Chưa từng chiến đấu với kẻ thù nào “bí hiểm” như con virus này, Chính phủ đã phải liên tục thay đổi chiến thuật.
Vào những ngày cuối tháng 1, khi COVID- 19 lần đầu xuất hiện ở Việt Nam, với trạng thái căng như dây đàn, vừa đánh giặc, Thủ tướng vừa có chủ trương không được để nền kinh tế tê liệt.
Những ngày đầu đó, ông liên tục nhắc đến câu, “thứ virus đáng sợ không kém là virus trì trệ, không ai dám làm gì, không ai muốn làm gì, lấy lý do dịch bệnh để “nằm yên”, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước”.
Chủ trì phiên họp của Thường trực Chính phủ hồi trung tuần tháng 2, Thủ tướng nói thẳng, “nếu chỉ lo chống dịch mà không lo phát triển kinh tế, giữ gìn quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội thì không thể nói là hoàn thành tốt nhiệm vụ"
Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, có các đội phản ứng nhanh với dịch bệnh, thì cũng đồng thời phải có các đội phản ứng nhanh về kinh tế để kịp thời bù đắp giảm sút, giữ đà phát triển của nền kinh tế.
Theo đó, Chính phủ cố gắng duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh ở mức tốt nhất có thể trong hoàn cảnh dịch bệnh.
“Những người chống dịch là những chiến sĩ xung kích tuyến đầu bảo vệ sức khỏe nhân dân. Những người sản xuất, kinh doanh, cũng là những chiến sĩ dũng cảm”, Thủ tướng quả quyết, “ chúng ta cương quyết và có biện pháp mạnh mẽ để cố gắng với nỗ lực cao nhất không để giảm sâu tăng trưởng".
Công cuộc vừa chiến đấu, vừa phát triển kinh tế lúc đó đã ghi nhận hình ảnh các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài rất hăng hái, tổng mức đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt kỷ lục, nhiều doanh nghiệp được thành lập. Như tại TPHCM tiếp tục có thêm dự án tỷ USD…
Tại ngành bị thiệt hại đầu tiên vì dịch bệnh là du lịch, vào tuần cuối cùng của tháng 2 đã sẵn sàng một chương trình kích cầu với quy mô lớn, đồng thời dự kiến ra mắt liên minh kích cầu du lịch Việt Nam năm 2020.
Thế rồi, tất cả mọi dự định tan vỡ cùng nhịp với sự đảo lộn của cả thế giới vì COVID-19. Tại Việt Nam, vừa tạm bình yên với virus đến từ phương Bắc thì virus tràn đến từ phương Tây.
Vào lúc người dân cảm thấy có thể bách bộ thoái mái hít thở một bầu trời không có virus thì cũng là lúc họ nghe lời kêu gọi trở thành các pháo đài chống dịch bệnh.
Những ngày cuối cùng của tháng 3, đất nước chính thức bước vào thời chiến, với nhịp độ căng thẳng, gấp gáp bội phần so với tháng 2.
Thủ tướng vẫn chủ trương vừa chiến đấu, vừa lo phát triển kinh tế, nhưng tình hình “mặt trận” nóng bỏng, một Hội nghị bất thường giữa Chính phủ với địa phương bị hoãn lại. Bộ Chính trị cũng thống nhất cao với Chính phủ trong việc tập trung mọi nỗ lực lúc này cho đẩy lùi dịch bệnh.
Như thể trêu ngươi, hoặc như là một phép thử về lòng kiên nhẫn, chỉ vừa mới qua một tuần cao điểm, dịch bệnh có dấu hiệu được nhanh chóng đẩy lùi, khi có tới 3 buổi sáng sáng liên tiếp, 5, 6, 7/4, người dân thức dậy không còn phải nghe thông tin có thêm ca nhiễm bệnh nào mới.
Tại ổ dịch của Hà Nội là bệnh viện Bạch Mai mà như cảnh báo của Chủ tịch UBND Hà Nội, có thể trở thành Vũ Hán thứ hai, rút cuộc chiến trường này không mịt mù “khói đạn” như dự đoán.
Thủ tướng lại tính đến việc khởi động một chương trình phục hồi kinh tế mạnh mẽ.
Theo người đứng đầu Chính phủ, đã hết quý I, không thể tự ru mình rằng mặc dù GDP quý I của Việt Nam tăng thấp nhất trong hơn 10 năm nhưng cũng vẫn là mức tăng ấn tượng so với thế giới.
Bởi quy mô của nền kinh tế hơn 200 tỷ USD như Việt Nam thì không thể so với với quy mô của những nền kinh tế nghìn tỷ USD, hàng chục nghìn tỷ USD để mà có thể yên tâm về các con số phần trăm tăng trưởng.
Vừa chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế đã và đang là bài toán vô cùng thách thức cho Chính phủ.
Cũng như tất cả các quốc gia trên thế giới, Việt Nam không thể khẳng định được thời điểm “trắng” dịch bệnh. Bất kỳ lúc nào COVID-19 cũng có thể quay lại, như đã từng quay lại Việt Nam hồi đầu tháng 3.
Mong các doanh nghiệp sẽ phát triển “bung ra như các lò xo bị nén” bao nhiêu, Thủ tướng lo người dân cũng “bung ra như lò xo bị nén” bấy nhiêu.
Ở Hà Nội, ngay trong những ngày cao điểm nhất của giãn cách xã hội, có những người dân không quản bị phạt, không quản công viên đóng cửa, họ leo rào vào để “giải phóng” đôi chân.
Cứ phải kéo dài giãn cách xã hội, trong khi hàng ngày nghe tin vãn “giặc”, lò xo bị nén sẽ bung ra. Có thể COVID-19 chỉ đợi “đủ nắng” thế để “nở hoa”. Và cả nước lại “mắc kẹt” giữa cuộc chiến.
Đúng như thông điệp thời chiến của Thủ tướng, an dân là giải pháp hàng đầu cho chương trình phục hồi kinh tế, để đảm bảo không rơi vào thế mắc kẹt này.
Ngày 6/4, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ, gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì COVID-19.
Gói hỗ trợ sẽ trị giá 62.000 tỷ đồng (tăng 420 tỷ so với dự kiến ban đầu), hỗ trợ dành cho khoảng 20 triệu người của 6 nhóm đối tượng trong vòng 3 tháng. Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép Chính phủ thực hiện ngay.
Thủ tướng nói, “người dân không thể chờ đợi lâu hơn”.
Mùa dịch bệnh trở thành mùa cứu trợ, với đầy đủ ý nghĩa nhân văn đẹp đẽ nhất mà Đảng và Nhà nước dành cho người dân.
Mặc dù vậy, có thể thoát khỏi cảnh mắc kẹt giữa cuộc chiến hay không, còn phải trông đợi chủ yếu ở người dân. Thủ tướng nói tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 6/4 “ở giai đoạn này sự chấp hành của người dân là yếu tố quan trọng nhất”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về chống dịch bệnh, trân trọng cảm ơn nhân dân đã trở thành những pháo đài chống dịch và mong họ tiếp tục kiên trì là những pháo đài như vậy cho đến khi hoàn toàn chiến thắng.
Nhưng còn một nguy cơ nữa khiến đất nước mắc kẹt không thể không kể đến.
Đó là, có những bà cụ nghèo, đối tượng dễ bị tổn thương nhất vì dịch bệnh vẫn cứ nhất quyết đòi bán đến con gà cuối cùng mình có để góp tiền chống COVID-19, trong khi có những người trẻ khỏe, vạm vỡ và tươi tỉnh lại xếp hàng đi xin từng kg gạo từ thiện.
Chính phủ dù có nỗ lực chiến thắng dịch bệnh, giật gấu vá vai gom tiền cứu trợ, gồng mình phát triển kinh tế, cũng khó mà đưa đất nước ra khỏi nguy cơ mắc kẹt, nếu như có ngày càng nhiều hơn những người già thì lầm lũi hy sinh còn người trẻ mất khả năng ngẩng cao đầu mà sống.