Theo các chuyên gia, cơ thể con người không thể xử lý được nhiệt độ quá cao như thực trạng nắng nóng trong thời gian qua. Các quá trình trao đổi chất giúp con người tồn tại, hoạt động tốt nhất trong một mức nhiệt nhất định. Nhiệt độ đó thường nằm trong khoảng 36- 37 độ C, tùy thuộc vào cơ địa mỗi người.
"Nếu nhiệt độ cơ thể của một người cao hơn mức bình thường, phản ứng chính của cơ thể chính là cố gắng loại bỏ lượng nhiệt đó".
Jonathan Samet
Jonathan Samet, hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Colorado, Mỹ giải thích: Nếu nhiệt độ cơ thể của một người cao hơn mức bình thường, phản ứng chính của cơ thể chính là cố gắng loại bỏ lượng nhiệt đó.
Để thoát nhiệt dư thừa, các mạch máu trên da giãn ra hoặc nở ra. Đồng thời, tim bắt đầu đập nhanh hơn. Điều này thúc đẩy lưu lượng máu đến da giải phóng nhiệt để hạ nhiệt. Song song với quá trình đó, việc tiết mồ hôi sẽ làm mát da hơn.
Khi nhiệt độ liên tục tăng cao rồi lại giảm, cơ thể của con người thải nhiệt dư thừa tốt hơn. Nhưng có một giới hạn về mức độ nhiệt mà cơ thể có thể tự điều chỉnh. Giới hạn đó phụ thuộc vào sức khỏe của mỗi cá nhân, cũng như nhiệt độ và độ ẩm bên ngoài môi trường. Nếu nhiệt độ bên ngoài nóng hơn cơ thể, máu ở da sẽ không giải phóng nhiệt. Và khi được đặt trong môi trường có độ ẩm cao, mồ hôi sẽ không thể thực hiện chức năng làm mát da vì khi đó, mồ hôi không thể bay hơi.
Nếu cơ thể phải tiếp tục đối phó với nhiệt cao, không khí nắng nóng mà không có thời gian nghỉ ngơi, các hoạt động sẽ bị hao mòn. Mọi người có thể bị kiệt sức vì nóng, dẫn tới suy nhược, chóng mặt và buồn nôn, báo hiệu rằng khả năng điều chỉnh nhiệt của cơ thể đã bị đảo lộn, phá vỡ. Điều này có thể lý giải vì sao con người dễ bị đột quỵ do nhiệt cao, có thể bị co giật hoặc hôn mê trong thời tiết nắng nóng. Nếu không điều trị kịp thời, có thể dẫn đến tử vong.
Các chuyên gia cũng cho rằng, không ai miễn nhiễm với nhiệt độ nhưng những người cao tuổi được coi là nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất vì người cao tuổi có ít tuyến mồ hôi hơn. Trẻ em cũng có nguy cơ mắc bệnh vì chúng chưa phát triển đầy đủ khả năng điều hòa nhiệt. Phụ nữ mang thai cũng dễ bị nóng trong người do nội tiết tố thay đổi. Những người mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch và béo phì cũng có thể gặp khó khăn trong việc làm mát cơ thể.
Biến đổi khí hậu, nắng nóng khắc nghiệt và sức khỏe con người có mối liên hệ mật thiết với nhau. Khi nhiệt độ Trái Đất tăng lên, các đợt nắng nóng khắc nghiệt có thể sẽ trở nên phổ biến hơn, gây nguy hiểm nhiều hơn tới sức khỏe con người.