Nhà thơ trẻ Lý Hữu Lương: "Tôi viết về nguồn cội dân tộc mình"

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  “Tôi viết cho chính đồng bào Dao của tôi, trước những chân giá trị của tổ tiên, trước biến đổi to lớn về mọi mặt đời sống, văn hoá, tư tưởng để chúng tôi không bị mờ nhạt trước thời đại” - đó là chia sẻ của Đại úy, nhà thơ Lý Hữu Lương, người dân tộc Dao - tác giả của tập thơ “Yao” vừa được trao Giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ Nhất năm 2021 của Hội Nhà văn Việt Nam.
Nhà thơ trẻ Lý Hữu Lương. (Ảnh: Công an Nhân dân)
Nhà thơ trẻ Lý Hữu Lương. (Ảnh: Công an Nhân dân)

Thấm đẫm hồn dân tộc trong từng câu thơ

Nhà thơ trẻ Lý Hữu Lương vừa được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng Tác giả Trẻ lần thứ nhất cho tập thơ “Yao” - một tập thơ mang đậm bản sắc, tâm hồn, văn hóa của dân tộc Dao - mà anh chính là một người con, sinh ra và lớn lên từ bản người Dao ấy.

“Người Dao mình

Ăn xôi ngũ sắc

Cúng gia tiên bằng lợn, bằng gà

Trai lớn thì cấp sắc

Cho bảng văn dài mấy nét thêu áo người

Sống thẳng ngay như lòng vỏ dao tay

Ăn trăm năm bồ hóng trên vách

Người Dao mình

Không biết giận cái nhỏ

Không tham nghĩ cái lớn

Thương sức mình núi chất

Mà nghĩa tình thủy chung”

Chỉ với ít ỏi mấy câu thơ ngắn gọn trong bài “Người Dao”, Lý Hữu Lương đã “vẽ” cho bạn đọc một "chân dung" về cộng đồng người Dao với những nét văn hóa đặc trưng từ ẩm thực, tín ngưỡng, lễ hội và khắc họa cả những tính cách nổi bật của đồng bào người Dao.

Không chỉ riêng bài “Người Dao”, mà toàn bộ 35 bài thơ trong tập “Yao” của Lý Hữu Lương đều có một chủ đề xuyên suốt - đó là viết về người Dao. Những bài thơ như “Cấp sắc”, “Cỏ bông đỏ”, “Bài ca thiên di”, “Bông áo đỏ”, “Lên Bàn Mai mùa này”, “Người Dao”, “Tiếng nói dân tộc tôi”... đều viết về văn hóa, về bản sắc cũng như tập tục của người Dao.

Đọc các tác phẩm trong tập thơ của Lý Hữu Lương, người đọc có cảm giác như đang “lạc” vào không gian sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Dao, nghe nhà thơ kể chuyện về cội nguồn dân tộc mình, về văn hóa dân tộc mình... Từ thơ của Lý Hữu Lương, người đọc biết đến nếp nghĩ, cái ăn ở, phong vị tập quán của đồng bào người Dao thông qua ngôn ngữ phổ thông. Từ thơ Lý Hữu Lương, mà người đọc hiểu thêm về lễ Cấp sắc - một nghi lễ quan trọng đối với các chàng trai người Dao, hiểu thêm về những điệu Páo Dung - dân ca Dao, những cuộc thiên di của đồng bào Dao trong bao năm qua… Và cũng từ thơ Lý Hữu Lương, người đọc nhận thấy nỗi niềm đau đáu với quê hương, với dân tộc, những trăn trở với phận người, phận núi, phận sông... của nhà thơ trẻ, cũng như niềm mong mỏi, nỗi khát khao được mang tiếng nói của quê hương, văn hóa của dân tộc mình giới thiệu với cộng đồng các dân tộc khác…

Nói về tập thơ “Yao” của Lý Hữu Lương, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá, tập thơ đã cho người đọc thấy được sự ưu tư của một con người, một cá nhân, sự ưu tư về thân phận của một vùng văn hóa trong cộng đồng người Dao. Những ưu tư ấy khiến người đọc ám ảnh, day dứt, nhưng tựu trung lại, tập thơ đã cho chúng ta bài học sâu sắc về giá trị nhân sinh…

Lý giải cho việc tập thơ có cái tên khá lạ, nhà thơ Lý Hữu Lương cho biết, Yao - là từ mượn phiên âm từ tiếng Hán - Yáo zú, nghĩa là Dao tộc. Trong tiếng Anh là Yao cũng là Dao. Từ Yao cũng được cộng đồng người Dao Việt Nam ghi nhận như một cách viết tên tộc người của mình.

Nhà thơ trẻ Lý Hữu Lương: "Tôi viết về nguồn cội dân tộc mình" ảnh 1

Tập thơ "Yao" của nhà thơ trẻ Lý Hữu Lương. (Ảnh: Công an Nhân dân)

Tập thơ “Yao” được anh viết từ vị trí điểm nhìn của một người con đi xa làng, hướng về ngôi làng thân yêu của mình, về ông bà tổ tiên, về cuộc thiên di liên tu bất tận của đồng bào Dao, là một quá trình tạo lên dấu ấn văn hóa trên trang phục, trầm tích… trước biến đổi của thời đại cần cái nhìn mới, khái quát hơn để không bị chấp chới trước thời cuộc.

Lý Hữu Lương cho biết, khi nhận tin tập thơ “Yao” đoạt giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam, anh vô cùng xúc động, vinh dự và tự hào. Bởi lẽ, đây là sự công nhận của một tổ chức nghề nghiệp cao nhất trong lĩnh vực văn chương với một nhà thơ trẻ người dân tộc thiểu số. Đồng thời cũng là sự ghi nhận về sự hiện diện của tộc người Dao, như anh nói, đó là “một dân tộc nhỏ/ đi trên đầu ngàn trái núi lớn” mà anh như một “sứ giả” mang những giá trị văn hóa của bản làng đi muôn nơi và đã được chú ý, vinh danh.

Viết về nguồn cội mình, dân tộc mình

Nhà thơ Lý Hữu Lương sinh năm 1988 tại Yên Bái. Anh từng là học viên Trường Sĩ quan Chính trị (Bắc Ninh), là lính vùng biên thuộc Quân khu 2, hiện đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Lý Hữu Lương là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Sinh ra và lớn lên ở bản Khe Rộng - bản của người Dao quần chẹt trên núi Bàn Mai (xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái), từ nhỏ, Lý Hữu Lương đã yêu sâu sắc ngôi làng của mình, yêu cô bác, họ hàng, yêu người hàng xóm cách mấy chân đèo, yêu từng mảnh nương chân rẫy, yêu từng tiếng mõ trâu, tiếng nước về trên máng sau nhà... chính vì thế mà anh luôn mong muốn được mang những giá trị văn hoá đặc sắc nhất của làng mình đến với thế giới như một nghĩa vụ, trách nhiệm.

Nhà thơ Lý Hữu Lương cho biết, anh đến với thơ và bắt đầu viết thơ từ khi anh còn đang là học viên của Trường Sĩ quan Chính trị (Bắc Ninh) và bài thơ đầu tay của anh được đăng tải trên tạp chí Văn nghệ Quân đội. Từ đó đến nay, anh luôn dành thời gian để viết và đã xuất bản được một số tác phẩm tập thơ như: “Người đàn bà cõng trăng trên đỉnh Cô San” (2013), trường ca “Bình nguyên đỏ” (2016) và tập bút ký “Mùa biển lặng” (2020). “Yao” là tập thơ được anh xuất bản năm 2021, sau gần 10 năm ấp ủ, xây đắp.

Theo nhà thơ Lý Hữu Lương, mỗi một dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng có. Nó được kết tinh từ lịch sử phát triển, tranh đấu qua hàng chục nghìn năm, hàng nghìn thế hệ người mà gây dựng nên. Là người sinh ra và lớn lên từ bản người Dao, nên anh luôn chọn đề tài viết về nguồn cội mình, dân tộc mình. “Dân tộc Dao là căn cước của tôi, tôi viết về dân tộc tôi là tiên quyết. Sự xác quyết ấy hình thành từ khi tôi biết giá trị của kho tàng tri thức và văn hóa, biết thương cảm trước nhọc nhằn, khổ đau, mất mát của đồng tộc mình và tôi có trách nhiệm của một sứ giả đưa những giá trị ấy đến trung tâm, phát dương nó”, Lý Hữu Lương nói.

Nhà thơ trẻ người Dao tin rằng, nếu có tình yêu đủ lớn để yêu thương, trân quý dân tộc mình, đủ niềm tin và khẳng khái đem bản sắc dân tộc ấy ra thế giới, thì hiển nhiên sẽ có một gương mặt không bị mờ nhoè… Chính vì vậy, anh cho biết, anh sẽ tiếp tục viết về làng của anh, nhưng sẽ tiếp cận ở một điểm nhìn, một góc khai thác khác, nhằm mang lại những hình ảnh, chân dung rõ nét, đầy đủ và mới mẻ, sâu lắng hơn, nhưng vẫn bằng thái độ hết mực trân trọng và nâng niu.

Dù đã xuất bản đến cuốn sách thứ 3, nhưng Lý Hữu Lương tự nhận, mình vẫn như một kẻ dò đường theo xúc cảm. Vì vậy, sau mỗi cuốn sách, mỗi mảng đề tài, anh thường bình tĩnh, dừng lại, xác định chủ đề tiếp theo và thời gian sau đó anh sẽ chỉ tập trung vào mạch chính của chủ đề, loay hoay, xoay sở, cố gắng phát tiết những gì trân quý nhất dành cho nó mà ít ôm đồm hay quan tâm đến chủ đề khác.

“Đối với cá nhân tôi, mỗi cuốn sách ra đời như đánh dấu một giai đoạn, một quá trình nghiền ngẫm, chiêm nghiệm và đúc kết để tiếp tục có những phát triển mới trong tư duy. Sau Yao, dự định của tôi sẽ là một bản trường ca về biên giới, về những người đồng bào, đồng chí, đồng đội của tôi đang sinh sống, chiến đấu nơi biên cương đất nước trong tâm thế, góc nhìn nhiều gợi mở hơn”, Lý Hữu Lương chia sẻ về dự định sắp tới của mình.

Đồng thời, anh cũng hy vọng các tác phẩm của anh có nhiều cơ hội hơn đến bạn đọc - nhất là đồng bào Dao, để đồng bào nhận ra sự kiêu hãnh đã và đang có của dân tộc mình, từ đó sẽ có những bước đi nhanh hơn, gần hơn với thời đại hôm nay.

“Chắc chắn, điều ấy cần những bước đi cụ thể, rành mạch, cần nhiều thứ nữa mà trong khả năng của tôi chưa thể đáp ứng được. Nhưng tôi vẫn hy vọng và tôi tin, cả đồng bào của tôi cũng hy vọng điều đó”, Lý Hữu Lương khẳng định./.

Theo TTXVN
Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
(Ngày Nay) - Những bức tranh dân gian Hàng Trống với nội dung thể hiện các tích truyện dân gian, được các nghệ nhân khắc họa cầu kỳ, tinh xảo, toát lên nét sinh động, ý nhị, trở thành nét tinh hóa văn hóa của vùng đất Kinh Kỳ.
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
(Ngày Nay) - Theo Sở Du lịch Hà Nội, quý I/2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,54 triệu lượt khách, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 1,4 triệu lượt khách, tăng 40%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.487 tỷ đồng, tăng 17,8%.
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
(Ngày Nay) - Ngày 28/3, người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX Sam Bankman-Fried đã bị kết án 25 tù vì tội lừa đảo khách hàng và các nhà đầu tư trên nền tảng giao dịch tiền ảo này.
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
(Ngày Nay) - Trước thềm mùa du lịch biển, thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng chỉ trang đô thị, nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa thép nhập khẩu và thép trong nước
Cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa thép nhập khẩu và thép trong nước
(Ngày Nay) - Nếu áp thuế chống bán phá giá đối với thép cán nóng (HRC) nhập khẩu sẽ khiến nguồn cung ngày càng khan hiếm và vô hình chung sẽ tạo ra thế độc quyền cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. Khi đó, các doanh nghiệp trong ngành tôn mạ và ống thép sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng và trên hết là người tiêu dùng cũng sẽ phải sử dụng thép nội giá cao.