Sau khi trải qua cuộc 'vượt cạn' thành công, thể trạng của các chị em sinh mổ sẽ rất yếu. Lúc này, bà đẻ ăn gì sau sinh mổ cần được quan tâm hàng đầu để bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng thật tốt cơ thể, giúp nhanh làm lành vết thương đồng thời kích thích tuyến sữa về để cho trẻ bú.
Những vấn đề xảy ra với mẹ sinh mổ
Sinh mổ là khi người mẹ phải trải qua một cuộc phẫu thuật kéo dài từ 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ. Trước đó, người mẹ sẽ được gây tê để mẹ không cảm thấy đau đớn khi phẫu thuật. Thông thường, sinh mổ được chỉ định trong trường hợp thai quá lớn, thai ngược, vỡ ối sớm hoặc các vấn đề phát sinh khác.
Người mẹ sinh mổ sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi hơn mẹ sinh thường, chẳng thế mà người ta vẫn nói sinh mổ làm tổn hại 3 năm tuổi thọ.
Mất nhiều thời gian phục hồi
Vết mổ dài hơn rất nhiều so với vết rạch ở tầng sinh môn khi sinh thường. Người mẹ phải mất hơn 1 tuần để vết thương liền chắc, 2 – 3 tháng để tạo sẹo. Các cảm giác đau ở vết mổ sẽ vẫn thỉnh thoảng xuất hiện cho đến khi chúng được 1 năm. Trong khi đó, vết khâu do sinh thường chỉ mất 1 tháng để hồi phục.
Thực đơn sau sinh mổ cho người mẹ phải đảm bảo đủ chất dinh dưỡng để các vết thương mau lành lại. Những thực phẩm có hại cho vết thương như đồ nếp, rau muống, đồ uống có ga, có cồn, các loại rau củ gia vị và mỡ động vật nên tránh.
Những nguyên tắc về ăn uống cho các mẹ sinh mổ
Ăn chay 6 giờ sau sinh
Sau khi sinh mổ, ruột bị động chạm, dạ dày bị ức chế, sức hoạt động của ruột giảm. Do đó, sau khi phẫu thuật mà ăn nhiều sẽ tiêu hóa khó khăn, tích tụ lâu dễ dẫn tới táo bón và tăng thêm khí trong ruột khiến bụng bị đầy hơi, không có lợi cho việc hồi phục sức khỏe.
Vì vậy, sau phẫu thuật trong 6 giờ, bạn không nên ăn gì. Khi ruột đã dần dần khôi phục chức năng mới nên ăn uống. Nếu quá đói thì chỉ nên ăn nhẹ bằng các thức ăn dễ tiêu như súp, cháo trắng để tăng dần nhu động ruột, thúc đẩy "xì hơi" cũng như bài tiết dễ dàng.
Thay đổi dần lượng và loại thức ăn phù hợp
Sau khi sinh khoảng 1-2 ngày, khả năng tiêu hóa còn yếu, bạn nên chọn những loại thức ăn dễ tiêu hóa. Sau sinh 3-4 ngày, bạn cũng đừng nên ăn canh quá nhiều. Sau một tuần thì các mẹ có thể ăn bình thường.
Do cảm giác ngon miệng hơn nên có thể bổ sung thêm cá, trứng, thịt gia cầm... Trong giai đoạn này, bạn ít vận động, lại ăn nhiều chất dinh dưỡng nên dễ bị táo bón. Vì thế hãy lựa chọn các loại rau xanh có tính mát như bí đao, rau ngót, mướp, rau mồng tơi... bổ sung thường xuyên vào bữa ăn của mình nhé!
Tránh các thực phẩm gây đầy hơi, tanh
Chức năng tiêu hóa sau sinh mổ cần có thời gian để phục hồi. Sau phẫu thuật nên tránh các loại thực phẩm dễ dàng lên men khí như đường, sữa đậu nành, tinh bột... để ngăn ngừa đầy hơi.
Bạn nên tránh những món ăn có tính hàn như cua, rau đay, đồng thời cũng không nên ăn quá sớm những thức ăn tanh như cá, ốc bởi chúng sẽ ức chế sự ngưng tụ của máu, không có lợi cho việc đông máu sau khi mổ, khiến vết thương lâu lành.
Những thực phẩm các mẹ không nên ăn sau mổ
- Tuy bạn có vết mổ nhưng việc kiêng khem chỉ thực hiện với một số thức ăn không tốt cho quá trình lành sẹo như: cơm nếp, rau muống, lòng trắng trứng gà, thịt bò... vì chúng làm tăng quá trình tạo mủ viêm, hay gây ra sẹo lồi.
- Không ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn đặc.
- Tránh các thực phẩm gây ra sắc tố đen để tránh vết sẹo sâu hơn. Đồng thời cũng không nên dùng các thực phẩm có tính kích thích như cà phê, chè, hạt tiêu hay rượu vang...
- Ngoài ra, các loại thực phẩm, trái cây lạnh cũng nên nhịn ăn sau 40 ngày để ngăn chặn thiệt hại cho đường tiêu hóa và răng.
Những thực phẩm lợi sữa mà các mẹ nên ăn
Để có sữa cho bé bú, bạn nên ăn các món lợi sữa như cháo móng giò heo hầm đu đủ xanh (1-2 móng giò/tuần), rau khoai lang, rau ngót, quả sung, lá vối, nước chè vằng, bổ sung thêm sữa nóng, đặc biệt là phải nhớ uống đủ 1-1,5 lít nước mỗi ngày.
Cho bé bú đều đặn, bú đều cả hai bên, động tác mút núm vú của bé sẽ kích thích hệ thần kinh, thể dịch của người mẹ làm tăng tiết sữa. Vì vậy, bạn nên cố gắng cho con bú thường xuyên để giúp cơ thể điều tiết được lượng sữa bình thường.