Thời gian tới, ngành Giáo dục Hậu Giang thực hiện chiến lược phát triển bền vững giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục; chất lượng giáo dục được nâng cao và đạt khá trong khu vực. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 đạt 95% các chỉ tiêu giáo dục và đào tạo của cả nước, đến năm 2030 đạt 100%.
Hậu Giang đưa giáo dục và đào tạo là ưu tiên hàng đầu, nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị và người dân trong tỉnh. Tỉnh xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Hậu Giang chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội, phát triển giáo dục và đào tạo gắn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ khoa học - công nghệ, phù hợp thực tiễn.
Tỉnh tập trung nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục và cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân, hình thành xã hội học tập. Cùng với đó, Hậu Giang xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đủ số lượng, cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ đào tạo và năng lực, phẩm chất; từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục theo hướng đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Hậu Giang xây dựng lộ trình, định hướng phát triển giáo dục Mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, Cao đẳng, Đại học, chú trọng đến các lợi thế của địa phương so với các nơi khác khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, xây dựng hệ sinh thái giáo dục thông minh gắn liền với ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo...
Toàn tỉnh hiện có 317 trường từ Mầm non đến Trung học Phổ thông. Quy mô, mạng lưới trường, lớp học của tỉnh tiếp tục được điều chỉnh, cơ bản đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và nhu cầu học tập của nhân dân.
Công tác xây dựng trường học theo chuẩn quốc gia được tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư, hiện có 263/317 trường, đạt 82,96%. Đến nay, phần lớn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành đều đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, có tâm huyết, có ý thức tự học nâng cao trình độ, đáp ứng công tác quản lý cũng như dạy và học, đặc biệt ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.
Chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh duy trì ổn định; giáo dục mũi nhọn được quan tâm đầu tư; chất lượng dạy học các cấp có chuyển biến tích cực. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được giữ vững. Hậu Giang đạt chuẩn phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi; đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3; đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học Cơ sở mức độ 2.