Phát biểu tại cuộc gặp, Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Shintaro Ito nhấn mạnh: “Chúng tôi xác nhận rằng không có ảnh hưởng đối với người dân và môi trường”. Ông Ito cũng cho biết chính phủ nước này sẽ tiếp tục nâng cao độ tin cậy trong giám sát phóng xạ ở những vùng biển lân cận cũng như tính minh bạch về các chỉ số.
Trong khi đó, Bộ trưởng Sinh thái Môi trường Trung Quốc Hoàng Nhuận Thu (Huang Runqiu) bày tỏ lo ngại về nước thải ra biển bị nhiễm xạ và kêu gọi Nhật Bản tham vấn kỹ lưỡng với các bên liên quan khác, đặc biệt là các nước láng giềng.
Cũng tại cuộc gặp, các Bộ trưởng đã thảo luận những tiến triển trong nỗ lực ngăn chặn rác thải biển, ô nhiễm không khí và nhiều vấn đề khác dựa trên kế hoạch hành động 5 năm đến năm 2025.
TEPCO, công ty vận hành nhà máy trên, và Chính phủ Nhật Bản khẳng định việc xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển là bước cần thiết để tiến tới dừng hoạt động của nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị hư hại nghiêm trọng trong thảm họa động đất và sóng thần năm 2011. Theo kế hoạch, TEPCO sẽ xả gần 31.200 tấn nước đã qua xử lý phóng xạ theo 4 giai đoạn, hoàn tất trong năm tài khóa hiện nay (đến hết tháng 3/2024). Đây là lượng nước được dùng để làm mát những thanh nhiên liệu hạt nhân nóng chảy, hòa trộn với nước mưa và nước ngầm nhưng đã qua xử lý đảm bảo an toàn. Ngày 2/11 vừa qua, Nhật Bản đã bắt đầu đợt 3 xả nước thải đã qua xử lý phóng xạ từ Fukushima ra Thái Bình Dương.
Kể từ năm 1999, ba nước trên tổ chức các cuộc gặp Bộ trưởng môi trường thường niên nhằm thảo luận về các vấn đề môi trường khu vực và toàn cầu, cũng như tăng cường hợp tác.