Ngay sau khi vụ việc đào tạo chui VB2 ngành Ngôn ngữ Anh của ĐH Đông Đô vỡ lở, các cơ sở đào tạo yêu cầu rà soát văn bằng của học viên đang học sau đại học (ĐH), đặc biệt là đào tạo tiến sĩ như Học viện Khoa học Xã hội, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Mới đây, Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) có văn bản gửi các cơ sở đào tạo sau ĐH, yêu cầu rà soát học viên đào tạo trình độ thạc sĩ và nghiên cứu sinh sử dụng văn bằng cử nhân ĐH Ngôn ngữ Anh (VB2) do ĐH Đông Đô và ĐH Thành Đô cấp, báo cáo danh sách về Cục Nhà trường.
Cũng theo văn bản này, những nghiên cứu sinh chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ cấp cơ sở, học viện, viện có sử dụng bằng cử nhân ĐH Ngôn ngữ Anh (VB2) của hai trường này cấp tạm thời dừng lại chờ kết luận của thanh tra.
Cục Nhà trường đã liệt kê danh sách 111 cơ sở đào tạo của Việt Nam được phép đào tạo và cấp văn bằng ĐH ngoại ngữ (VB2), trong đó có cả ĐH Đông Đô, ĐH Thành Đô.
Cục Nhà trường xin ý kiến về danh sách các cơ sở đào tạo của Việt Nam được công nhận đủ điều kiện cấp văn bằng cử nhân ĐH (VB2), nghĩa là đề cập cả VB2 ngôn ngữ nước ngoài nhưng Cục Quản lý chất lượng lại hướng dẫn tra cứu trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
Trong khi đó, cổng thông tin tuyển sinh chủ yếu phục vụ công tác tuyển sinh chính quy, không đề cập thông tin tuyển sinh, đào tạo VB2 của các trường (trừ một số trường cố tình đưa lên để học viên hiểu nhầm).
Trong danh sách 111 cơ sở đào tạo của Việt Nam được đăng tải trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT mà Bộ Quốc phòng dẫn ra, ngoài ĐH Đông Đô, ĐH Thành Tây, nhiều trường ĐH ngoài công lập khác cũng đào tạo VB2 chính quy ngành Ngôn ngữ Anh.
Điều này khiến các học viên đang học thạc sĩ, tiến sĩ của các cơ sở đào tạo quốc phòng và cơ sở đào tạo khác cảm thấy lo lắng, hoang mang vì trường ĐH ngoài công lập đào tạo chui VB2 ngành Ngôn ngữ Anh không phải chỉ có ĐH Đông Đô.
Theo GS Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, ông không bất ngờ trước những thông tin này. Nhiều trường ĐH ngoài công lập tiềm lực tài chính rất yếu, thậm chí có trường phải dùng chiêu bài “mỡ nó rán nó”, phải tuyển sinh mới có tiền.
Ngày 22/8, Tiền Phong gửi văn bản xin ý kiến của Bộ GD&ĐT về việc hiện có bao nhiêu trường ĐH được phép đào tạo VB 2 ngành Ngôn ngữ Anh. Sau 1 tháng, đại diện Bộ GD&ĐT nói bộ vẫn đang rà soát và chưa có câu trả lời.