Cái chết của Dũng làm tôi nhớ đến một cái chết khác từng ám ảnh tôi 18 năm trước, cũng trong một cảnh huống tương tự: Kẻ nghiện kia cũng lại là một người họ hàng, cũng ngay tại nhà, thậm chí, còn hai mạng sống, và người con năm đó thậm chí chỉ vừa mới tròn 25 tuổi (nếu anh còn sống, là cũng gần như bằng đúng tuổi Dũng bây giờ). Và đó cũng là một cái tên đặc biệt, để lại bao nuối tiếc: Lãng Thanh - tác giả tập thơ "Hoa", được Hội Nhà Văn trao giải vào 2 năm sau đó (trường hợp hiếm hoi, tương tự hiện tượng thơ Phùng Khắc Bắc cũng được Hội Nhà Văn trao giải năm 1991, cho tập thơ duy nhất trong một đời viết, cũng do bạn bè tập hợp in sau khi mất...).
Nhớ ngày đó, Trần Mạnh Hảo cứ tấm tắc khen mấy câu thơ tình này của Thanh, viết trước năm 21 tuổi, được cho là một người làm thơ trẻ dám từ chối lối mòn: "Em đến bất ngờ như dao sắc/ Không đùa tựa những vết thương/ Bởi gai hoa lặng chán chường/ Em đến vùng vằng như tơ rối/ Tìm nhau xa đến không ngờ/...Em đến lao đao như lá rụng/ Ngày xanh là nghĩa thế nào/ Về bên anh khi đã chết rồi sao...". Mình thì hồi đấy lại thích một câu khác của Thanh, không hẳn vì tìm tòi chữ nghĩa, mà vì chung phần nào nếm trải, vừa xong: "Muốn viết câu thơ lạc quan/ Cô gái không còn hiểu nữa/ Có nỗi đau nào đau hơn/ Một người không còn xấu hổ..."
Nhưng Thanh không chỉ là một hồn thơ lạ. Chàng trai tỉnh lẻ ấy tốt nghiệp cùng lúc 2 trường Đại học "hot": Ngoại thương và Học viện Quan hệ quốc tế, thông thạo tới 3 ngoại ngữ, hoa tay trải khắp trên cả các mảng hội hoạ, thư pháp, dịch thuật, thi ca... Thế mà Hà Nội nỡ lòng để lọt, vô tâm trả anh về lại trung du sau khi cầm 2 tấm bằng, để rồi chỉ chưa đầy 1 năm sau đó, là sự ra đi ngậm ngùi của một người tài yểu mệnh, lúc vừa tan sở...
NSƯT Vũ Mạnh Dũng - Ảnh: Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam |
Thanh, thì tôi chưa gặp bao giờ, nhưng cũng đã từng viết một bài dài về anh, cái năm tập di cảo của anh đoạt giải. Dũng, thì tôi đã gặp, đã nghe anh hát, cả nhạc đỏ lẫn opera, từng cảm tình không chỉ giọng hát, diễn xuất, mà còn cả vẻ ngoài dường như còn thoáng nét chân quê, thô mộc ở anh, nhưng khi bước lên sân khấu, thì thoắt cái, bỗng thành một quý ông phong tình, bặt thiệp... Vậy mà, lạ thay, tôi lại chưa từng viết...Đồng nghiệp của tôi, cũng rất ít người viết về Dũng. Dù đi xem nhạc kịch Cô Sao hay Người tạc tượng về, ai cũng suýt soa.
Ừ thì cứ đổ tại "duyên", nhưng âu cũng là một thiếu sót đáng xấu hổ trong nghề, khi như thể đã trót làm ngơ trước nỗi thua thiệt của một nghệ sỹ opera ở VN: bao công khổ luyện trên mảnh đất hẹp chỉ có thể dành cho người thực tài, thực tâm, mà đã dễ gì ra được tới rộng dài truyền thông, công chúng...
Chúng ta không đủ vốn liếng văn hoá và nhạy cảm nghề nghiệp để nhận ra những tài năng đích thực, hay đã quá chai sạn với cái đẹp mong manh và quý hiếm để chạy theo những likes, share, những tung hô hào nhoáng nông cạn chóng đến chóng đi?
Chỉ biết, 18 năm nay chẳng ai làm thơ như Lãng Thanh, và ngày mai cũng không còn ai hát giọng baritone như Vũ Mạnh Dũng.
Những tài năng như thế, bao nhiêu năm mới xuất hiện một lần?