Chiều 7/4, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho biết sau quá trình quan trắc, lấy mẫu nước biển để phân tích tìm nguyên nhân dẫn đến hiện tượng hơn 3km biển Đà Nẵng (thuộc địa bàn quận Thanh Khê và Liên Chiểu) đổi màu sẫm, sủi bọt và có mùi hôi xảy ra từ ngày 24 đến ngày 25/3, đến nay đơn vị đã có kết quả ban đầu về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên.
Qua quan trắc môi trường và kết quả phân tích mẫu nước biển tại khu vực mà người dân phản ánh nước biển đổi màu lạ và bốc mùi hôi tanh cho thấy, tại thời điểm lấy mẫu không xảy ra tình trạng ô nhiễm. Tuy nhiên, qua phân tích mẫu nước biển, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phát hiện một loài tảo giáp có tên Tripos furca (Ehrenberg) trong nước biển. Mặc dù không gây độc tố nhưng loài tảo giáp này có thể gây hiện tượng nở hoa với sinh khối lớn gây giảm nồng nộ oxy và khiến nhiều sinh vật sống trong môi trường biển bị chết, cũng như gây hiện tượng nghẹt mang cá do thiếu oxy.
Trước đó, như đã đưa tin, hơn 3 km biển Đà Nẵng, đoạn qua địa bàn quận Liên Chiểu và Thanh Khê xuất hiện tình trạng nước biển bất ngờ đổi sang màu sẫm, sủi bọt nổi lềnh bềnh và bốc mùi hôi khiến người dân không khỏi lo lắng. Người dân cho rằng chính nguồn nước thải chảy ra từ hàng chục hệ thống cống xả nằm dọc tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành là nguyên nhân khiến nước xảy ra hiện tượng trên dẫn đến ô nhiễm.
Theo Môi Trường và Cuộc Sống