Hiện nay, trên thị trường nhân sâm được bán rất nhiều, đủ mọi dạng như hồng sâm, bạch sâm, rượu sâm, trà sâm, các loại mỹ phẩm có sâm... Nhiều người cho rằng nhân sâm là loại thuốc bổ và mát, lại trị được bách bệnh. Đặc biệt trong những ngày hè nóng nực, nhiều phụ huynh đã mua nước sâm, trà sâm cho con uống để mong tiêu tan rôm sẩy, mụn nhọt hay bồi bổ để trẻ tăng cân.Thực ra nếu dùng không đúng, nhân sâm sẽ gây ngộ độc làm bệnh nặng thêm, thậm chí gây chết người.
Theo y học cổ truyền, nhân sâm được coi là đầu vị của thuốc bổ khí và đứng đầu trong 4 vị thuốc quý của Đông y: sâm, nhung, quế, phụ. Với công năng bổ khí, ích huyết, sinh tân, định thần, ích trí. Được dùng trị chứng chân khí suy kém, cơ thể thường xuyên có cảm giác mệt mỏi, đoản hơi, đoản khí, chân tay lạnh, mạch yếu, người gầy yếu, cơ thể mới ốm dậy, kém ăn, trí nhớ suy giảm, người ở trạng thái căng thẳng thần kinh, trong người nóng, háo khát, đái tháo, tim loạn nhịp, sinh dục kém, trẻ em quá gầy yếu, chậm lớn.
Nếu dùng nhân sâm và chế phẩm của nó với liều quá cao, hoặc quá dài ngày, dẫn đến ngộ độc “nhân sâm”: Tăng huyết áp, chảy máu mũi, thần kinh hưng phấn quá độ (gây ra phiền toái, không yên, mất ngủ, dễ bị kích thích, đau đầu, chóng mặt…), nổi mề đay, mẩn ngứa, thậm chí co giật…
Ngoài ra còn xảy ra các chứng như tự ra mồ hôi không ngừng (hàn thoát), chảy máu lớn (huyết thoát), khí thoát do huyết thoát (hôn mê sau băng huyết ở sản phụ), các chứng lao hư tổn, hư lâu không hồi phục dễ dẫn đến sốt kéo dài hoặc mụn nhọt khó liền miệng.
Đặc biệt lưu ý khi dùng nhân sâm với trẻ em. Sâm chỉ được sử dụng (thường là phối hợp) cho trẻ khi trẻ bị suy dinh dưỡng, còi xương, suy nhược cơ thể, sau ốm, thiếu máu… Còn đối với trẻ có thể chất khỏe mạnh, phát triển bình thường, không bị mắc các bệnh lý thuộc hư chứng thì nhất thiết không cần dùng thuốc bổ nói chung và nhân sâm nói riêng.
Bởi nếu tùy tiện dùng nhân sâm cho trẻ có thể làm kích thích quá trình phát dục khiến trẻ phát dục sớm, nhất là những bé trai ở độ tuổi từ 13 – 16 tuổi. Hơn nữa, nhân sâm còn khiến trẻ bị rối loạn đường tiêu hóa, thần kinh không bình thường, lâu dài dẫn đến mất ngủ và dễ bị kích động.
Thực tế cho thấy, không chỉ trẻ nhỏ, nếu người lớn uống rượu sâm nồng độ 3%, khoảng 100ml thì có cảm giác hưng phấn không yên, uống 200ml có biểu hiện trúng độc (mẩn đỏ toàn thân, ngứa, chóng mặt, đau đầu, thân nhiệt tăng, huyết áp hạ rõ rệt).
Người bụng thường xuyên bị đầy trướng, căng tức, đau bụng, sôi bụng, phân nát, lỏng hoặc tiêu chảy không được dùng. Đặc biệt, nếu bị đau bụng, tiêu chảy, dùng nhân sâm có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Người bị nôn mửa, trào ngược, tăng huyết áp cũng không nên dùng. Vì sâm lúc đầu có tác dụng tăng huyết áp, sau lại hạ. Do vậy nếu ở trạng thái tăng huyết áp dễ dẫn đến tai biến mạch máu não. Phụ nữ trước ngày sinh cũng không nên dùng sâm.