Thiết lập quan hệ ngoại giao (Năm 1950)
Ngày 30/1/1950, Việt Nam và Liên Xô chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở đại sứ quán, công nhận chính thể Dân chủ Cộng hòa đầu tiên được xác lập ở Việt Nam.
Về ý nghĩa sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Thắng lợi chính trị đó sẽ là cái đà cho những thắng lợi quân sự sau này".
Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh ký Bản tuyên bố chung của Hội nghị 81 đảng Cộng sản và công nhân Quốc tế tại Moscow năm 1957. Ảnh: Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước.
Liên Xô hỗ trợ Việt Nam về kinh tế và quân sự (Năm 1965)
Quan hệ chính trị được đẩy lên bước phát triển mới. Trong 10 năm kể từ 1965, Liên Xô viện trợ không hoàn lại về kinh tế và hỗ trợ kỹ thuật khi Mỹ leo thang chiến tranh.
Thời kỳ sau 1976, khối lượng trao đổi hàng hóa giữa hai nước bằng 20 năm trước cộng lại. Liên Xô là bạn hàng chủ chốt của Việt Nam. Tuy nhiên, do điều kiện vừa nghèo vừa có chiến tranh ở Việt Nam, quan hệ kinh tế giữa hai nước chủ yếu mang nặng tính bao cấp.
Tên lửa đất đối không do Liên Xô hỗ trợ cho Việt Nam năm 1968. Ảnh: Marc Riboud
Việt - Xô ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác (Năm 1978)
Ngày 3/11/1978, Tổng bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác cùng Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô L. I. Brezhnev. Hiệp ước gồm 9 điều, đặc biệt trong điều 6 hai bên thoả thuận rằng trong trường hợp một trong hai bên bị tấn công hoặc bị đe doạ tấn công, thì hai bên sẽ lập tức trao đổi ý kiến với nhau, nhằm loại trừ mối đe doạ đó và áp dụng các biện pháp thích đáng có hiệu lực, để bảo đảm hoà bình và an ninh của hai nước.
Công nhân làm việc trong nhà máy cơ khí Cẩm Phả do Liên Xô giúp xây dựng năm 1978. Ảnh: Sovfoto/UIG
Liên Xô tan rã (Năm 1991)
Ngày 25/12/1991, Liên Xô tan rã. Trên điện Kremlin, quốc kỳ Liên Xô được thay thế bởi quốc kỳ Nga; các con chữ biểu tượng của Liên Xô CCCP được thay thế bằng quốc huy có hình đại bàng hai đầu của Nga. Việt Nam tuyên bố công nhận Nga là quốc gia kế tục Liên Xô.
Không lâu trước khi Liên xô tan rã, tháng 8/1991 đã điễn ra một cuộc chính biến bất thành nhằm hạ bệ Mikhail Gorbachev và chương trình perestroika.
Trong ảnh, ông Boris Yeltsin, khi đó là tổng thống Cộng hòa Nga, người có quan điểm phản đối chính biến, vẫy chào hàng trăm nghìn người Moscow khi họ đổ ra các quảng trường. Ảnh: Reuters.
Xác lập cơ sở quan hệ Việt Nam – Nga (năm 1994)
Tháng 6/1994, hai nước ký “Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ Nga và Việt Nam”, nhân chuyến thăm chính thức Nga của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đây là văn bản pháp lý thay thế Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Liên Xô và Việt Nam ký năm 1978. Hiệp ước này xác định các nguyên tắc mới cho quan hệ Việt - Nga, đó là tôn trọng chủ quyền quốc gia, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bình đẳng và cùng có lợi.
Phó thủ tướng Nga Oleg Soskovets (trái) đón tiếp Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại Moscow ngày 15/6/1994. Ảnh: AP
Hướng đến quan hệ chiến lược (Năm 1998)
Tháng 8/1998, Chủ tịch nước Trần Đức Lương tới thăm chính thức Nga, ký Tuyên bố chung Việt - Nga. Tổng thống Nga Boris Yeltsin khẳng định Nga coi Việt Nam là đối tác chiến lược ở Đông Nam Á. Hai bên khẳng định sự mong muốn tiếp tục phát triển năng động các mối quan hệ song phương theo nhiều hướng, đưa lên tầm quan hệ đối tác chiến lược, xác định phương hướng cơ bản phối hợp hành động của các bên trong tương lai.
Chủ tịch Trần Đức Lương (trái) và Tổng thống Nga Boris Yeltsin trong lễ ký kết ngày 25/8/1998. Ảnh: AP
Thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược (Năm 2001)
Tháng 3/2001, Tổng thống Vladimir Putin thăm chính thức Việt Nam, chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia Nga, kể cả thời Liên Xô.
Hai bên ký kết Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, xác định hướng phát triển của quan hệ Nga - Việt trong thế kỷ XXI. Nga trở thành đối tác chiến lược đầu tiên của Việt Nam.
Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch nước Trần Đức Lương cùng duyệt đội danh dự ngày 1/3/2001. Ảnh: Kremlin.ru
Nga rút quân khỏi Cam Ranh (Năm 2002)
Tháng 5/2002 , Nga rút hết quân khỏi Cam Ranh trước khi thời hạn thuê cảng kết thúc, sau 24 năm nơi đây được sử dụng làm căn cứ cho Hạm đội Thái Bình Dương của Nga. Việt Nam tuyên bố sử dụng cảng cho các mục tiêu dân sự và phát triển kinh tế.
Các quân nhân, chuyên gia Nga ngày 4/5/2002 rời cảng Cam Ranh. Chuẩn đô đốc Eryomin, chỉ huy trưởng cuối cùng của căn cứ giơ tay chào những người đồng đội Hải quân Việt Nam.
Nâng tầm Đối tác Chiến lược Toàn diện (Năm 2012)
Tháng 7/2012, Việt Nam và Nga nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện qua Tuyên bố chung trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Diễn biến này tạo một sinh khí mới, giúp quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ trên mọi mặt.
Hai nước xây dựng cơ chế đối thoại chiến lược ngoại giao, an ninh, quốc phòng. Hợp tác chiến lược Việt Nam - Nga trở thành một nhân tố quan trọng và tích cực với tình hình Đông Nam Á và toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Putin tại Moscow ngày 27/7//2012. Ảnh: RIA Novosti
(*) Tiêu đề đã được Ngaynay.vn đặt lại
Theo VNExpress