Một số công ty như HSBC, Zurich Insurance, Bain & Company và S&P Global đã thông báo các kế hoạch nhanh chóng cắt giảm 70% khí thải từ hoạt động đi lại của các doanh nhân. Một số công ty khác đang cân nhắc áp dụng “ngân sách carbon” trong bối cảnh đối mặt với sức ép ngày càng lớn từ các nhà hoạt động vì môi trường và giới đầu tư, yêu cầu họ phải giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Việc đi lại bằng đường hàng không góp phần gây ra khoảng 90% khí thải từ hoạt động đi lại của doanh nhân, khiến các công ty không đạt mục tiêu giảm khí thải. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), loại ghế hạng thương gia trên máy bay thải ra nhiều CO2 gấp 3 lần so với hạng ghế phổ thông vì tốn nhiều không gian hơn và phần lớn không có người ngồi.
Nhận định về việc này, ông Kit Brennan, đồng sáng lập công ty Thrust Carbon, có trụ sở tại London, chuyên tư vấn cho S&P và các khách hàng khác về việc thiết lập ngân sách carbon, thừa nhận: "Các hãng hàng không gặp khó khăn nhưng họ sẽ cần phải thích nghi".
Tại một hội nghị ở Boston tuần trước, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA, gồm 290 hãng hàng không, trong đó có hàng chục hãng hàng không quốc gia) đã cam kết đạt mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050. Các hãng lữ hàng cũng đang tăng đầu tư vào các công cụ giúp đo lượng khí thải trên các chuyến bay dựa trên các nhân tố như loại máy bay, hành trình bay và hạng ghế.
Sam Israelit, giám đốc phát triển bền vững của công ty tư vấn Bain, cho biết công ty của ông đang đánh giá "ngân sách CO2" cho khối văn phòng hoặc khối chuyên môn, nhằm cắt giảm 35% lượng khí thải từ hoạt động đi lại tính trên mỗi nhân viên trong 5 năm tới. Về phần mình, hãng hàng không JetBlue của Mỹ đề ra mục tiêu khoảng 30% nhiên liệu máy bay cho các chuyến bay đến và đi New York sẽ là loại nhiên liệu bền vững trong 2-3 năm tới.