Nức tiếng ngôi làng xứ Đoài ngót nghét 1000 năm đi dựng nhà cổ

Làng Hương Ngải (xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội) không chỉ được biết đến với truyền thống khoa bảng bậc nhất xứ Đoài mà còn "nổi như cồn" với nghề làm nhà cổ.
Nức tiếng ngôi làng xứ Đoài ngót nghét 1000 năm đi dựng nhà cổ

Những tay thợ mộc vang danh lục tỉnh miền Bắc

Theo tương truyền thì nghề mộc dân dụng, làm nhà gỗ truyền thống của cha ông Hương Ngải có cách đây 1000 năm. Những tay thợ mộc của làng nổi tiếng là khéo tay trong việc xây nhà, ít nơi nào sánh kịp. Ngoài kỹ thuật, mỹ thuật, người thợ Hương Ngải còn đúc kết được những chuẩn mực về nhà cổ, vì thế nhiều nơi trong xứ Đoài hễ có xây nhà hay tu sửa đình, chùa đều tìm đến.

Nức tiếng ngôi làng xứ Đoài ngót nghét 1000 năm đi dựng nhà cổ - anh 1

Con đường trong làng Ngải gỗ chất đống, các xưởng mộc mọc lên san sát....

Một số công trình tiêu biểu người thợ mộc Hương Ngải như phục hồi Nhà Thái Học ở Văn Miếu Quốc Tử Giám; nhà cổ ở làng Đường Lâm; trùng tu chùa Đình Quán ở Từ Liêm, Hà Nội; cùng với đó là công trình các ngôi nhà cổ trong khu du lịch Thiên Đường Bảo Sơn... Họ cũng là “tác giả” của Chùa Triệu Khánh ở quận Hoàng Mai, chùa Tổng, đình Đông Lao, Chùa Hòe Nhai ở Hà Nội, chùa Cảng ở Hải Phòng…

Tích xưa kể lại, cách đây mấy trăm năm, triều đình mở cuộc thi dựng nhà 5 gian bằng cây chuối. Thợ nào làm nhanh nhất và đẹp nhất sẽ có thưởng và đem lại tiếng thơm cho làng xã. Khi ấy làng Hương Ngải có cụ Chánh mục họ Nguyễn tình nguyện tỉ thí tay nghề làm nhà với thiên hạ.

Trong một ngày, cụ vừa đi chặt chuối và tre để làm con xỏ kết nối, vừa dựng từng phần. Cụ Chánh mục làm nhanh và gọn gàng từng phần chỉnh đẹp. Thân cây chuối dựng tường nhà, còn mái lợp bằng lá chuối tước trên vườn. Ngôi nhà của cụ Chánh được chấm nhanh nhất, đẹp nhất, có thể ở luôn. Nhà vua thấy thế ban sắc phong cho cụ, khen thưởng tài dựng nhà đẹp. Truyền thống làm nghề thợ mộc của làng đã có tiếng khắp lục tỉnh miền Bắc.

Không những giỏi xây nhà mà những người thợ mộc tài hoa nơi đây cũng “hóa phép” khiến những thanh gỗ mộc mạc, vô tri vô giác trở thành những bức tranh sống động, với những họa tiết tỉ mỉ, độc đáo làm nên giá trị mỹ thuật cho những ngôi nhà gỗ cổ truyền.

Nức tiếng ngôi làng xứ Đoài ngót nghét 1000 năm đi dựng nhà cổ - anh 2

Hầu hết những tay thợ mộc của làng Hương Ngải đều học nghề từ thuở còn thơ...

Một sản phẩm được làm ra là tâm huyết của một người, mỗi hoa văn trên sản phẩm là cái nhìn mỹ học của một người, tất cả không ai giống ai, không sản phẩm nào giống sản phẩm nào, không hoa văn nào giống hoa văn nào, nó là hơi thở của mỗi người làm mộc. Đó cũng chính là nét độc đáo làm nên mộc Hương Ngải.

Nhiều nghệ nhân cho rằng, tác phẩm chạm khắc đẹp, mềm mại và có hồn hay không phụ thuộc vào nét vẽ ban đầu của người nghệ nhân, từ đó sẽ được thợ khắc thành những hoa văn của ngôi nhà.
Ở Hương Ngải có nhiều người vài đời làm nghề mộc truyền thống. Đôi chân của họ đi khắp các tỉnh miền Bắc làm nhà gỗ. Hầu hết những người thợ mộc đều học đục từ khi còn rất nhỏ có khi từ 7-8 tuổi. Vì thế về Hương Ngải, hình ảnh những cậu bé hết buổi cắp sách tới trường đều miệt mài học đục trong những xưởng gỗ là điều không hiếm…

Nghề làm nhà cho các đại gia…

Trong khôi phục và phát huy nền văn hóa dân tộc truyền thống, kiến trúc nhà gỗ truyền thống đóng vai trò quan trọng đối với phục hưng lại không gian văn hóa, các làng truyền thống đang bị mai một.

Khoảng 5 năm trở lại đây, ngày càng có nhiều gia đình ở làng Hương Ngải tập trung đầu tư hàng trăm triệu đồng, thậm chí là cả tỷ đồng để sửa chữa và xây mới nhà ở theo kiến trúc cổ. Hiện nay ở làng còn lưu giữ hơn 100 ngôi nhà cổ được làm chủ yếu bằng gỗ mít do chính bàn tay của người thợ Hương Ngải làm ra.

Nức tiếng ngôi làng xứ Đoài ngót nghét 1000 năm đi dựng nhà cổ - anh 3

Một nếp nhà cổ ở Hương Ngải.

Ở các địa phương khác nhiều đại gia làm biệt thự, cung điện nhưng họ vẫn muốn có nếp nhà gỗ để được sống trong một không gian truyền thống dân tộc. Mặc khác nhà bê tông thường nhanh lỗi mốt, còn nhà gỗ cổ truyền đã tồn tại hàng trăm năm, càng để lâu, giá trị nhà càng cao. Với họ, những ngôi nhà cổ truyền là một nét đẹp vĩnh cửu, một giá trị cần phải có trong bộ sư tập nhà cửa của mình.

Bên cạnh đó, không ít người thành đạt sẵn sàng chi gần chục tỷ đổng dựng nhà gỗ làm nhà thờ họ, báo đáp tổ tiên, cung tiến đình chùa... Đây là lý do nhà gỗ dù ngày càng đắt nhưng càng nhiều người về Hương Ngải đặt gỗ làm nhà và xin thợ đi xây.
Ở Hương Ngải, cảnh tượng hàng đống gỗ mít vàng ruộm chất ở đường đi trở nên quen thuộc. Rồi tiếng đục đẽo, cưa vang lên khắp xóm làng…

Theo ông Vũ Duy Tường, Phó chủ tịch Phụ trách kinh tế của xã Hương Ngải cho biết, năm 2012, Hương Ngải được công nhận là làng nghề mộc dân dụng. Các nhóm thợ của các cụ, các ông là những người có nhiều kinh nghiệm đứng đầu đảm nhận từ khi thi công đến khi hoàn thiện và bàn giao.

Nức tiếng ngôi làng xứ Đoài ngót nghét 1000 năm đi dựng nhà cổ - anh 4

Ông Vũ Duy Tường, Phó chủ tịch xã Hương Ngải, Thạch Thất, Hà Nội.

Trong báo cáo kinh tế tháng 12-2014 của làng Hương Ngải, trên địa bàn toàn có 878 gia đình có truyền thống làm nghề từ thời cha ông để lại trong đó có 383 gia đình chuyên làm mộc dân dụng, làm nhà gỗ truyền thống.

Hiện nay Hương Ngải có trên 200 cụ trên 70 tuổi đang truyền nghề và kinh nghiệm làm nghề cho con cháu là cụ Nguyễn Ngọc Ngọ, Đỗ Văn Thông, Cấn Phan…
Hình thức truyền nghề cha truyền, con nối đã duy trì được nghề làm nhà gỗ và các đồ tượng phật, đồ sinh hoạt cao cấp bằng gỗ đồng thời phát triển thành những hiệp thợ chuyên nghiệp.
Nức tiếng ngôi làng xứ Đoài ngót nghét 1000 năm đi dựng nhà cổ - anh 5

Làng Hương Ngải hiện tại có hàng chục hiệp thợ đi dựng nhà cổ.

Kế tiếp lớp người sau tuổi đời 50-60 có khoảng 1000 người các thế hệ thợ mộc dân dụng, làm nhà gỗ truyền thống, đồ thờ có tay nghề cao đã qua đào tạo lớp thợ trẻ tới nay đã có trên 2000 lao động trẻ chuyên nghiệp làm nghề mộc cao cấp.

Nhiều người thợ có tay nghề cao đạt đến độ tinh xảo như ông Nguyễn Hữu Hòe, Đặng Văn Trung, Nguyễn Hữu Đối, Nguyễn Ngọc Ngọ, Đỗ Văn Thông, Vương Văn Chảo, Nguyễn Hữu Lành, Vũ Kim Thư, Phí Văn Sâm..

Trong 3 năm từ 2010 tới 2012 doanh thu của nghề mộc dân dụng đục, chạm, khắc gỗ cao cấp và làm nghề gỗ truyền thống của làng Hương Ngải lần lượt đạt trên 1 tỷ chiếm khoảng 73% so với tổng giá trị chung. Từ khi nghề mộc phát triển mạnh đời sống của người dân trong làng có chuyển biến rõ rệt mang lại đời sống ấm nó ấm cho người dân nơi đây.
Xem thêm:

1. Giải mã ngôi làng khoa cử nức tiếng bậc nhất xứ Đoài

2. Nghệ nhân cuối cùng ở làng thủy tổ quan họ còn lưu giữ điệu Hừ La

Hồ ấp trứng rùa tại Trạm Kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh-Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo. Ảnh: Huỳnh Sơn-TTXVN
Côn Đảo vào mùa sinh sản của rùa biển
(Ngày Nay) -  Bình quân mỗi năm gần đây, Vườn Quốc gia Côn Đảo cứu hộ trên 1.500 tổ trứng rùa biển, tiến hành ấp nở nhân tạo và thả trên 150.000 cá thể rùa con về biển.
Ảnh minh họa
Nhiều trẻ nhỏ, người già được “giải cứu” khỏi nắng nóng trên cao tốc Pháp Vân
(Ngày Nay) -  Sáng 28/4, trên nhiều trang mạng xã hội xuất hiện thông tin về một chiếc xe 16 chỗ bị đột ngột hỏng trên cao tốc Pháp Vân (cách Hà Nội khoảng 90 km về phía tỉnh Nghệ An). Chủ Facebook Nghĩa Đào viết: “Nghỉ lễ thuê xe về quê. Số nhọ hỏng xe cách Hà Nội 90km. Cả nhà đứng đường suốt 3 tiếng từ 6h30 đến 9h30. Gọi điện cho công ty thuê xe báo điều xe khác từ Hà Nội lên. Càng chờ càng mất hút...".
Ảnh minh họa
Xây dựng Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch biển đảo tầm cỡ quốc tế
(Ngày Nay) -  Ngày 27/4, Văn phòng Chính phủ phát đi Thông báo số 189/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg ngày 5/10/2004 về Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.
Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
(Ngày Nay) - Từ ngày 27/4, ngày đầu tiên của dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, khách du lịch sẽ không được mang các sản phẩm nhựa dùng một lần ra các xã đảo của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), cụ thể gồm 5 xã đảo: Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Bản Sen.