Sở hữu 116 km đường bờ biển; hơn 300 hang động lớn nhỏ, nổi tiếng với hang Sơn Đoòng lớn nhất thế giới; gần 100 di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng nổi tiếng, Quảng Bình là vùng đất hiếm hoi ôm trọn trong mình sự kết hợp kỳ thú của hầu như tất cả các loại địa hình từ đồng bằng, rừng núi, sông biển, hải đảo cho đến sa mạc.
Vẻ đẹp này đặc biệt được du khách quốc tế yêu thích. Năm 2017, tổng số khách du lịch Quảng Bình tăng 70,9% trong đó chỉ riêng khách quốc tế đã tăng ấn tượng 120% so với cùng kỳ 2016.
Như vậy, nếu nói về những điều kiện “cần” để một địa phương có thể trở thành “đất vàng” cho phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, thì Quảng Bình không thiếu, thậm chí thừa.
Tuy nhiên, như rất nhiều tỉnh thành Trung Bộ khác tại Việt Nam, Quảng Bình là một điển hình của việc “ngồi trên đống vàng” nhưng vẫn chịu phận khó.
Chưa nói đến số khách sạn 4-5 sao, chỉ tính tổng cơ sở lưu trú thì đến giữa 2017, toàn tỉnh chỉ có gần 300 cơ sở. Con số này thua xa so với Khánh Hoà (hơn 660 cơ sở), Đà Nẵng (gần 700 cơ sở) hay Quảng Ninh (hơn 1.230 cơ sở đã được xếp hạng).
Các khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đêm hay hệ thống tiện ích phục vụ nhu cầu của người dân và du khách thì lại càng ít ỏi hơn nữa.
Đẩy nhanh bài toán hạ tầng
Muốn phát triển du lịch cũng như địa ốc, trước hết phải giải được bài toán hạ tầng.
Giữa năm 2017, hạ tầng giao thông Quảng Bình đón hai sự kiện có ý nghĩa đặc biệt: thông xe cầu Nhật Lệ 2 (tổng vốn gần 1.000 tỷ đồng) nối trung tâm TP. Đồng Hới với bán đảo Bảo Ninh và khai trương đường bay quốc tế đầu tiên Đồng Hới - Chiang Mai.
“Đường bay này sẽ kết nối khu vực miền Trung Việt Nam và phía Bắc Thái Lan, dự kiến sẽ tác động tích cực đến lượng khách đến Quảng Bình trong năm 2018”, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu, tư vấn và thẩm định giá của CBRE Hà Nội cho biết.
Bên cạnh đó, Quảng Bình cũng đã hoàn thành các dự án quan trọng như mở rộng QL1A đoạn đi qua tỉnh, mở rộng nâng cấp đoạn Minh Cầm - Đồng Lê, cải tạo nâng cấp đoạn Khe Ve - Cha Lo…
“Dự kiến đến năm 2020 toàn bộ các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ được đưa vào đúng cấp kỹ thuật; mở rộng và nâng cấp Quốc lộ 12A, Quốc lộ 9B; xây dựng đường nối cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh… đồng thời nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Đồng Hới để nâng cao năng lực vận tải theo tiêu chuẩn quốc tế”, ông Phạm Quang Hải - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Bình cho biết.
FLC Quang Binh Beach & Golf Resort |
Song song với bài toán hạ tầng, tỉnh đã đưa ra nhiều chính sách mời gọi đầu tư hấp dẫn, qua đó thu hút sự hiện diện của nhiều ông lớn trong ngành BĐS như Tập đoàn Trường Thịnh, Mường Thanh, Vingroup….
Tuy nhiên đáng chú ý nhất phải kể tới Tập đoàn FLC và quần thể nghỉ dưỡng FLC Quang Binh Beach & Golf Resort - dự án hạ tầng du lịch lớn nhất của Quảng Bình và khu vực miền Trung tính đến thời điểm hiện tại.
Tổng vốn 20.000 tỷ, diện tích gần 2.000 ha, sở hữu tổ hợp sân golf liên hoàn lớn nhất Việt Nam, dự án này đã phá vỡ những kỷ lục về quy mô và tiện ích mà chính FLC đã từng lập ra trước đó với những quần thể nổi tiếng của họ.
Những tín hiệu khởi sắc
Hạ tầng được củng cố và sự gia nhập của những “ông lớn” nói trên đã khiến thị trường BĐS Quảng Bình khởi sắc từ 2017 và sôi động từ đầu năm 2018.
Ghi nhận trên thị trường, giao dịch phân khúc đất nền tại Quảng Bình có xu hướng tăng trong 2017, giá đất cũng có dấu hiệu tăng dù chưa đồng bộ. Khu vực Tp. Đồng Hới giá đất dao động từ 4tr – hơn 9 tr/m²; khu vực huyện Bố Trạch giá đất từ 1tr - 6tr/m²; huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy giá đất trung bình từ 1,5tr - 3,5tr/m²…
Theo bà Đỗ Lan Hương, Giám đốc dự án Tập đoàn CENGROUP, các dự án đất nền có hạ tầng hoàn thiện, chủ đầu tư uy tín luôn lọt vào tầm ngắm của khách hàng. Với những dự án có độ chú ý đặc biệt như FLC Quảng Bình thì không chỉ đất dự án mà các khu vực lân cận thuộc xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh cũng đang trở thành tâm điểm.
“Giai đoạn 2015-2016, khu vực này giá chỉ dưới 1 tr/m². Sau khi FLC xây dựng tuyến đường nối từ quốc lộ đến biển, giá đã tăng lên từ 1-2 tr/m² và tăng dần đều theo tiến độ dự án. Năm 2017, các khu vực đẹp gần sát dự án thậm chí lên tới 6tr/m² và chưa có dấu hiệu dừng lại”, bà Hương cho biết.
“Đây là hiện tượng có thể dự đoán trước bởi đã từng xảy ra với chu kỳ tương tự ở các thị trường có dự án của FLC như Thanh Hoá, Quy Nhơn… và chắc chắn sẽ tái diễn tại Quảng Bình”, chuyên gia BĐS Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT Think Big Group nhận xét.
Các quần thể nghỉ dưỡng quy mô sẽ tác động rất lớn đến thị trường BĐS nghỉ dưỡng (Ảnh: FLC Quy Nhơn). |
Cũng theo ông Hà, với hàng ngàn sản phẩm BĐS và hệ thống tiện ích ở mức kỷ lục, FLC Quảng Bình không chỉ ảnh hưởng cục bộ tới địa ốc khu vực mà trong tương lai gần, sẽ tác động tích cực tới thị trường nghỉ dưỡng toàn tỉnh và Bắc Trung Bộ, trong bối cảnh du lịch Việt Nam đang “bùng nổ” còn BĐS nghỉ dưỡng vẫn đang là một trong những phân khúc trọng điểm của giới đầu tư.
Điều này, xét ở phương diện tổng thể, cũng có nghĩa là tạo thêm hàng ngàn việc làm cho người dân địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực dịch vụ du lịch, qua đó tạo thành một "vòng tuần hoàn" hội đủ mọi lĩnh vực phục vụ du khách quốc tế và trong nước về với Quảng Bình.
Và như vậy, với sự góp mặt của những nhà đầu tư chiến lược như FLC, con đường để Quảng Bình trở thành một “làn gió Đại Phong” cho ngành du lịch Việt Nam như mong muốn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có lẽ không còn xa.