Nỗi đau của "Đào, Phở và Piano"

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Cơn sốt phim 'Đào, Phở và Piano' bộc lộ hàng loạt điểm yếu của các tác phẩm đặt hàng khiến một bộ phim dù tiêu tốn hàng chục tỷ từ ngân sách nhưng khán giả tiếp cận khó khăn.
Nỗi đau của "Đào, Phở và Piano"

Đào, Phở và Piano là một trong hai tác phẩm điện ảnh được Nhà nước đặt hàng rót kinh phí sản xuất trong năm 2023. Phim được một số người biết đến sau suất chiếu ra mắt tại Hà Nội tháng 9/2023 khá âm thầm, sau đó có tên trong danh sách tranh giải tại Liên hoan phim Việt Nam 2023 ở Đà Lạt.

Dù giành giải Bông Sen Bạc nhưng sau đó Đào, Phở và Piano cũng trôi vào quên lãng như bao bộ phim được làm từ ngân sách khác. Việc tác phẩm này được chiếu ở Trung tâm chiếu phim Quốc gia vào dịp Tết Nguyên đán cũng không được nhiều khán giả biết tới bởi Đào, Phở và Piano được phát hành lặng lẽ, tồn tại qua vài tấm poster ở rạp và thông báo đơn giản trên website.

Phim gây sốt vài ngày mới tung trailer

Cho đến mùng 7 Tết, Đào, Phở và Piano bất ngờ gây sốt nhờ những bài khen và được chia sẻ mạnh trên mạng xã hội. Lượng khán giả tăng đột biến khiến rạp phải tăng suất chiếu còn website của Trung tâm chiếu phim Quốc gia không truy cập được bởi phim chỉ có suất chiếu giới hạn duy nhất tại đây mà nhu cầu người xem lại lớn. Nhiều người nói việc kiếm vé Đào, Phở và Piano chẳng khác gì thời bao cấp, đơn giản vì cung không đáp ứng được cầu.

Cho tới tận ngày 20/2, sau hơn 10 ngày chiếu, trailer Đào, Phở và Piano mới chính thức ra mắt khán giả. Còn trước đó, ngoài việc biết đến tên phim và vài hình ảnh được một số diễn viên chia sẻ, ít ai hình dung được về nội dung và chất lượng bộ phim có chi phí sản xuất 20 tỷ đồng. Trong khi đó, những bộ phim của tư nhân tung trailer và đoạn trích liên tục nhiều tháng trước khi ra rạp để tiếp cận người xem.

Cơn sốt bất ngờ của Đào, Phở và Piano cho thấy tín hiệu tốt từ dòng phim lịch sử do Nhà nước đặt hàng vốn chịu không ít định kiến lẫn tai tiếng trước đó bởi hầu hết ra mắt phim là.... xếp kho vì không có khán giả. Song cơn sốt này cũng bộc lộ hàng loạt điểm yếu của các phim đang tiêu tốn hàng chục tỷ đồng ngân sách nhưng lại không được cấp kinh phí quảng bá và phát hành, hệ quả là phim làm xong mà công chúng chẳng hề biết đến.

Cũng vì phim được làm từ ngân sách nên chỉ được chiếu ở rạp thuộc Nhà nước như Trung tâm chiếu phim Quốc gia, dẫn đến việc Đào, Phở và Piano có suất chiếu hạn chế và đáp ứng được rất ít nhu cầu của khán giả ở Hà Nội, còn những ai muốn xem phim sống ở địa phương khác đành "chịu chết".

Câu hỏi đặt ra là những tác phẩm được Nhà nước đặt hàng với kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng được sản xuất ra cho ai, khi khán giả - đối tượng chính và đối tượng duy nhất của các tác phẩm điện ảnh muốn xem cũng khó tiếp cận với bộ phim?

Đồng nghĩa với việc mục đích phục vụ khán giả hay cao hơn là giáo dục người xem, chuyển tải những giá trị chân - thiện - mỹ hay niềm tự hào dân tộc, niềm tự hào về lịch sử nước nhà của các tác phẩm đặt hàng này thật khó có thể đạt được.

Phim làm từ ngân sách sao không chiếu trên VTV cho khán giả cả nước xem?

Người đứng đầu Cục Điện ảnh lập luận rằng không phải Bộ Văn hóa không muốn phổ biến phim rộng rãi mà do các phim sử dụng ngân sách như Đào, Phở và Piano bị vướng cơ chế, chỉ được rót kinh phí sản xuất chứ không có tiền phát hành, trong khi các hệ thống rạp lớn hầu hết của tư nhân hay liên doanh với nước ngoài. Muốn phát hành ở các rạp đó thì phim phải phân chia lợi nhuận, nhưng doanh số Đào, Phở và Piano phải nộp Nhà nước.

Ngay sau khi Đào, Phở và Piano gây sốt, Cục Điện ảnh đề xuất Bộ VHTTDL phát hành phim rộng rãi trên toàn quốc. Bộ Văn hóa cũng khuyến khích các đơn vị phát hành nhận phim Đào, Phở và Piano. Đến lúc này đã có hai cụm rạp nhận chiếu phim phi lợi nhuận.

Vậy thêm câu hỏi nữa là: Tại sao Cục Điện ảnh và Bộ VHTTDL không làm việc với các nhà phát hành từ trước để tìm đầu ra cho phim 'Đào, Phở và Piano'? Nếu chưa đặt vấn đề phối hợp trình chiếu thì làm sao biết các rạp sẽ không nhận chiếu? Đã nhìn thấy bất cập của việc phát hành phim sử dụng ngân sách tại sao không tìm cách sửa đổi ngay để cởi trói cho đầu ra của phim Nhà nước?

Có ý kiến cho rằng Đào, Phở và Piano được làm từ kinh phí của Nhà nước, vậy tại sao không chiếu miễn phí rộng rãi cho người dân? Và nếu một bộ phim đặt hàng đang vướng cơ chế để có thể vào những hệ thống chiếu phim lớn thì sao không tính đến phương án chiếu Đào, Phở và Piano trên sóng truyền hình quốc gia là VTV cho phim tiếp cận tới hàng triệu khán giả? Người xem có quyền thụ hưởng những tác phẩm điện ảnh chất lượng được làm từ ngân sách một cách đơn giản nhưng cũng hiệu quả nhất.

So với độ phủ sóng của phim Tết khác ra rạp cùng ngày là Mai của Trấn Thành trên hệ thống hàng trăm rạp chiếu toàn quốc với hàng ngàn suất chiếu mỗi ngày thì sức nóng của Đào, Phở và Piano chưa là gì. Bởi sau 12 ngày công chiếu, doanh thu của Đào, Phở và Piano chưa đạt 1 tỷ đồng - như vậy là quá thấp so với kinh phí sản xuất.

Trong khi đó, phim Mai với ngân sách 50 tỷ đồng đến nay đã thu về gần 390 tỷ đồng - gấp gần 8 lần chi phí. Một bộ phim mới bán được vài ngàn vé với 18 suất chiếu mỗi ngày, doanh thu chưa đầy 1 tỷ đồng đã coi là sốt vé thì đáng buồn hơn vui khi nó tiêu tốn 20 tỷ đồng ngân sách.

Biểu tượng ChatGPT của Công ty OpenAI tại một văn phòng ở Washington DC. Ảnh: AFP/TTXVN
Công nghệ AI trước cuộc đua chuyển hướng
(Ngày Nay) - Một kỷ nguyên mới đang đến khi các công ty AI đang chuyển hướng tập trung vào việc tinh chỉnh các mô hình hiện có và bổ sung cho chúng khả năng lập luận giống con người hơn.
Cầu Phong Châu nối 2 huyện Tam Nông và Lâm Thao (Phú Thọ) bị sập 2 nhịp do bão lũ. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN
Bổ sung vốn để xây cầu Phong Châu mới
(Ngày Nay) - Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 1389/QĐ-TTg ngày 15/11/2024 bổ sung vốn từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 cho Bộ Giao thông vận tải để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cầu Phong Châu mới trên quốc lộ 32C, tỉnh Phú Thọ.