NSƯT Bạch Long: Tôi cố gắng sống hết kiếp đời nghệ sĩ

(Ngày Nay) - “Hạnh phúc từng ngày với việc dạy học trò, diễn kịch, dựng tuồng cải lương. Tôi còn có cơm ăn và đủ tiền thuê nhà ở. Tôi chỉ cầu nguyện cho mình đừng bị bệnh nặng, lay lắt làm phiền người xung quanh và làm khổ chính mình” – NSƯT Bạch Long bày tỏ mơ ước ở tuổi 65 .

NSƯT Bạch Long là hậu duệ của một đại gia tộc sân khấu lừng lẫy. Ông ngoại anh là Bầu Thắng vang danh, cậu ruột anh là ông bầu đại bang tuồng cổ Minh Tơ. Ông nội anh là kép Hai Nở nổi tiếng từ đầu thế kỷ 20. Cha anh là NSND Thành Tôn cũng là đại thụ từ hát bội đến cải lương. Tất cả các anh chị em của anh đều là nghệ sĩ tài năng và danh tiếng.

NSƯT Bạch Long: Tôi cố gắng sống hết kiếp đời nghệ sĩ ảnh 1

Tạo hình NSƯT Bạch Long trong vai Lý Thường Kiệt vở tuồng Nam Quốc Sơn Hà

Bản thân anh nổi tiếng trước cả người em trai được báo giới ưu ái gọi là “phù thủy sân khấu” NSƯT Thành Lộc. Đó là thời mà cải lương còn hưng thịnh. Dẫu có danh tiếng và được sự yêu mến của công chúng, nhưng cuộc đời của NSƯT Bạch Long đi qua nhiều thăng trầm.

Trong ngày Giỗ tổ Sân khấu Việt Nam 2024, đoàn Đồng Ấu Bạch Long (gánh hát cải lương thiếu nhi chuyên tuồng cổ) tổ chức cúng tổ đến 15 bàn. Nếu biết rằng ngày thường NSƯT Bạch Long ăn uống cần kiệm, và các kỳ giỗ tổ trước chỉ từ 5 đến 10 bàn, thì sự kiện 15 bàn năm nay là rất đặc biệt trong bối cảnh nghệ sĩ sân khấu gặp nhiều khó khăn.

Chi phí cho việc cúng tổ này từ tiền anh dành dụm cả năm và được góp lại từ các học trò Trúc Quỳnh, NSƯT Quế Trân, NSƯT Tú Sương, Bình Tinh. Nhân dịp này, chúng tôi đã trò chuyện với anh về tương lai của cải lương và thăng trầm trong cuộc đời anh.

Anh đã gầy dựng lên đoàn tuồng cổ Đồng Ấu Bạch Long, và dẫn dắt các em đến lúc thành danh, rồi sau đó hầu như ngưng hoạt động suốt nhiều năm. Gần đây, anh đã hồi phục hoạt động cho gánh hát của mình tại sân khấu Nón Lá. Sự hồi sinh này có phải là sự hồi sinh của cải lương nói chung, thưa anh?

NSƯT Bạch Long: Thật lòng mà nói, sân khấu cải lương chỉ hoạt động cầm chừng. Cụ thể, mỗi tháng chúng tôi chỉ sáng đèn một lần phục vụ tầm 200 khán giả. Tiền bán vé không đủ để trang trải cho tiền kịch bản, phục trang, âm nhạc, và catse diễn viên. Nếu ông bầu Huỳnh Anh Tuấn không tạo điều kiện, tôi chẳng thể làm sống lại cái tên Đồng Ấu Bạch Long. Tình hình chung của cải lương, có lẽ chỉ dừng lại ở mức này chứ không thể khá hơn. Nhưng biết phải làm sao khi nhu cầu thưởng thức nghệ thuật thay đổi theo đà tiến của xã hội. Bây giờ có quá nhiều thứ để công chúng thưởng thức. Tôi tìm hiểu và biết rằng Kinh kịch của Trung Quốc giờ đây chỉ diễn phục vụ cho du lịch, chứ không lan tỏa rộng như ngày xưa, không thu hút được giới trẻ.

Thật ra, tôi đã cảm nhận sự hấp hối của cải lương khoảng vào đầu thập niên 1990. Hồi ấy, tại Sài Gòn có một rạp hát mà tầng dưới chiếu phim, tầng trên hát cải lương. Lần đó, đại bang Minh Tơ ra tuồng mới, tôi chạy ngang qua thấy hàng dài khán giả xếp hàng mua vé. Tôi mừng rỡ vô cùng, nhưng vô rạp mới biết phần lớn đi xem phim “Xóm vắng” của Đài Loan với cặp ngôi sao Lưu Tuyết Hoa – Tần Hán. Trên rạp cải lương chỉ có tầm 600 người xem. Nối sau đó là sự tung hoành của phim kiếm hiệp và võ thuật Hong Kong. Một cú nốc ao cuối cùng là băng đĩa cải lương ra đời đã khiến cho khán giả đến rạp teo tóp hẳn vì người ta có thể xem tại nhà.

NSƯT Bạch Long: Tôi cố gắng sống hết kiếp đời nghệ sĩ ảnh 2
NSƯT Bạch Long trong ngày giỗ tổ tại đoàn Đồng Ấu Bạch Long

Thế thì động lực nào giữ anh lại với loại hình nghệ thuật truyền thống rất đẹp này?

NSƯT Bạch Long: Tôi sanh ra trong lòng cải lương thì dẫu sóng gió thế nào tôi vẫn sống hết kiếp đời nghệ sĩ với bộ môn nghệ thuật này. Đó là định mệnh mà tôi không thể thay đổi. Tôi nổi tiếng với cải lương chưa đủ lâu thì thời gian sau bộ môn này suy yếu. Tôi về bộ môn kịch nói và được khán giả yêu thích thì càng về sau này kịch nghệ cũng bắt đầu giảm sức hút. Vậy nhưng, tôi chưa bao giờ tuyệt vọng mà hạnh phúc mỗi khi được hát và nhìn thấy cảm xúc của khán giả. Trong vai trò thầy tuồng và đạo diễn cải lương tôi luôn nỗ lực sáng tạo, lồng ghép vào nhiều phương thức mới mẻ. Tôi cố hết sức vì đó là nhiệm vụ của người nghệ sĩ. An ủi là vở tuồng “Xuân về trên đất Thăng Long” tôi viết tuồng và dựng diễn được 5, 6 suất tại Nón Lá thì được VTV9 thu hình và phát sóng.

Được biết anh không làm công việc gì khác ngoài nghệ thuật, giờ anh đã vào tuổi 65, anh dự liệu tương lai của mình thế nào?

NSƯT Bạch Long: Tôi là người tin vào tâm linh, và thuyết vô vi. Khi tôi trưởng thành, một thầy tướng số đã xem và nói rõ tất cả cuộc đời tôi. Hơn 2/3 những gì thấy phán đều đúng. Ý tôi là khi bạn đã biết trước kết quả tương lai cuộc đời mình, bạn sẽ hiểu đó là số phận, bạn không cố vùng vẫy để vượt thoát. Tôi sống cho hiện tại. Hạnh phúc từng ngày với việc dạy học trò, diễn kịch, dựng tuồng cải lương. Tôi còn có cơm ăn và đủ tiền thuê nhà ở. Tôi chỉ cầu nguyện cho mình đừng bị bệnh nặng, lay lắt làm phiền người xung quanh và làm khổ chính mình.

Có người đồn rằng anh độc thân vì anh thuộc giới tính thứ ba, điều này có chính xác không, thưa anh?

NSƯT Bạch Long: Tôi cũng nghe râm ran đôi lần về điều này. Xin thẳng thắn đính chính là không. Tôi thích phụ nữ, nhưng tôi không thích lập gia đình. Bạn thử nghĩ xem một nghệ sĩ chỉ đủ ăn như tôi thì nếu có vợ con và phải đảm bảo trách nhiệm người chồng và cha, liệu có còn khả năng cống hiến cho nghệ thuật. Tôi không cố giải thích vì tôi cũng chẳng bận tâm điều đó. Tôi hiểu người của công chúng, phải chấp nhận đối mặt với vô vàn nhận xét, bình phẩm của công luận.

Một nghệ sĩ tài năng, duyên dáng và nổi tiếng rất dễ dàng có được một người phụ nữ giàu có sẵn sàng lo phần kinh tế cho anh. Anh đã từng có cơ hội này chưa?

NSƯT Bạch Long: Hình như cũng có. Nhưng là đàn ông mà dựa dẫm phụ nữ việc tài chính thì có vẻ mất khí phách phải không. Tôi không thích điều đó. Tất cả những người phụ nữ từng yêu tôi và tôi yêu đều là người nghèo nhưng đều là người đẹp tầm thước bảy trở lên. Nhiều bạn nghề không hiểu sao một người lùn tịt như tôi mà có bạn gái đẹp đến thế. Tôi không thể cưu mang họ, nên để họ tìm chân trời khác sáng hơn.

NSƯT Bạch Long: Tôi cố gắng sống hết kiếp đời nghệ sĩ ảnh 3
NSƯT Bạch Long trong ngày giỗ tổ tại đoàn Đồng Ấu Bạch Long

Có bao giờ ở một góc riêng của mình, anh khóc vì điều gì không, thưa anh?

NSƯT Bạch Long: Ai cũng có nỗi buồn riêng, nhưng nói là khóc vì mình thì tôi chưa bao giờ. Tôi chỉ buồn vì các học trò hiện tại của tôi rất đam mê cải lương nhưng sinh ra không đúng thời điểm. Cải lương quá yếu ớt và hầu như không có giải pháp hồi sinh, còn các cháu thì chọn cho mình một lối đi quá hẹp. Vì vậy, khi dạy học trò, tôi thường khuyên các cháu hãy nhìn vào cuộc đời tôi mà suy nghĩ thật kỹ trước khi dấn thân. Ngay cả đến những nghệ sĩ tên tuổi như tôi còn quay quắt trong khó khăn thì huống chi là những đứa trẻ mới học nghề. Tôi ước sẽ có một phép mầu nào đó, hoặc là nhà nước đầu tư thật lớn vào cải lương để chúng tôi có cơ hội nhiều hơn. Nhưng đó là ước mơ nghệ sĩ của tôi, còn việc quản lý và điều hành tôi không rõ. Chắc người có trách nhiệm cũng trăn trở mà chưa có giải pháp. Đành chấp nhận thực tại.

Cũng đã gần đến tết rồi, kế hoạch sắp tới của anh là gì?

NSƯT Bạch Long: Tôi đã có sẵn kịch bản cho mùa tết, vẫn là cải lương về sử Việt Nam. Giờ là lúc tập hợp nghệ sĩ để phác thảo kế hoạch tập luyện. Bạn biết đấy, nghệ sĩ bây giờ phải tất tả mưu sinh nên việc gom họ lại là cả vấn đề nan giải. Phần các diễn viên tôi mời đều từ lò Đồng Ấu Bạch Long ra nhưng các em cháu phải lo cho cuộc sống gia đình. Họ rất yêu kính thầy, sẵn sàng hy sinh nhưng phải để họ có miếng cơm ăn trước đã. Khi nào họ sắp xếp được thời gian thì chúng tôi tiến hành, nhưng chắc chắn phải là khoảng thời gian trước tết để kịp phục vụ mùa tết.

Cảm ơn anh và chúc anh luôn an lạc!

TIN LIÊN QUAN
Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị năm 2024 quy tụ 16 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia.
Nhìn lại năm 2024: Ngành Văn hóa về đích thành công với nhiều dấu ấn quan trọng
(Ngày Nay) - Năm 2024, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, khó lường; những ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ ảnh hưởng không nhỏ đến các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, về đích thành công với nhiều dấu ấn quan trọng, đóng góp vào bức tranh thành tựu chung của đất nước, góp phần tạo nên sức bật vươn xa trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tuần lễ Văn hóa - Ẩm thực – Du lịch Bình Dương đã chính thức khai mạc thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Bình Dương rộn ràng tuần lễ văn hóa - ẩm thực – du lịch 2024
(Ngày Nay) - Ngày 19/12, tại Công viên Thủ Dầu Một (Đại lộ Bình Dương, phường Hiệp Thành, thành phố Thủ Dầu Một), Tuần lễ Văn hóa - Ẩm thực - Du lịch Bình Dương đã chính thức khai mạc, mở ra không gian hội tụ văn hóa và ẩm thực đặc sắc, thu hút hàng trăm công nhân và du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Quang cảnh buổi hội thảo.
Đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới
(Ngày Nay) - Ngày 19/12, Hội thảo “Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới” đã được tổ chức tại Hà Nội. Đây là một trong chuỗi hoạt động của đợt cao điểm tuyên truyền thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Nhân quyền thế giới (10/12/1948-10/12/2024).
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Học sinh Hà Nội mong phương án tuyển sinh lớp 10 sớm được công bố
(Ngày Nay) - Năm học 2024 - 2025 đã đi qua gần hết học kỳ 1, song các nhà trường, học sinh lớp 9 và phụ huynh trên cả nước vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” được phương án tuyển sinh lớp 10 vì còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh.