Cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học
Ngày 15/9, Bộ GD&ĐT đã ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT có quy định "Học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học, nhưng chỉ phục vụ học tập, với sự đồng ý của giáo viên". Quy định này được dư luận cũng như các thầy cô giáo quan tâm.
Cụ thể, theo thông tư 32, trong số những điều học sinh được làm và không được làm, điều lệ mới cũng bỏ quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học.
Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, thay đổi này nhằm phù hợp với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học nhưng để phục vụ cho việc học tập và được sự đồng ý của giáo viên giảng dạy. Vì hiện nay nhu cầu sử dụng điện thoại thông minh để ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học là rất cần thiết.
Thông tin này đã thu hút được sự quan tâm cũng như ý kiến trái chiều các nhà giáo dục cũng như các thầy cô giáo, học sinh thì cảm thấy hào hứng với quy định mới này. Mặt khác, dư luận xã hội lo ngại về vấn đề kiểm soát việc sử dụng điện thoại trong giờ học.
Giáo viên được sử dụng điện thoại trong giờ dạy học
Theo quy định hiện hành tại khoản 5 Điều 35 Điều lệ trường THCS, trường trung học phổ thông, trường trung học phổ thông có nhiều cấp học kèm theo Thông tư 12/2011 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành có quy định các hành vi giáo viên không được làm đó là:
Hút thuốc lá, uống rượu, bia và sử dụng các chất kích thích khác khi đang tham gia các hoạt động giáo dục; sử dụng điện thoại di động khi đang dạy học trên lớp.
Tuy nhiên, theo Điều 31 Điều lệ trường THCS, trường trung học phổ thông kèm theo Thông tư 32 đã không còn đề cập đến việc giáo viên không được sử dụng điện thoại di động. Vì vậy, nếu cảm thấy cần thiết giáo viên có thể sử dụng điện thoại khi đang dạy học.
Không được phê bình học sinh trước lớp, trường
Ngày 1/11/2020, khi Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực, giáo viên không còn được phê bình học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông trước lớp, trước trường khi học sinh vi phạm khuyết điểm. Theo đó, nếu như trước đây, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập và rèn luyện, tùy theo mức độ vi phạm, giáo viên có thể nhắc nhở, phê bình hoặc thông báo với gia đình.
Thì nay, tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp kỷ luật như nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn, hay thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm. Điểm mới được đưa ra là giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh.
Nhiều giáo viên cho rằng, quy định này mang tính nhân văn và có thể giúp thay đổi hành vi của học sinh. Việc “nhắc nhở, giúp đỡ, động viên các em khắc phục khuyết điểm” thay vì phê bình trước cả lớp, trước toàn trường giúp học sinh cảm nhận được tình thương và sự quan tâm, tôn trọng các em của thầy cô.
Giáo viên không được tùy ý cắt xén nội dung dạy học, giáo dục
Theo khoản 1 Điều 31 Điều lệ trường THCS, trung học phổ thông có quy định những điều giáo viên không được làm như sau: Gian lận trong kiểm tra, thi, tuyển sinh; gian lận trong kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh; bỏ giờ, bỏ buổi dạy, tùy tiện cắt xén nội dung dạy học, giáo dục;
Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền; lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ cho giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật;
Các nội dung trong chương trình dạy học cần được truyền tải đầy đủ đến học sinh, giáo viên không được tùy tiện cắt xén nội dung dạy học, giáo dục;
Ngoài ra, ngôn ngữ, ứng xử của giáo viên, nhân viên phải bảo đảm tính sư phạm, đúng mực, có tác dụng giáo dục đối với học sinh. Trang phục của giáo viên, nhân viên phải chỉnh tề, phù hợp với hoạt động sư phạm, theo quy định của Chính phủ về trang phục của viên chức Nhà nước. Đồng thời, giáo viên và nhân viên không được vi phạm những hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.
Giảm loại hồ sơ, sổ sách đối với giáo viên
Theo quy định hiện hành tại Khoản 3 Điều 27 Điều lệ trường THCS, trường THPT ban hành kèm theo Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT, sổ sách, hồ sơ của giáo viên gồm: Sổ ghi kế hoạch giảng dạy và ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, thăm lớp; Sổ điểm cá nhân; Giáo án (bài soạn).
Nhưng theo khoảng 3, Điều 21 Điều lệ trường THCS, THPT ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định những loại hồ sơ sổ sách giáo viên cầ là: Kế hoạch giáo dục của giáo viên theo năm học; Kế hoạch bài dạy (giáo án); Sổ theo dõi và đánh giá học sinh. Ngoài ra, đối với giáo viên chủ nhiệm cần thêm sổ chủ nhiệm.
Điều này cho thấy, hồ sơ, sổ sách của giáo viên từ ngày 1/11 đã có thể giảm bớt.