Người Singapore chung tay bảo vệ di sản bán hàng rong

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Cuối tháng 12 năm 2020, tổ chức UNESCO đã công nhận Văn hóa bán hàng rong của Singapore là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Văn hóa bán hàng rong đề cập đến cộng đồng những người bán hàng rong nấu và bán các món ăn tại 114 trung tâm bán hàng rong trên toàn quốc đảo.
Người Singapore chung tay bảo vệ di sản bán hàng rong

Lịch sử các gánh hàng rong

Các gánh hàng rong ở Singapore là một đặc trưng trong đời sống của người dân “Đảo quốc Sư tử”, nhiều khán giả hâm mộ bộ phim “Crazy, Rich Asians” (2018) đều ấn tượng với bối cảnh khu chợ Newton, một trong những điểm đến ăn khuya nổi tiếng nhất thành phố.

Những quầy hàng rong này cũng là một điểm thu hút khách du lịch lớn, thu hút hàng triệu khách du lịch với các món ăn như cơm dĩa nasi lemak, cua xốt ớt, bánh mì nướng kaya, bún laksa và bánh mỳ roti prata. Các trung tâm bán hàng rong đại diện cho sự đa văn hóa của Singapore, với các quầy hàng bán đồ ăn ngon, rẻ của nguồn gốc Trung Quốc, Mã Lai, Ấn Độ,…

Người Singapore chung tay bảo vệ di sản bán hàng rong ảnh 1

Cặp đôi một già một trẻ Tan Kin Leng (trái) và Lim Min Jie (phải). Ảnh: The Straits Times

Mọi người dân từ đủ các tầng lớp xã hội đều có thể tạt qua những quầy hàng này, và có tới 9/10 người dân tin rằng văn hóa bán hàng rong trên đường phố là một phần quan trọng trong bản sắc dân tộc của họ, theo trang web di sản của chính phủ Singapore.

Theo trang web di sản, lịch sử của nền văn hóa ẩm thực đường phố sôi động này bắt nguồn từ những năm 1800 khi Singapore trở thành trung tâm giao thương quan trọng của đế chế Anh. Những người nhập cư từ khắp nơi trong khu vực - Trung Quốc, Ấn Độ, quần đảo Mã Lai, bị thu hút bởi các cơ hội việc làm do thành phố cảng sầm uất này mang lại.

Singapore khi đó là nơi tụ họp của hàng chục nghìn thủy thủ với đến từ đủ mọi mảnh đất khác nhau, họ đem theo vợ con, người thân và những món ăn cổ truyền cũng dần xuất hiện trên các hè phố để phục vụ nhu cầu ăn uống của những người con xa quê.

Những gánh hàng rong vẫn là một phần của thành phố cảng ngay cả sau khi Singapore giành được độc lập vào năm 1965. Cho tới năm 1968, chính quyền bắt đầu cấp phép cho những người bán hàng rong trên đường phố và chuyển họ đến những trung tâm bán hàng rong được quy hoạch sẵn, quá trình này tiếp tục cho đến năm 1986.

Trong những năm qua, chính phủ Singapore đã thực hiện nhiều động thái để giữ cho văn hóa bán hàng rong tồn tại, bao gồm việc thiết lập “Chương trình ươm mầm” cho những người bán hàng rong có nguyện vọng hành nghề, “Chương trình phát triển” những người bán hàng rong hiện có tài năng, chẳng hạn như tiếp thị trên truyền thông xã hội và trợ cấp tài chính, tài trợ cho các chủ quầy hàng để khuyến khích họ làm việc hiệu quả hơn bằng cách áp dụng công nghệ thông tin.

Người Singapore chung tay bảo vệ di sản bán hàng rong ảnh 2
Các quầy bán hàng ăn của Singapore gặp không ít khó khăn trong thời buổi đại dịch. Ảnh: France 24

Thức ăn đường phố của Singapore thu hút được một lượng lớn fan hâm mộ trên khắp thế giới và cũng nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình ẩm thực quốc tế. Vào năm 2016, quán Liao Fan Hawker Chan, nổi tiếng với món cơm gà xốt đậu nành và mì lợn quay, đã trở thành quán hàng rong đầu tiên trên thế giới được trao tặng danh hiệu sao Michelin. Nhiều quầy hàng khác ở Singapore kể từ đó đã giành được sự công nhận của giới phê bình và trở thành một trong những quán ăn có danh hiệu Michelin rẻ nhất trên thế giới.

Nỗ lực truyền nghề

Ông Tan Kin Leng, chủ một tiệm mỳ có tuổi đời nửa thế kỷ tại Trung tâm Thực phẩm Tiong Bahru, từng cảm thấy xấu hổ về việc bán hàng rong.

Tiệm mỳ gia truyền của gia đình ông Tan khởi đầu bằng một chiếc xe đẩy sơ sài và khi đó không có trung tâm ẩm thực nào ở khu Tiong Bahru. Còn những người bán hàng rong sẽ tụ tập dưới những chiếc lều dựng tạm để bán đồ ăn sáng.

Vào buổi chiều, họ rong ruổi từ con hẻm này sang con hẻm khác để bán đồ ăn trưa. Tới ban đêm, họ đến rạp chiếu phim gần đó để quyến rũ những thực khách đói bụng bằng những mùi hương hấp dẫn.

Khi còn nhỏ, cậu bé Tan Kin Leng phụ việc cho cha và ông nội mỗi lúc nghỉ học, trong khi các bạn cùng lớp và gia đình của họ thưởng thức những món ăn mà cậu phục vụ.

Ở tuổi 51, ông Tan lại coi tiệm mỳ là tâm huyết cả đời của mình và cố vấn cho Lim Min Jie một thanh niên 34 tuổi, người mong muốn bắt đầu gian hàng đồ ăn của riêng mình.

“Khi còn nhỏ, tôi không thích đến tiệm mỳ này, nhưng quan điểm của tôi đã thay đổi khi tôi lớn lên. Đây là một nghề đáng trân trọng và là một phần mà cha cùng ông nội tôi truyền lại cho con cháu”, ông Tan chia sẻ. “Khi trí tuệ nhân tạo phát triển, rất nhiều công việc có thể biến mất. Nhưng là người thì vẫn phải ăn, vì vậy tôi nghĩ bán hàng ăn sẽ là một công việc khá ổn định”.

Ông Tan có hai cậu con trai tuổi sàn sàn nhau, nhưng chưa đứa nào có ý định nối nghiệp gia đình. Người cha vẫn gọi hai cậu con trai tới phụ việc mình mỗi khi nghỉ học hoặc lúc thiếu nhân viên. “Nhưng chắc chắn không có chuyện tôi gọi chúng ra phụ việc nếu phải đi học”, ông Tan nói.

Người chủ tiệm mỳ cho biết rất ít con cái của các quầy hàng rong ở Singapore muốn tiếp bước cha mẹ chúng và những trường hợp như Lim Min Jie là khá hiếm.

Lim lớn lên nhờ gánh hàng rong của mẹ mình, anh đã kết hôn nhưng chưa có con. Mẹ anh cũng đã mất cách đây 15 năm nên Lim không học được gì từ nghề của mẹ.

Đợt dịch hồi tháng 4 đã khiến Lim mất công việc bán hàng cho một công ty sản xuất đồ thể thao, Lim đành phải chọn cách nấu đồ ăn ở nhà đem bán để bù đắp thu nhập.

"Mẹ tôi là một người bán hàng rong, nên có thể coi nó đã ngấm vào máu tôi. Tôi lớn lên từ những món ăn thừa mà mẹ không bán được", Lim trải lòng. “Hiện tại tôi đang cố tổng hợp công thức năm xưa của mẹ. Nếu bà còn sống, có khi tôi đã mở hàng rong sớm hơn thế này”.

Sau khi bán sạch mỳ, cặp đôi một già một trẻ Tan và Lim lại chuyển sang trao đổi về cách kinh doanh và quản lý tiệm ăn. Ông Tan góp ý cho các công thức nấu ăn của Lim và giới thiệu những mối nhập nguyên liệu cho cậu trai trẻ.

Nói về những cải cách cho riêng mình, Lim cho biết sẽ làm cho tiệm ăn của mình được lan tỏa nhiều hơn trên mạng để nhiều người trẻ biết tới, bởi đây là xu hướng phát triển tất yếu cho các quầy hàng ăn ở Singapore.

“Trước khi tới Singapore, chắc chắn du khách đã phải lên mạng tìm kiếm các quán ăn nổi tiếng. Việc các quần hàng rong của Singapore được lọt vào danh sách di sản của UNESCO càng thu hút họ tới đây thưởng thức đồ ăn của chúng tôi”, Lim nói.

Vượt qua vòng xoáy dịch bệnh

Trong năm 2020, đại dịch COVID-19 đã khiến phần lớn ngành dịch vụ và khách sạn toàn cầu rơi vào cảnh lao đao, những gánh hàng rong ở Singapore cũng không nằm ngoài vòng xoáy bất ổn. Mặc dù các sáng kiến ​​cộng đồng, chẳng hạn như “Hawker Heroes SG”, cung cấp dịch vụ giao hàng miễn phí cho những người bán hàng rong trong thời kỳ dịch bệnh.

Vào tháng 4, khi Singapore bắt đầu phong tỏa toàn quốc, tất cả hoạt động buôn bán hàng rong đều bị tạm dừng. Mặc dù thực khách vẫn được phép mua hàng, nhưng không ít người bán hàng rong đã phải ngừng buôn bán vì thua lỗ.

Người Singapore chung tay bảo vệ di sản bán hàng rong ảnh 3

Ngay khi chính phủ gỡ bỏ lệnh phong tỏa toàn quốc, người dân Singapore lại đổ tới các trung tâm bán hàng rong để thỏa mãn niềm đam mê ẩm thực. Ảnh: SCMP

Đối với những người tiếp tục bám trụ, tình hình cũng không hề khả quan. Bà Chong Yuen Har (64 tuổi), chủ một quầy bán bak kut teh (xúp sườn lợn) ở Trung tâm Thực phẩm Hong Lim, cho biết bà đã ra đường bán hàng từ năm 1979. Nồi xúp sườn của bà bốc khói đều đặn từ 5 giờ sáng tới 8 giờ tối và không có ngày nghỉ.

Khi cơn bão đại dịch quét qua, doanh thu của bà Chong đã giảm 80%. Ngay cả bây giờ, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, thì thu nhập của quầy xúp vẫn chưa trở về như trước.

“Thật là khó khăn. Nhưng tôi dự định sẽ tiếp tục làm việc tới khi nào còn có thể. Tôi không muốn lo lắng về dịch bệnh, ai cũng khó khăn như nhau cả”, bà nói.

Chứng kiến những khó khăn của các quầy bán hàng rong, cặp đôi trẻ tuổi Elroy Lim, và Tai Zhang Kai đã bắt tay vào việc tìm ra giải pháp nhằm khắc phục khó khăn trước mắt cho họ.

“Những người bán hàng trẻ tuổi có thể chuyển sang bán qua mạng, nhưng các cô chú lớn tuổi hơn lại khá loay hoay để kinh doanh. Chúng tôi đã thành lập Hawker Heroes SG, một dịch vụ giao hàng miễn phí để hỗ trợ họ”, Elroy Lim chia sẻ.

Không giống như một số nền tảng giao hàng phổ biến khác, Hawker Heroes SG không nhận tiền hoa hồng khi vận chuyển đồ ăn, bởi đây là dự án phi lợi nhuận.

“Tuy có lỗ, nhưng chúng tôi thấy nó rất đáng, bởi đây là lúc những gánh hàng rong cần được giúp đỡ nhất”, theo Elroy Lim.

Người Singapore chung tay bảo vệ di sản bán hàng rong ảnh 4
Quán Liao Fan Hawker Chan, nơi thực khách có thể thưởng thức món cơm gà xốt đậu nành đẳng cấp Michelin với giá chỉ 50.000 đồng.

Cùng với các sáng kiến ​​do cộng đồng lãnh đạo, Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore còn có kế hoạch bảo vệ văn hóa bán hàng rong, bao gồm một chương trình mới được gọi là Kế hoạch kế thừa hàng rong vào quý đầu tiên của năm 2021. Những người bán hàng rong kỳ cựu sẽ được kết hợp với những người trẻ có tham vọng để truyền lại kỹ năng, công thức nấu ăn, kiến thức kinh doanh để họ tiếp quản quầy hàng một khi nghỉ hưu.

Những dự án trên, cùng với sự công nhận của UNESCO, báo hiệu một tương lai tươi sáng hơn cho nghề bán hàng rong của Singapore, đặc biệt là sau một năm đầy thử thách.

“Những người bán hàng rong đã hy sinh thời gian, lợi nhuận và sức lực của họ để chúng tôi có thể thưởng thức những món ăn truyền thống. Họ là những siêu anh hùng thực sự: cuối cùng đã đến lúc họ có được sự công nhận xứng đáng”, Elroy Lim hào hứng nói.

Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?