Hội đồng thuộc Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao và Công nghệ Nhật Bản chấp nhận đơn xin cấp phép từ các nhà nghiên cứu ở Đại học Tokyo nhằm tiến hành tạo ra tụy ở chuột sử dụng tế bào gốc đa tiềm năng cảm ứng của người (iPS).
"Cuối cùng, chúng tôi đã tới khởi điểm những nghiên cứu nghiêm túc trong lĩnh vực này sau 10 năm chuẩn bị", Hiromitsu Nakauchi, giáo sư ở Viện Y khoa thuộc Đại học Tokyo, cho biết. "Chúng tôi không kỳ vọng có thể tạo ra nội tạng người ngay lập tức, nhưng việc cấp phép tạo điều kiện cho chúng tôi thúc đẩy nghiên cứu dựa trên công nghệ đã đạt được".
Trong nghiên cứu, các chuyên gia sẽ tạo trứng thụ tinh của chuột cống và chuột nhắt không có khả năng hình thành tụy do bị chỉnh sửa gene. Sau đó, họ sẽ đưa tế bào iPS của người vào những quả trứng thụ tinh đó. Kết quả là phôi thai lai giữa người và động vật. Nhóm nghiên cứu sẽ cấy phôi thai vào tử cung chuột cống và chuột nhắt. Tụy từ tế bào gốc iPS sẽ lớn lên trong cơ thể chuột non. Họ sẽ dành hai năm để theo dõi quá trình phát triển của chuột non chào đời.
Giáo sư Nakauchi và cộng sự sẽ kiểm tra não của phôi thai chuột sau khi chúng đạt tới giai đoạn phát triển nhất định. Nếu phát hiện số tế bào người vượt quá 30% trong não phôi thai chuột, họ sẽ ngừng thí nghiệm. Họ cũng lên kế hoạch tiến hành nghiên cứu tương tự để tạo ra gan và thận người. Nghiên cứu sẽ mở ra triển vọng nuôi nội tạng người trong cơ thể lợn và cừu, qua đó giải quyết tình trạng thiếu nội tạng cấy ghép trên toàn cầu.
Trước đó, chính phủ Nhật Bản cấm thực hiện những thí nghiệm như trên do lo ngại về khả năng ra đời loài pha trộn gene người và động vật. Tuy nhiên, nhà chức trách đã dỡ bỏ lệnh cấm và soạn thảo quy định hồi tháng 3 sau khi tham khảo ý kiến chuyên gia từ năm 2012. Các cuộc thảo luận xoay quanh nhiều chủ đề như mục đích nghiên cứu và loài động vật sử dụng trong thí nghiệm. Chính phủ cũng cân nhắc các vấn đề đạo đức xã hội để đánh giá.
Quy định mới cho phép tiến hành nghiên cứu tạo loài lai với điều kiện nhà khoa học phải tuân thủ trình tự phù hợp nhằm ngăn chặn sự ra đời của sinh vật có một phần giống con người. "Số lượng tế bào người phát triển trong cơ thể người vô cùng nhỏ với tỷ lệ 1/10.000. Ở mức đó, không bao giờ xuất hiện con vật có gương mặt người", giáo sư Nakauchi, người từng thực hiện thí nghiệm đưa tế bào gốc iPS vào trứng thụ tinh của cừu và cấy vào tử cung cừu cái ở Đại học Standford tại California, cho biết.