Ông Masa Takaya, phát ngôn viên của Thế vận hội Tokyo, cho biết các nhà tổ chức đang tiến hành sắp xếp theo giả định Thế vận hội sẽ khai mạc vào ngày 23/7 năm 2021. Trong khi đại hội Paralympics diễn ra vào ngày 24/8.
Đây là thời gian đã được ấn định vào tháng trước bởi Ủy ban Olympic quốc tế và các quan chức Nhật Bản sau khi đại dịch COVID-19 chỉ rõ rằng Thế vận hội Tokyo không thể được tổ chức như dự kiến trong năm nay.
"Chúng tôi đang làm việc hướng tới mục tiêu mới", ông Takaya nói. "Chúng tôi không có kế hoạch B nào khác".
Mức độ nghiêm trọng của đại dịch và số người tử vong liên tục leo thang trên toàn cầu đã đặt ra câu hỏi về tính khả thi nếu tiếp tục tổ chức sự kiện trong vòng 15 tháng tới.
"Tất cả những gì tôi có thể nói với mọi người ngày hôm nay là các mốc thời gian cho hai sự kiện đã được thiết lập. Do đó, ban tổ chức Tokyo 2020 và các bên liên quan đang nỗ lực hết sức để tiến hành sự kiện vào năm tới", ông Takaya khẳng định.
Khi được hỏi về khả năng tiếp tục hoãn thế vận hội tại Nhật Bản, Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach đã không trả lời cụ thể mà chỉ nói rằng các nhà tổ chức và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cho biết họ không thể trì hoãn sự kiện thêm nữa.
Thế vận hội mùa hè là sự kiện thể thao thu hút 11.000 vận động viên và 4.400 vận động viên Paralympic cùng đội ngũ nhân viên hỗ trợ lớn từ 206 quốc gia.
Ngoài ra còn có các câu hỏi về tình hình đi lại, phòng khách sạn, kế hoạch thu hút người hâm mộ tới sân vận động và đấu trường, ước tính chi phí để Nhật Bản tổ chức lại hai sự kiện này có thể lên tới 2-6 tỷ USD.
Ban tổ chức Tokyo cho biết họ đang chi 12,6 tỷ đô la để tổ chức thế vận hội. Nhưng một cuộc kiểm toán của chính phủ Nhật Bản được công bố năm ngoái cho biết chi phí đã tăng cao gấp đôi. Trong tổng chi tiêu, 5,6 tỷ USD là tiền đến từ nguồn vốn tư nhân. Phần còn lại là từ chính phủ Nhật Bản.