Theo quan điểm của TS. Phạm Gia Yên, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng: Nếu có việc cấp giấy phép xây dựng sai quy định pháp luật, thì số tiền thiệt hại tính theo thời gian dự án bị đình chỉ cũng đủ cơ sở để có thể khởi tố thành vụ án hình sự. Vụ việc cần được khởi tố để truy rõ trách nhiệm của những người đã gây ra thiệt hại để đền bù cho nhân dân.
Theo đó công trình 8B Lê Trực đã được xây dựng phù hợp với Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được UBND Thành phố phê duyệt; thi công công trình theo thiết kế đã được Sở Xây dựng Hà Nội thẩm định. Theo Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 và Nghị định số 64/2012/NĐ-CP ngày 04/09/2012 của Chính phủ về cấp giấy phép xây dựng thì công trình này được miễn cấp GPXD, tuy nhiên, do những điều kiện khách quan, công trình phải dừng thi công xây dựng, cho tới năm 2013 công trình được tiếp tục xây dựng.
Chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực đang tiến hành khởi kiện phía Hà Nội |
Nếu trong thời gian này, công trình thuộc diện phải cấp giấy phép thì quy hoạch chi tiết 1/500 trước đây phải được UBND TP phê duyệt điều chỉnh làm cơ sở để cấp GPXD; Việc Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD ngày 24/03/2014 là không có cơ sở pháp luật. Vì vậy, trong trường hợp này, cơ sở pháp luật để công trình được tiến hành xây dựng vẫn là Quy hoạch 1/500 do UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2452/QĐ-UBND. Mặt khác, việc áp dụng quy chuẩn để cấp GPXD là trái với quy định pháp luật.
Thực tế việc cấp phép này cũng được nêu rõ trong văn bản chuyển đơn kiến nghị tại Công văn số 280/TTr-TCD ngày 29/6/2016 do Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên ký chuyển đến UBND TP Hà Nội để giải quyết.
Việc xử lý công trình 8B Lê Trực căn cứ vào GPXD là không đủ cơ sở pháp luật đã khiến cho doanh nghiệp gặp phải những hệ lụy khó khăn như hiện nay. Việc phá dỡ này đã làm thiệt hại hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước và nhân dân, đồng thời, thời gian đình chỉ công trình đã kéo dài quá nhiều năm làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng công trình, tiếp tục gây thiệt hại về kinh tế khiến cho hàng trăm khách hàng đã được bàn giao nhà nhưng không được sử dụng, gây những hậu quả xã hội khôn lường.
Theo quy định của pháp luật, nếu việc cấp giấy phép sai quy định thì các cơ quan nhà nước làm sai phải chịu bồi thường thiệt hại cho chủ đầu tư, chứ không thể có việc áp đặt như hiện nay.
Điều này đã được quy định rõ tại Khoản 4, Điều 67, Luật Xây dựng 2003: “Người có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại do việc cấp giấy phép sai hoặc cấp giấy phép chậm theo quy định”.
Hiện dư luận cũng đưa ra nhiều ý kiến trái chiều, nhưng đối chiếu với pháp luật thì việc cấp Giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD là không có căn cứ pháp luật, đồng thời căn cứ vào tiêu chuẩn để giật cấp công trình là trái với quy định pháp luật (vấn đề này Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản cảnh báo một số tỉnh không được dùng quy chuẩn để cấp phép xây dựng).
Theo Luật Xây dựng 2014, căn cứ tại mục a, khoản 1, Điều 101 về Thu hồi, hủy giấy phép xây dựng thì Giấy phép xây dựng số 11 nêu trên phải bị thu hồi và hủy bỏ.
Mới đây, ngày 16/8, hàng trăm hộ dân mua nhà tại dự án 8B Lê Trực lại tiếp tục xuống đường căng băng rôn, khẩu hiệu “đòi nhà”. Đồng thời đề nghị Tổng Bí thư, Thủ tướng, UBND TP phải có hướng xử lý đúng quy định pháp luật để đảm bảo quyền lợi cho nhân dân.
Chủ đầu tư xây dựng công trình 8B Lê Trực là một doanh nghiệp thương binh. Giám đốc doanh nghiệp là một thương binh loại 2 và trong doanh nghiệp cũng có một số những thương binh khác. Cũng theo tìm hiểu, hiện có không ít những người đã mua nhà tại dự án này cũng là thương binh, các hộ gia đình chính sách… Trong khi, cả xã hội đang phát động phong trào đền ơn đáp nghĩa thì việc các cơ quan của TP Hà Nội chậm trễ kéo dài việc giải quyết đối với công trình 8B Lê Trực đã gây phản cảm lớn cho xã hội. Trách nhiệm này thuộc về ai?
Chưa kể, trong quá trình thực hiện phá dỡ công trình này, các cơ quan Nhà nước còn tiếp tục vi phạm các quy định pháp luật, gây bức xúc cho chủ đầu tư và nhân dân. Chủ đầu tư, các khách hàng mua nhà tại dự án 8B Lê Trực đã “đội” hàng chục kg đơn thư đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng không có cơ quan nào thể hiện thái độ về đúng, sai trong việc này để báo cáo Thủ tướng một thông tin chính xác nhất. Trách nhiệm thuộc về ai?
Trao đổi với báo chí TS. Phạm Gia Yên cũng cho rằng: Việc vi phạm trật tự xây dựng tại công trình 8B Lê Trực, trong đó có lỗi của chủ đầu tư, đồng thời cũng có lỗi của cơ quan quản lý nhà nước thuộc UBND TP Hà Nội. Nếu biết xử lý đúng pháp luật một cách công bằng, đúng mức thì mọi việc không phức tạp như bây giờ. Nhưng do việc báo cáo của các cấp dưới chưa đúng sự thật đã dẫn đến quyết định của cấp trên chưa chuẩn xác về mặt pháp luật. Vì vậy, việc xử lý này đã kéo dài nhiều năm, gây thiệt hại kinh tế của đất nước và nhân dân, gây bức xúc trong xã hội. Sự thiệt hại này có thể cấu thành tội phạm để khởi tố thành vụ án hình sự, qua đó, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xử lý một cách công bằng, nghiêm minh, làm cơ sở giúp cho việc xử lý hàng nghìn công trình đã và đang vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Vụ việc này không thể kéo dài hơn được nữa và chính những người có trách nhiệm cũng không thể làm ngơ trước tình hình này. Người bị thiệt hại ở đây chính là người dân, doanh nghiệp, Nhà nước không thể không có trách nhiệm trước những tiếng kêu cứu bị thiệt hại về tiền bạc, tài sản, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng của nhân dân.