Chiến dịch chống tham nhũng "Đả hổ diệt ruồi"
Đối với Trung Quốc, 5 năm qua là giai đoạn cải cách sâu rộng và nhiều thách thức. Để bắt đầu, ông Tập đã chọn phương pháp cải cách Đảng Cộng sản Trung Quốc và đặc biệt là giữ nghiêm kỷ luật trong nội bộ Đảng.
Do đó, Chủ tịch Tập Cận Bình đã bắt tay tiến hành một chiến dịch chống tham nhũng bao gồm việc bắt giữ, xét xử hơn một triệu quan chức từ cấp trung ương đến địa phương, cũng như các cựu quan chức lãnh đạo, đều bị đưa ra xét xử về hành vi tham nhũng.
Bằng việc vạch ra chiến lược "Giấc mộng Trung Hoa", ông Tập đã triển khai những cải cách sâu rộng mà Trung Quốc dự định thực hiện đến năm 2020, rất nhiều dự án trong số đó đang được tiến hành.
Ưu tiên khoa học, công nghệ
Cuộc cách mạng công nghệ, cụ thể là trong lĩnh vực CNTT, là một trong những dấu mốc vào nhiệm kỳ đầu của ông Tập. Hiện tại, người dân Trung Quốc có thể dễ dàng đặt taxi, đặt vé hoặc thậm chí mua tạp hóa thông qua điện thoại thông minh - những điều mà trước năm 2012 không hề tồn tại.
Trung Quốc vượt Mỹ trong Cuộc đua Môi trường?
Ông Tập cũng được khen ngợi vì nỗ lực của mình trong việc giảm thiểu các tác nhân gây ô nhiễm môi trường và cam kết thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo tới năm 2020. Ví dụ, năm 2012, thuật ngữ thu hút sự chú ý đặc biệt là "Văn minh Sinh thái" (EC) đã được đề cập trong Hiến pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trong khuôn khổ "Văn minh Sinh thái", Chủ tịch Tập tuyên bố sẽ đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, cũng như đẩy mạnh việc chuyển đổi năng lượng và xây dựng ngành năng lượng tái tạo của Trung Quốc. Ông Tập mô tả khuôn khổ này sẽ đêm lại: "những ngọn núi xanh và biển vàng".
Trên hết, khi Tổng thống Donald Trump kéo Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đặt ra tham vọng cho Trung Quốc trở thành một nước có trách nhiệm trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Các nhà phê bình thậm chí còn bắt đầu suy đoán về việc liệu Trung Quốc có vượt qua Mỹ trở thành nước lãnh đạo vấn đề môi trường trong thế giới mới.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới
Theo Chủ tịch Trung Quốc, vào năm 2015, nước này đã trở thành quốc gia đầu tiên có GDP vượt quá 20 nghìn tỷ USD, tăng gấp đôi sản lượng trong 6 năm. Trung Quốc đã tự tin giành được vị thế nền kinh tế lớn thứ hai thế giới về sức mua tương đương, theo IMF, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng có được sự tăng trưởng đáng kể và đang được quốc tế hóa. Ngoài ra, Trung Quốc đã lập kế hoạch thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ Tầng Châu Á vào năm 2015, trong khi thành phố Thẩm Quyến được hứa hẹn trở thành "thung lũng Silicon" thứ hai của thế giới.
Sáng kiến "Một vành đai một con đường" hay còn được gọi là "con đường tơ lụa thứ hai" là chiến lược phát triển thương mại của Trung Quốc, tập trung vào việc hợp tác giữa các nước Á-Âu, chủ yếu là Trung Quốc với các nước thuộc tuyến đường tơ lụa trên biển và trên đất liền. Chiến lược này lần đầu tiên được ông Tập Cận Bình đưa ra vào tháng Chín năm 2013, cho thấy Trung Quốc quyết tâm đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu với mạng lưới thương mại, biến nước này trở thành trung tâm và 68 quốc gia vệ tinh xung quanh.
Ngoài ra, Trung Quốc là nền kinh tế sản xuất và xuất khẩu hàng hoá lớn nhất thế giới từ năm 2010 - năm chính thức vượt qua Mỹ.
Định hướng vững chắc trong các chính sách đối ngoại
Dưới thời ông Tập, Trung Quốc đã thể hiện quan điểm gay gắt hơn về vấn đề Triều Tiên, trong khi nỗ lực tạo ra một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Hàn Quốc. Quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản đã trở nên xấu đi dưới thời ông Tập cầm quyền, đặc biệt là do vấn đề tranh chấp đảo Senkaku / Điếu Ngư. Tháng 11 năm 2013,Trung Quốc tuyên bố thiệt lập Vùng nhận dạng phòng không trên các vùng biển tranh chấp.
Ngoài ra, chính quyền Bắc Kinh đã đẩy mạnh quan hệ song phương với Nga, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014, khi Crimea sáp nhập vào Nga. Trong khi đó, mặc dù đặt ra trọng tâm đẩy mạnh quan hệ với Mỹ, mối quan hệ giữa hai nước này đã bị ảnh hưởng sau vụ tin tặc Trung Quốc đã trộm mất 22 triệu hồ sơ của Văn phòng Quản lý Nhân sự Mỹ.
Đặt trọng tâm phát triển quân đội công nghệ cao
Trong những năm qua, quân đội Trung Quốc đã trải qua một cuộc cải cách sâu rộng tập trung vào việc tăng cường khả năng chiến đấu, chỉ huy và đồng bộ tác chiến. Theo số liệu chính thức, đến cuối năm 2017, dự kiến nước này sẽ đạt mốc 2 triệu quân chính quy. Trung Quốc cũng đã đầu tư rất nhiều vào việc hiện đại hóa công nghệ các lực lượng quốc phòng.
Theo Sputnik