Nỗi lòng của người bị thi hành án liên quan đến thế chấp tài sản

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Bản án tuyên buộc người đi vay tiền phải trả các khoản lãi, án phí và lệ cho đến khi hành xong bản án. Tuy nhiên, đợi khi thi hành xong bản án, rất có thể tài sản đảm bảo cho khoản vay cũng không còn…
Căn nhà 51/23 Lê Văn Miến đang chờ thi hành án.
Căn nhà 51/23 Lê Văn Miến đang chờ thi hành án.

“Lắt léo” dòng tiền của một hợp đồng tín dụng

Căn cứ hợp đồng cấp tín dụng được ký kết giữa Ngân hàng ACB và bà H.T.T.T. vào ngày 03/5/2019, thể hiện ngân hàng có cho bà T. vay 6,5 tỷ đồng, thời hạn vay 120 tháng kể từ ngày 08/5/2019, loại hình vay là trả góp hàng tháng, lãi suất 10%/năm được cố định trong thời hạn 3 tháng và được điều chỉnh 3 tháng/lần cộng 5,2%/năm, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn, phạt chậm trả lãi 10%/năm.

Để đảm bảo cho khoản vay trên, bà T. sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ 51/23 Lê Văn Miến do bà T. đứng tên sở hữu. Hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp mà các bên giao kết với nhau là tự nguyện, đúng quy định pháp luật về hình thức, nội dung theo quy định của Bộ luật dân sự.

Ngoài ra, bà T. còn ký giấy đề nghị cấp thẻ tín dụng quốc tế không có tài sản bảo đảm ngày 21/6/2019 với hạn mức 300 triệu đồng.

Trong quá trình tòa sơ thẩm giải quyết vụ án, bà T. thừa nhận đã nhận đủ số tiền nợ vốn 6,5 tỷ đồng và đã sử dụng 2 thẻ tín dụng quốc tế Visa Signature với hạn mức 100 triệu đồng và thẻ tín dụng quốc tế JCB Gold với hạn mức 200 triệu đồng. HĐXX cấp sơ nhận định, ngân hàng khởi kiện yêu cầu bà T. trả tiền vốn gốc còn nợ hơn 6,6 tỷ đồng và tổng số tiền lãi của 2 khoản vay hơn 1,7 tỷ đồng là có cơ sở.

Tại đơn kháng cáo, ông H. cho rằng, số tiền vay của 2 thẻ tín dụng này là tín chấp không có tài sản bảo đảm, do vậy không thể gộp vào khoản nợ vay có thế chấp là không có căn cứ.

Ông Đ.L.H. kháng cáo cho rằng, việc ông chuyển nhượng nhà đất tại địa chỉ 51/23 Lê Văn Miến cho bà T. là hợp đồng giả cách nhằm để bà T. đứng tên vay tiền tại ngân hàng giúp ông, số tiền 6,5 tỷ đồng ngân hàng giải ngân ông đã nhận đủ và hàng tháng đều gửi tiền vào tài khoản của bà T. để đóng lãi cho ngân hàng. Việc ngân hàng cấp 2 thẻ tín dụng cho bà T. không liên quan đến ông.

HĐXX xét thấy, căn cứ vào các chứng cứ cũng như các hợp đồng và tài sản đảm bảo cho khoản nợ vay được ký kết giữa Ngân hàng ACB với bà T. đều thể hiện bà T. là người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất, là người ký hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để đảm bảo cho khoản nợ vay 6,5 tỷ đồng.

Ngân hàng ACB đã giải ngân số tiền 6,5 tỷ đồng và bà T. thừa nhận đã nhận đủ khoản tiền vay này cùng với 2 thẻ tín dụng, không có chứng cứ nào thể hiện ông Đ.L.H. nhờ bà T. đứng ra vay tiền giúp ông, nên ông H. kháng cáo cho rằng đây là hợp đồng giả cách, hiện ông đã được cấp thẻ cư trú và ID tại Mỹ.

Trong đơn kháng cáo, ông H. cũng cho rằng, tại thời điểm TAND quận Tân Bình mở phiên tòa xét xử ông đang ở nước ngoài. Tuy nhiên, HĐXX cấp phúc thẩm xét thấy nội dung này là không đúng. Cũng bởi, theo Công văn của Cục Quản lý xuất nhập cảnh trả lời xác minh xuất nhập cảnh của ông Đ.L.H. như sau: Đ.L.H., nam, sinh ngày 25/8/1974, thường trú tại…, được cấp hộ chiếu số… Đương sự đã xuất nhập cảnh 39 lần, lần gần nhất nhập cảnh vào ngày 13/01/2021, hiện chưa có thông tin xuất cảnh”.

Kháng cáo bất thành!

Như vậy, ngày 28/5/2021, TAND quận Tân Bình mở phiên tòa xét xử ông H. đang ở trong nước, nhưng không có mặt ở địa phương như đã nhận định ở phần trên, ông H. cho rằng việc tòa án cấp sơ thẩm xét xử vắng mặt ông, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông là không có căn cứ, nên không được chấp nhận.

Mặt khác, ông H. chỉ là người đang có hộ khẩu tại nhà đất số 51/23 Lê Văn Miến, không còn là chủ sở hữu hợp pháp nhà đất trên, nên việc bà T. thế chấp nhà đất trên vay tiền và không trả được nợ không liên quan đến ông H. Do bà T. đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ nên Ngân hàng ACB khởi kiện yêu cầu bà T. phải thực hiện các nghĩa vụ trả nợ là có cơ sở. Trong trường hợp bà T. không trả được nợ hoặc trả không đầy đủ thì Ngân hàng ACB có quyền yêu cầu phát mãi tài sản thế chấp để thu hồi nợ là phù hợp.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện ngân hàng đã xin rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với phần lãi phạt chậm trả là hơn 64 triệu đồng. Xét thấy, đây là sự tự nguyện của phía nguyên đơn, không trái quy định của pháp luật và đạo đức xã hội, nên được chấp nhận.

Ngoài ra, phía ngân hàng còn yêu cầu tòa án cấp phúc thẩm xem xét tính lãi suất từ ngày xét xử sơ thẩm cho đến ngày phúc thẩm.

HĐXX xét thấy, Ngân hàng ACB không có kháng cáo; tuy nhiên, căn cứ Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 và Án lệ số 08/2016/AL về xác định lãi suất, việc điều chỉnh lãi suất trong hợp đồng tín dụng kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm được Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thông qua ngày 17/10/2016 và được công bố theo Quyết định số 698/QĐ-CA ngày 17/10/2016 của Chánh án TAND tối cao thì lãi suất vẫn được tiếp tục tính từ ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi bên vay thanh toán xong.

Như vậy, số nợ của bà T. chỉ mới tính lãi suất đến ngày xét xử sơ thẩm, do bà T. chưa trả hết nợ cho ngân hàng, nên lãi suất vẫn được tiếp tục tính từ sau ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi bà T. trả hết nợ cho ngân hàng.

Nỗi lòng của người bị thi hành án liên quan đến thế chấp tài sản ảnh 1

Thông báo liên quan đến việc thi hành án.

Từ các phân tích trên, HĐXX xét thấy không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ông Đ.L.H., sửa một phần bản án dân sự sơ thẩm như đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM.

HĐXX tuyên xử, đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là Ngân hàng ACB đối với phần lãi phạt chậm trả là hơn 64 triệu đồng. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng ACB, buộc bà H.T.T.T. trả cho Ngân hàng ACB theo hợp đồng cấp tín dụng số tiền hơn 7,8 tỷ đồng.

Buộc bà T. trả cho Ngân hàng ACB theo thẻ tín dụng quốc tế Visa Signature số tiền hơn 164 triệu đồng và thẻ tín dụng quốc tế JCB Gold tổng số tiền 328 triệu đồng. Ngoài ra, bản án còn tuyên buộc bà T. phải trả các khoản lãi cho đến khi hành xong bản án, án phí và lệ phí.

Nhiều điểm bất hợp lý

Trao đổi với chúng tôi, ông Đ.L.H. khẳng định không phủ nhận bản án. Bản thân ông chấp nhận theo bản án mà HĐXX cấp phúc thẩm TAND TP.HCM đã tuyên. Thế nhưng, ông H. phân tích, việc ông chuyển nhượng căn nhà số 51/23 Lê Văn Miến cho bà T. rồi sau đó, bà T. đứng tên trên hợp đồng để vay tiền và tài sản thế chấp là căn nhà trên là có thật. Sau khi vay tiền, bà T. đã chuyển tiền cho ông H. để kinh doanh là không thể phủ nhận.

Những tháng sau đó, ông H. đã trả gốc và lãi đầy đủ cho khoản vay nhưng do làm ăn thua lỗ, ông H. không thanh toán đầy đủ khoản vay nên dẫn đến bị ngân hàng khởi kiện và phát mãi tài sản.

Ông H. nói, trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn ra, Ngân hàng ACB quyết tâm khởi kiện khách hàng đến cùng để giải quyết sự việc bất chấp những quy định của ngân hàng nhà nước và cơ quan quản lý chuyên môn. Cũng bởi, nếu Ngân hàng ACB linh động căn cứ theo tinh thần của Thông tư 11/2021/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước và Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ “về tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19” của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm nợ, khoanh nợ… đối với những cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thì ông H. sẽ không lâm vào hoàn cảnh như hiện nay.

Mặc khác, ngay sau khi không có khả năng thanh toán và cả trong quá trình tòa chuẩn bị xét xử, ông H. nhiều lần chủ động liên hệ với phía Ngân hàng ACB nhằm mục đích thanh lý tài sản để trả nợ nhưng không nhận được sự hợp tác. Để rồi sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, ngân hàng đã “bán” khoản nợ trên cho một đơn vị khác khiến cho việc giải quyết món nợ trên trở nên vô vọng.

Cách ngân hàng “bán nợ” khiến tài sản bị phát mãi càng chậm trễ và sau khi phát mãi xong tài sản thì số tiền chênh lệch ông H. thu về được rất ít và cũng có khi mất trắng căn nhà.

TIN LIÊN QUAN
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.