Những "điểm đến" không thể bỏ qua của Quảng Ninh dịp cuối năm

(Ngày Nay) - Đó là mảnh đất Tiên Yên với những nét văn hoá đặc sắc của đồng bào Sán Chỉ, là đảo Ngọc Vừng như mảnh trăng bồng bềnh giữa biển khơi, hay Uông Bí với mùa vàng đầy bí ẩn... Hãy cùng khám phá những điểm đến không thể bỏ qua này trong những ngày cuối năm 2024.

Tiên Yên- nhiều tour tuyến đặc sắc

Dù chịu nhiều ảnh hưởng của bão số 3, nhưng du lịch Tiên Yên (Quảng Ninh) đã nhanh chóng phục hồi, để đón mùa du lịch cuối năm với nhiều sự kiện văn hóa- lễ hội đặc sắc; cùng nhiều tour tuyến du lịch mới hấp dẫn du khách.

Trong những tháng cuối năm, huyện Tiên Yên dự kiến tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ trong khuôn khổ các lễ hội; đồng thời khởi động lại của các sản phẩm du lịch như: Phố đi bộ Tiên Yên mỗi thứ bảy hàng tuần, Phiên chợ vùng cao Hà Lâu vào chủ nhật... với các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa thể thao đặc sắc được tái hiện, làm mới, tăng sức hấp dẫn với du khách.

Những "điểm đến" không thể bỏ qua của Quảng Ninh dịp cuối năm ảnh 1
Lễ hội Mùa vàng miền Soóng Cọ Đại Dực là nét văn hóa đặc sắc của người dân tộc Sán Chỉ địa bàn huyện Tiên Yên.

Riêng tháng 10, đã có 3 hoạt động lớn diễn ra tại địa phương, trong đó, nổi bật là Lễ hội Mùa vàng Soóng cọ (xã Đại Dực), đã khai mạc ngày 27/10 vừa qua. Lễ hội có những chương trình đặc sắc như: Tái hiện nghi lễ cầu mùa, tổ chức cuộc thi giã gạo, nấu cỗ nhanh của người Sán Chỉ với các đặc sản, món ăn ngon vùng cao Đại Dực; cùng với chương trình biểu diễn những làn điệu soóng cọ mượt mà...

Tham dự lễ hội, du khách cũng được hòa mình vào không khí sôi động của các trận giao lưu đánh quay Sán Chỉ; các trận bóng đá, bóng chuyền hơi nữ và các môn thể thao dân tộc khác. Hay tham qua, chụp ảnh check-in với những nếp nhà đặc trưng của người Sán Chỉ, ruộng bậc thang chín vàng đẹp mắt tại thôn Khe Lặc…

Cũng không thể bỏ qua trong dịp này tại Tiên Yên là chợ phiên vùng cao Hà Lâu, đã ngót 60 năm tuổi; được phục dựng, tổ chức quy mô thành sản phẩm du lịch. Phiên chợ diễn ra đông vui nhộn nhịp nhất vào chủ nhật tuần cuối cùng của mỗi tháng, là nơi tụ hội của sắc màu bà con các dân tộc quanh vùng Hà Lâu, Bình Liêu, Lạng Sơn… Tại đây, trong không khí nhộn nhịp của chợ phiên, du khách được tìm hiểu về văn hóa của người Dao qua lễ cấp sắc, lễ rước dâu… ngắm những bộ trang phục thêu tay sặc sỡ, những món trang sức bằng bạc thủ công; hay thưởng thức các món ăn đặc sắc của người dân Hà Lâu.

Tour tuyến du lịch tới Khe San (Phong Dụ), Đại Dực, tuyến du lịch Bình Liêu - Tiên Yên cũng thu hút nhiều du khách dịp này. Nhiều địa phương như Hải Lạng, Phong Dụ, Đại Dực... đã quan tâm đầu tư làm mới sản phẩm như: Mô hình làng người Sán Chỉ với 9 hộ có nhà truyền thống; khám phá núi Thông Châu cao trên 1.000m... tại xã Phong Dụ.

Khám phá những thắng cảnh trên đảo Ngọc Vừng

Đảo Ngọc Vừng (Vân Đồn) là một đảo đẹp, cảnh quan hoang sơ và có vai trò địa lý quan trọng của tỉnh Quảng Ninh. Trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê cho đến thời Mạc, Nguyễn, đảo Ngọc Vừng luôn được xác định là nơi án ngữ quan trọng vùng biển đảo biên giới phía Bắc Tổ quốc.

Đảo Ngọc Vừng không chỉ có nhiều thắng cảnh, địa danh đẹp, mà còn ẩn chứa những giá trị về lịch sử, văn hóa lớn, giàu tiềm năng khai thác phục vụ du lịch. Đó là bãi cát Trường Chinh, hòn Pháo Đài, hay bãi tắm Trường Chinh nằm ngay kề trung tâm xã đảo, được thiên nhiên ưu đãi có bãi cát trắng mịn trải dài gần 3km bờ biển, uốn mình như vầng trăng khuyết giữa lòng biển khơi.

Những "điểm đến" không thể bỏ qua của Quảng Ninh dịp cuối năm ảnh 2
Đảo Ngọc Vừng.

Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, đảo Ngọc Vừng được Đảng và Nhà nước dành nhiều sự quan tâm. Năm 1962, Tổng Bí thư Trường Chinh đã đến thăm đảo. Đồng chí đã lội từ bờ phía Nam khu vực bãi biển đi bộ theo đường mòn vào thăm, nói chuyện với quân dân đảo. Để ghi nhớ sự kiện này, nhân dân xã đảo đã đặt tên cho bãi biển đẹp nhất đảo là bãi biển Trường Chinh và con đường kế bên được đặt tên là đường Trường Chinh.

Ở cuối bãi Trường Chinh là một hòn đảo, sừng sững giữa sóng nước, xanh màu cây cối, đó là hòn Pháo Đài, có diện tích chừng 0,42ha. Theo sử sách ghi lại, thời thành nhà Mạc được xây dựng, thì hòn Pháo Đài là một địa điểm để canh gác của quân nhà Mạc, nhằm phát hiện tàu thuyền của cướp biển xâm nhập. Cái tên hòn Pháo Đài có lẽ cũng xuất phát từ đó.

Đến với bãi biển Trường Chinh, du khách sẽ được thỏa thích đắm mình dưới làn nước trong lành, mát lạnh. Mỗi sớm mai, được dạo bước trên bãi biển, đón ánh bình minh và cùng ngư dân cào ngao, xúc tép... mới thấy hết được vẻ đẹp, sự yên bình của bãi Ngọc Vừng.

Uông Bí - Trải nghiệm bốn mùa

Với chủ đề “Uông Bí - Trải nghiệm bốn mùa”, thành phố Uông Bí đặt mục tiêu phát huy thế mạnh du lịch tâm linh, song song với phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng, văn hóa, thể thao; gia tăng các sản phẩm, trải nghiệm cho du khách; nâng cao chất lượng dịch vụ…

Theo định hướng chung của tỉnh Quảng Ninh, thành phố Uông Bí đã xây dựng các sản phẩm du lịch theo 4 mùa, kích cầu và phát triển du lịch địa phương. Từ năm 2023, thành phố triển khai chương trình “Mùa thu vàng Uông Bí”.

Những "điểm đến" không thể bỏ qua của Quảng Ninh dịp cuối năm ảnh 3
Chương trình “Mùa thu vàng Uông Bí” năm 2023.

Năm 2024, chương trình này được tổ chức gắn với sự kiện công bố, ra mắt Bộ nhận diện thương hiệu du lịch TP Uông Bí và Giải chạy “Yen Tu Heritage 2024 - Chạm vào vùng di sản”. Giải chạy là sự kiện nhằm truyền thông, quảng bá mạnh mẽ hình ảnh Yên Tử trên hành trình đề cử Quần thể di tích Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trở thành Di sản văn hóa thế giới. Giải được thành phố tổ chức miễn phí, dự kiến ngày 8/12/2024, ở các cự ly: 5km, 10km và 21km. Hiện đã có 30 VĐV đã tham dự các SEA Games, nhiều VĐV chuyên nghiệp trong nước, cùng 5.000 người dân, đăng ký tham gia giải. Với giải chạy lần đầu được tổ chức, thành phố bước đầu xây dựng, tạo ra sản phẩm du lịch mới - du lịch thể thao, trong lộ trình xây dựng ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn.

Tại Khu di tích Yên Tử, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách với hệ thống sản phẩm dịch vụ ở Làng Nương. Những sản phẩm trải nghiệm văn hóa, du lịch MICE, tham quan, nghỉ dưỡng, ẩm thực ở Legacy được đầu tư công phu với chất lượng dịch vụ cao cấp. Hướng tới một điểm đến 4 mùa, Công ty có nhiều gói sản phẩm theo mùa, đa dạng dịch vụ theo nhu cầu của du khách, như: “Hành hương theo dấu chân Phật hoàng”, “Tri ân và ước nguyện”, “Mùa thu nơi tiên cảnh”, “Thu sang an nhiên”, “Chăm sóc sức khoẻ bằng dược liệu - Am Tuệ Tĩnh”...

Các lễ hội văn hóa, tâm linh trong mùa thu - đông được tổ chức thường niên, như: Đại lễ tưởng niệm 716 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn tại Khu di tích Yên Tử (23/11-8/12); Kỷ niệm 716 năm Ngày sinh Phật hoàng Trần Nhân Tông tại chùa Ba Vàng (10-11/12); Lễ hội Hoa cúc tại chùa Ba Vàng (11/10); Lễ vía Phật dược sư chùa Trình Yên Tử (31/10); Lễ hội đình - nghè Bí Giàng (13-15/12)…

Những "điểm đến" không thể bỏ qua của Quảng Ninh dịp cuối năm ảnh 4
Không gian giới thiệu chung Lễ cấp sắc dân tộc Dao Thanh Y bằng hình ảnh tại Nhà trưng bày không gian văn hóa người Dao Thanh Y.

Cùng với du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, thành phố Uông Bí cũng quan tâm phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa địa phương. Tại xã Thượng Yên Công - nơi có 9 dân tộc anh em cùng sinh sống, gần 60% dân số là người Dao Thanh Y. Tháng 8/2024, thành phố Uông Bí đã khai trương Nhà trưng bày không gian văn hóa đồng bào dân tộc Dao Thanh Y và mô hình du lịch cộng đồng Dao Thanh Y; ra mắt sản phẩm tham quan thực tế ảo VR360 Yên Tử.

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).