5 App có tên: hopevay, vaytinhanh, vitienloi, heyvi và kaka. Số tiền vay mỗi App là 2 triệu đồng nhưng thực tế chỉ nhận được 1,1 triệu đồng và phải trả trong thời hạn một tuần, kể từ lúc nhận được tiền vay. Như vậy, chị Oanh vay được 5,5 triệu đồng và 7 ngày sau phải trả lại 10 triệu đồng, tính ra lãi suất mỗi ngày khoảng 8,9%.

Chị Oanh được hướng dẫn thanh toán tiền gốc và lãi vay qua số tài khoản đứng tên mình tại Ngân hàng TNHH MTV Woori Việt Nam – chi nhánh TP.HCM (gọi tắt là Woori Bank) và một Ngân hàng thương mại cổ phần khác.

Do thời gian vay quá ngắn, chị Oanh không đủ khả năng thanh toán số nợ cho các App khi đến hạn. Lúc này, mỗi App kể trên bất ngờ giới thiệu thêm một số App khác để vay tiền. Khi chị Oanh chần chừ, bản thân chị và gia đình liên tục nhận được những cuộc gọi, tin nhắn hối thúc và đe doạ từ nhiều số điện thoại lạ.

Các đối tượng cho vay còn truy cập vào điện thoại sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của chị O. ghép chung với hình ảnh bạn bè, người thân; mạo danh trang web của công an đăng thông tin truy nã; kèm những lời lẽ xúc phạm, bôi nhọ để gây áp lực trên mạng xã hội... Tất cả những việc này nhằm mục đích “ép” chị Oanh phải trả nợ cho App cũ bằng cách vay thêm tiền từ các App mới.

Vì quá sợ hãi dẫn đến quẫn trí nên chị Oanh đã lao vào “mê hồn trận” do các đối tượng giăng ra. Cứ thế sau một thời gian, danh sách các App mà chị Oanh được giới thiệu đã lên con số hàng chục, như: yoyo, minimax, hivi, ufun, funnycash, 24hvay, pdong, ecash, taichinhthom, cashply, vaymayman, vaythinhvuong, vaytailoc, vaynong, luckeymone, vihoasen, fcdong, vay16, vido, antamvay, easyloan, muonvay, vay365, 365+, 365dong, cocovay...

Người phụ nữ kiện hai ngân hàng "tiếp tay" nhận tiền trả nợ từ App vay nặng lãi ảnh 1

Các App mạo danh trang web của cơ quan công an đăng tin truy nã, dùng lời lẽ bôi nhọ người vay tiền.

Khi vay 2 triệu, chị Oanh nhận được từ 1,1 triệu đồng - 1,3 triệu đồng. Một vài App cho vay số tiền 2.328.000 đồng và phải trả 4.200.000 sau 5 ngày, lãi suất hơn 80%/5 ngày, bằng với lãi suất một năm của các công ty cho vay tiêu dùng được cấp phép.

Suốt thời gian sau đó, số tiền mà chị Oanh làm ra và vay mượn anh em trong nhà cũng không đủ để trả nợ cho các App. Tính đến ngày 21/3/2021, tức 6 tháng kể từ lần đầu tiên đăng ký vay, tổng số tiền mà người phụ nữ đã trả cho các App gần 600 triệu đồng, còn nợ gần 400 triệu đồng.

“Tôi không có tiền trả, người của các App gọi điện đe doạ, gọi đến các số trong danh bạ điện thoại tôi để bôi nhọ. Tôi rất lo sợ và còn nghĩ đến con đường cuối cùng... Hiện giờ, tôi không còn khả năng chi trả cho các App vay nặng lãi nữa”, chị Oanh trần tình khi quyết định vượt qua mặc cảm để đưa sự việc ra dư luận.

Khởi kiện Woori Bank

Giữa tháng 4/2021, chị Oanh quyết định cầu cứu các cơ quan chức năng trước tình trạng khủng bố, đe doạ tinh thần từ những đối tượng đứng sau các App vay. Đồng thời làm đơn khởi kiện Woori Bank và một ngân hàng nữa ra Toà án Nhân dân Q.1 (TP.HCM), yêu cầu đóng các tài khoản mang tên chị mà ngân hàng đã tự ý mở và hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã chuyển vào hai tài khoản này.

Nội dung đơn thể hiện, trong lần vay tiền đầu tiên, chị Oanh được hướng dẫn thanh toán nợ qua tài khoản đứng tên mình tại hai ngân hàng kể trên. Từ tháng 9/2020 cho đến tháng 4/2021, số tiền mà người phụ nữ đã thanh toán vào tài khoản tại Woori Bank là hơn 342 triệu đồng và tại một NHTMCP là hơn 12 triệu đồng.

Người phụ nữ kiện hai ngân hàng "tiếp tay" nhận tiền trả nợ từ App vay nặng lãi ảnh 2

Đến tháng 4/2021, số tiền mà người phụ nữ đã thanh toán vào tài khoản tại Woori Bank là hơn 342 triệu đồng và tại một ngân hàng TMCP khác là hơn 12 triệu đồng.

Tôi không ký bất cứ văn bản hoặc xác nhận nào đồng ý việc mở các tài khoản ngân hàng đứng tên tôi tại Woori Bank”, chị Oanh khẳng định và cho rằng: “Hành vi tự ý mở tài khoản đứng tên tôi tại Woori Bank mà không được sự đồng ý của tôi là vi phạm pháp luật Việt Nam về hoạt động của các tổ chức tín dụng, gián tiếp tiếp tay cho hành vi lừa đảo của các đối tượng nguy hiểm, gây bất ổn cho xã hội”.

Luật sư Hà Hải - Trưởng Văn phòng Luật sư Hà Hải và Cộng sự, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, hỗ trợ pháp lý cho chị Oanh trong vụ kiện phân tích, theo văn bản hợp nhất các Thông tư số 8/VBHN-NHNN ngày 27/2/2018 của Ngân hàng Nhà nước, khách hàng có thể mở tài khoản chung để thanh toán là cá nhân thì ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiến hành ký hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán và phải gặp mặt trực tiếp chủ tài khoản khi ký hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán. Vì thế, ngân hàng không được phép tự mở tài khoản hoặc tự cấp mã số giao dịch (nếu có) cho người dân.

Trong vụ kiện liên quan đến Woori Bank, mặc dù chưa có bất cứ hồ sơ mở tài khoản nào nhưng vẫn tồn tại nhiều tài khoản đứng tên Lâm Thị Tố Oanh. Các giao dịch như rút tiền chưa được sự đồng ý của người đứng tên tài khoản nhưng vẫn được thực hiện trót lọt.

Đối với các hành vi vi phạm của ngân hàng, tuỳ vào từng trường hợp có thể chịu trách nhiệm dân sự là bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể việc cấp tài khoản cho các tổ chức, tránh tình trạng tổ chức lập nhiều tài khoản và đặt tên khác nhau gây nhầm lẫn, làm ảnh hưởng quyền lợi của người khác”, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM thông tin.

Người phụ nữ kiện hai ngân hàng "tiếp tay" nhận tiền trả nợ từ App vay nặng lãi ảnh 3

Luật sư Hà Hải

Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo Luật sư Hà Hải, nhóm đối tượng cho vay qua nhiều App và sử dụng nhiều tài khoản của cá nhân, tổ chức cho vay và nhận tiền trả nợ. Mục đích là để người vay không xác định được ai cho vay và nhận tiền. Những lần vay sau, các App tự động gửi tiền (đã trừ lãi suất) vào tài khoản mặc dù người vay không yêu cầu hoặc thực hiện bất cứ lệnh vay tiền nào.

Hành vi cho vay qua App như trình bày của chị Oanh có đủ yếu tố cấu thành tội cho vay nặng lãi theo quy định của pháp luật, như: Mức lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất mà Bộ luật Dân sự 2015 quy định (20%/năm); Số tiền thu lợi bất chính từ hành vi cho vay này từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng...

Trong trường hợp của chị Oanh, lãi suất vay qua App gấp hàng trăm lần mức lãi suất cho phép. Theo sao kê của ngân hàng từ tháng 9/2020 đến nay, chị Oanh đã thanh toán tiền nợ cho nhiều App khác nhau, mỗi App gần 100 triệu đồng. Như vậy, sau khi trừ đi số tiền cho vay thì số tiền thu lợi bất chính của mỗi App đều trên 30 triệu đồng.

Theo Luật sư, các chủ sở hữu App có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác hoặc có hành vi cụ thể đe doạ tính mạng của người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác. Ngoài ra, chủ sở hữu App còn phải chịu trách nhiệm dân sự là hoàn trả toàn bộ số tiền lãi đã nhận vượt quá quy định pháp luật cho bên vay tiền.

Các quốc gia đều xem việc cho vay tiền qua App là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và cần được cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện chưa có quy định pháp luật chuyên ngành về hoạt động này. Các cơ quan quản lý cần phối hợp rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định về điều kiện kinh doanh đối với các hoạt động cho vay qua App, kiểm soát chặt chẽ việc tạo App và kinh doanh này nhằm có biện pháp xử lý kịp thời”, Luật sư Hà Hải nêu quan điểm.

TIN LIÊN QUAN
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).