"Chúng ta sẽ tới Sao Hỏa", ông Trump nói với các phóng viên sau cuộc họp tại Nhà Trắng với Thủ tướng Australia Scott Morrison, và cho rằng Sao Hỏa là mục tiêu thú vị hơn Mặt trăng.
"Chúng ta đang dừng lại ở Mặt trăng. Mặt trăng thực sự là bệ phóng", ông Trump nói. "Đó là lý do tại sao chúng ta chỉ dừng lại ở Mặt trăng. Tôi nói: 'Này, chúng ta đã đáp lên Mặt trăng. Điều đó không thú vị lắm. Vì vậy, chúng ta sẽ nhắm tới Sao Hỏa", ông Trump nói.
Hạn chót của NASA cho việc trở lại Mặt trăng là vào năm 2024, theo thông báo hồi tháng 3 của Phó Tổng thống Mike Pence. Mặt trăng là mục tiêu chính của Chỉ thị Chính sách Vũ trụ 1, được ký bởi ông Trump vào tháng 12 năm 2017, qua đó yêu cầu NASA đưa phi hành gia lên Mặt trăng và nhắm tới Sao Hỏa.
Chương trình Artemis của NASA đang phát triển một Hệ thống phóng tên lửa không gian khổng lồ và tàu vũ trụ Orion để đưa các phi hành gia lên Mặt trăng. NASA cũng có kế hoạch thiết lập một trạm gần Mặt trăng, được gọi là Lunar Gateway, nhằm thực hiện dự án thăm dò bề mặt Mặt trăng.
Đầu tháng 6, ông Trump đã chỉ trích sự tập trung của NASA vào Mặt trăng chỉ vài tuần trước lễ kỷ niệm 50 năm cuộc đổ bộ Mặt trăng của Apollo 11.
"Đối với tất cả số tiền chúng ta đang chi tiêu, NASA không nên nói về việc lên Mặt trăng. Chúng ta đã làm điều đó từ 50 năm trước", ông Trump viết trên Twitter, nhấn mạnh rằng Sao Hỏa nên là mục tiêu thay thế. Người đứng đầu NASA Jim Bridenstine đã nhấn mạnh rằng Mặt trăng là một trạm dừng chân cho các nhiệm vụ phi hành đoàn trong tương lai tới Sao Hỏa.
Tuy nhiên vào thứ Sáu, Tổng thống Trump cho biết NASA đang đạt "tiến bộ to lớn" đối với dự án đổ bộ lên Sao Hỏa và cũng ghi nhận thành tựu của các công ty công nghệ vũ trụ như SpaceX và Blue Origin.
"Ngoài ra, những người có điều kiện thích phóng tàu tên lửa. Vì vậy, chúng tôi đang cho các tỷ phú như Jeff Bezos và Elon Musk thuê các thiết bị phóng của mình", ông Trump nói. "Và họ đã thực sự làm rất tốt. Họ nói rằng họ đã thành công rực rỡ".
NASA không đơn độc trong mục tiêu vươn tới Mặt trăng và Sao Hỏa. Cơ quan Vũ trụ châu Âu đang xây dựng mô-đun dịch vụ cho tàu Orion và NASA cũng đã nhận được các cam kết từ phía Canada và Nhật Bản để hợp tác khai thác Mặt trăng trong năm nay. Vào thứ Bảy tuần trước, NASA đã bổ sung Cơ quan Vũ trụ Australia, được thành lập vào năm 2018, vào thỏa thuận hợp tác các dự án Mặt trăng trong tương lai. Người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ Australia Megan Clark và Phó quản trị viên của NASA Jim Morhard đã ký một tuyên bố chung về ý định hợp tác không gian.