Theo đó, vấn đề bảo mật đề thi, đảm bảo an toàn trong kỳ thi tiếp tục được Bộ GD&ĐT đặc biệt quan tâm và siết chặt. Bộ GD&ĐT yêu cầu đề thi phải bảo quản trong hòm, tủ hay két sắt được khóa, niêm phong và bảo vệ 24 giờ/ngày; chìa khóa do Trưởng ban Vận chuyển và bàn giao đề thi giữ;
Trưởng ban Vận chuyển và bàn giao đề thi có thể ủy quyền bằng văn bản cho cán bộ phụ trách tổ hoặc nhóm vận chuyển giữ và bàn giao chìa khóa các thùng, hòm chứa đề thi cho các Trưởng Điểm thi;
Khu vực bảo quản đề thi, bài thi của thí sinh có lực lượng công an trực, bảo vệ 24 giờ/ngày và phải đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ. Phòng bảo quản đề thi, bài thi phải đảm bảo an toàn, chắc chắn; có camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày; có công an trực, bảo vệ 24 giờ/ngày;
Có 1 (một) cán bộ của trường ĐH, CĐ làm nhiệm vụ tại Điểm thi (Phó Trưởng Điểm thi hoặc thư ký) trực tại phòng trong suốt thời gian đề thi, bài thi được lưu tại Điểm thi; riêng trong các ngày thi, thời gian trực tại phòng của cán bộ của trường ĐH, CĐ được tính kể từ thời điểm kết thúc công việc buổi thi cuối ngày thi trước đến thời điểm bắt đầu công việc buổi thi thứ nhất của ngày thi sau.
Đối với chấm thi, Bộ GD&ĐT yêu cầu tại mỗi Hội đồng thi được thực hiện tại không quá 02 (hai) khu vực. Khu vực chấm thi phải đảm bảo an ninh, an toàn, có đủ phương tiện phòng cháy, chữa cháy và có công an bảo vệ 24 giờ/ngày; nơi chấm thi, chấm kiểm tra bài thi tự luận và nơi bảo quản bài thi tự luận được bố trí gần nhau; bài thi trắc nghiệm được lưu trữ tại phòng xử lý và chấm bài thi trắc nghiệm hoặc được lưu trữ tại phòng chứa bài thi riêng biệt, tùy theo điều kiện thực tế của đơn vị.
Tập hợp các bài thi của một môn thi vào một túi hoặc nhiều túi, ghi rõ số bài thi và số tờ của từng bài thi hiện có trong túi; dán kín số phách cũ trên bài thi và đánh phách mới; bàn giao các túi bài thi đã được đánh phách mới cho Ban Phúc khảo bài thi tự luận. Cán bộ đánh phách phải được cách ly tuyệt đối từ khi thực hiện nhiệm vụ đánh phách đến khi hoàn thành việc chấm phúc khảo.
Ngoài ra, đối với thí sinh, năm nay, quy chế quy định rất rõ thí sinh bị đình chỉ thi phải nộp bài thi, đề thi, giấy nháp cho cán bộ coi thi và ra khỏi phòng thi ngay sau khi có quyết định. Thí sinh bị đình chỉ thi chỉ được ra khỏi khu vực thi sau khi hết 2 phần 3 thời gian làm bài thi tự luận và sau khi hết giờ làm bài thi trắc nghiệm. Thí sinh bị đình chỉ thi sẽ bị hủy kết quả toàn bộ các bài thi trong kỳ thi năm đó.
Năm nay, cho đến giờ, Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Trong đó, rút kinh nghiệm từ những tiêu cực thi cử năm 2018, từ năm 2019, Bộ đã nâng cao vai trò của các trường ĐH. Trong tổ chức thi hay trong chấm thi, các trường ĐH có vai trò chủ đạo. Các Sở GD&ĐT chỉ là đơn vị phối hợp thực hiện.