Chuyện Trà - Lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt là cuốn cẩm nang về trà được viết dựa trên sự khảo chứng, đối chiếu với sử liệu Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây. Không chỉ mang tính khảo cứu, cuốn sách là sự hài hoà giữa sử liệu và những suy ngẫm của tác giả về chuyện xưa, chuyện nay cùng những thế thái nhân tình qua lá trà.
Cuốn sách dẫn dắt độc giả đi từ Trà nguồn cội - giống cây, tên gọi, thú vui uống trà, lần lượt qua Trà mộc mạc, Trà hương sắc - từ lối uống cổ truyền dân dã đến những hình thái tinh xảo của trà, chậm rãi bước đến Trà thưởng thức - về cách pha hãm và dụng cụ trà, và kết lại ở Trà tinh thần - những kết nối quanh chén trà. Phụ lục Thưởng trà giai phẩm tuyển và dịch những áng văn thơ hay viết về trà của người Việt là một tư liệu quý, thỏa mãn độc giả yêu trà và mong muốn tôn vinh trà Việt. Kết hợp tinh thần khách quan, cái nhìn phóng khoáng và giọng kể thâm trầm, tác phẩm đưa người đọc vào thế giới trà một cách tự nhiên và khiến ta quyến luyến mãi trong thế giới dung dị đó.
Nhận định sau khi đọc Chuyện Trà, nhà nghiên cứu Nguyễn Sử cho biết: “Về mặt cảm xúc, không có một thân phận rõ rệt để đóng khung Trần Quang Đức ở trong cuốn sách này. Bởi nếu đọc một hai chương đầu, độc giả dễ có cảm tưởng người viết là một nhà khảo cứu, chuyên tâm tầm chương trích cú, tìm kiếm những câu chuyện cổ xưa về trà. Nhưng từ chương thứ ba trở đi, lại cảm thấy đây đích thực là tác phẩm của một trà nhân - người muốn thưởng thức dư vị, thú vui từ trà. Rồi rốt cuộc, cảm giác biến chuyển khi nhận ra tác giả không đơn thuần là nhà khảo cứu hay người yêu thích trà nữa, mà cuốn sách cũng không hoàn toàn nói riêng về chuyện trà như ban đầu. Như vậy, có ít nhất tới ba thân phận đồng hiện bên trong cuốn sách và trà đã trở thành phương tiện để tác giả nhìn nhận nhiều vấn đề khác”.
Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức tại buổi ra mắt sách 'Chuyện Trà'. |
Có được lời nhận xét trên bởi đọc Chuyện Trà là đọc qua hàng ngàn câu chuyện về cha ông bên bàn trà. Tác phẩm giúp độc giả biết thêm về lịch sử của trà ở Việt Nam thông qua những sử liệu chi tiết mà tác giả thu thập được, cùng với đó làm rõ thêm bằng những kiến giả, so sánh với lịch sử trà ở Trung Hoa. Những câu chuyện thú vị về kĩ thuật pha chế cùng cách thưởng trà của người xưa cũng được Trần Quang Đức kể lại thật hấp dẫn, đôi khi chứa đầy sự bất ngờ.
Không chỉ dừng ở việc cung cấp kiến thức, tác giả còn tuyển chọn những câu chuyện của người xưa thưởng trà, có thể kể đến như Nguyễn Trãi, Lê Hữu Trác, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phạm Đình Hổ, Cao Bá Quát … Câu chuyện của những nhân vật đặc biệt này khiến Chuyện Trà thêm phần đặc sắc, như một tách trà ngọt dịu, chát nhẹ, thanh mát và thật tròn vị.
Khi được hỏi về cách thức nghiên cứu và viết Chuyện Trà có điểm gì khác biệt so với Ngàn năm áo mũ, Trần Quang Đức cho biết anh vẫn sử dụng những thao tác nghiêm cẩn về mặt khoa học như đối chiếu, khảo cứu để rồi đưa ra kiến giải của mình. Dù vậy, với độ chênh về thời gian cùng sự từng trải của cá nhân người viết, giữa hai tác phẩm đã xuất hiện nhiều khác biệt về góc nhìn sử liệu cũng như ngôn ngữ viết.
Cụ thể, mười năm trước khi bắt tay nghiên cứu Ngàn năm áo mũ, Trần Quang Đức tự thấy bản thân có xu hướng câu nệ vào chuyện đúng - sai, và để giữ sự khách quan cho tác phẩm, ngôi xưng anh lựa chọn lúc đó là “chúng tôi” cho một công trình thuộc về cá nhân. Nhưng với tư duy cởi mở ở hiện tại, tác giả nhìn nhận sử liệu dù chính thống đến đâu cũng đều mang tính chủ quan trong đó và không có sử liệu nào là khách quan thuần túy.
Gỡ bỏ vướng mắc trên, khi viết Chuyện Trà, Trần Quang Đức hướng tới tiệm cận tính khách quan nhất có thể, còn lại anh dành khoảng không để dàn trải cảm xúc, những chuyện mắt thấy tai nghe trên hành trình bầu bạn cùng trà và nhấn mạnh vào sự “tôi nhìn nhận như vậy”. Nhờ đó, Chuyện Trà trở nên mềm mại, có vẻ của những tỉ tê tâm tình giàu chất văn chương.