Hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 để phòng, chống dịch bệnh, trong đó có nhóm người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, hiện đang có nhiều ý kiến cho rằng cần có chính sách riêng cho người tiêm đủ 2 vaccine ngừa COVID-19 như cho phép đi làm, buôn bán... trở lại để khôi phục hồi sản xuất, kết hợp song song với cơ chế giám sát và tuân thủ nghiêm khuyến cáo 5K.
PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, hiện bộ Y tế chưa có quy định riêng với người đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19. Với người tiêm đủ liều vaccine thì cơ bản là bảo vệ cho cá nhân không bị mắc bệnh nặng, giảm thấp nhất nguy cơ nhập viện, nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, với người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn có thể bị nhiễm Covid-19 (không triệu chứng hoặc nhẹ), và do đó vẫn là nguồn lây cho người khác.
Theo cố vấn cao cấp Trần Đắc Phu, hiện tại Việt Nam chưa có miễn dịch cộng đồng (khi tỷ lệ tiêm vaccine bao phủ chưa đạt mức miễn dịch cộng đồng, ở mức 70% dân số được tiêm đủ liều 2 mũi vaccine trên phạm vi cả nước).
Ông Trần Đắc Phu nêu tình huống: chẳng hạn người đã tiêm vaccine nếu đi đến nơi có nguy cơ cao, hoặc tiếp xúc người bệnh, có thể họ cũng bị nhiễm virus và chỉ bị bệnh nhẹ, thoáng qua, hoặc cũng không triệu chứng. Khi về nhà hoặc đến nơi khác, họ có thể lây cho người thân hoặc người xung quanh. Và trong số người bị lây bệnh từ họ nếu chưa được tiêm vaccine thì người bị lây lại có nguy cơ mắc bệnh nặng. Ngoài ra, nếu người đã tiêm vaccine mà nhiễm SARS-CoV-2 đi tới nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp có thể gây dịch lây lan và bùng phát dịch.
Chính vì vậy, PGS Trần Đắc Phu cho rằng: “Để kiểm soát dịch COVID-19 lây lan, những người đã tiêm đủ liều (2 mũi) vaccine ngừa Covid-19 vẫn cần tuân thủ các quy định chung về giãn cách, phong tỏa, thực hiện 5K để kiểm soát các nguy cơ lây nhiễm cho người xung quanh. Đồng thời, các địa phương khi triển khai tiêm vắc xin COVID-19, cần ưu tiên cho người cao tuổi, người có bệnh nền, vì đó những trường hợp dễ có nguy cơ gia tăng mức độ nặng cũng như tử vong nếu mắc COVID-19”.
PGS Nguyễn Đắc Phu đề xuất, đối với các tỉnh, thành phố hoặc khu vực… nếu được tiêm chủng đạt miễn dịch cộng đồng, thì nên có quy định riêng để người đã tiêm chủng được trở lại cuộc sống bình thường mới. Đơn cử, TP.HCM hoặc Hà Nội, Bình Dương… khi đã tiêm đủ hai mũi cho tất cả người dân, thì xây dựng quy định về đi lại, phương án sản xuất, kinh doanh,... không chỉ cho người dân tại hai thành phố, mà còn cho những người đã tiêm vaccine từ nơi khác đến đây.
Tuy nhiên, cũng cần có quy định cho người từ nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao này đến nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, nhằm tránh nguy cơ dịch bệnh lây lan, đảm bảo an toàn cho người chưa tiêm, tránh bùng phát dịch tại nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Các quy định cần tính toán để tránh việc những người đã tiêm nhưng nhiễm virus, rồi lây lan cho người chưa tiêm vì những người chưa tiêm nếu bị nhiễm sẽ mắc bệnh nặng và nguy cơ tử vong cao.
Được biết, tính đến sang 4/9, đã có 21.146.684 liều vaccine đã được tiêm. Theo đó, 10 địa phương có tỉ lệ tiêm cao nhất (tính theo số mũi tiêm/số vaccine phân bổ) là Bắc Giang, Bình Phước, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau, Yên Bái, Bắc Ninh, Lâm Đồng, Hà Nam. 10 địa phương có tỉ lệ tiêm thấp nhất (tính theo số mũi tiêm/số vaccine phân bổ) là Bình Dương, Đồng Nai, Long An, TP.HCM, Thái Bình, Hà Nội, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, An Giang, Khánh Hoà.