Nhóm nghi phạm phi tang xác 2 nam giới trong bê tông tu luyện Pháp Luân Công
Đêm 18.5, công an đã xác định được danh tính hai nạn nhân và xác định được nguyên nhân gây án của đối tượng vụ hai thi thể người trong thùng đổ bê tông ở xã Hưng Hòa, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương.
Hai nạn nhân được xác định là Trần Trí Thành (ngụ TP.HCM) và Trần Đức Linh (quê Nghệ An).
Theo Tiền Phong, Phạm Thị Thiên Hà (31 tuổi, ngụ TP.HCM), Lê Ngọc Phương Thảo (thường gọi là Thanh, 29 tuổi, quê Tiền Giang) cùng với anh Trần Trí Thành và Trần Đức Linh theo bộ môn Pháp Luân Công.
Nhóm này tu luyện một thời gian ở Khánh Hòa, sau đó về nhà bà Trịnh Thị Hồng Hoa (mẹ Phạm Thị Thiên Hà) ở TP.HCM tập luyện. Sau quá trình tu luyện, bà Trịnh Thị Hồng Hoa không đồng ý nữa nên nhóm đi một nơi khác cũng tại TP.HCM. Sau đó, Phạm Thị Thiên Hà thuyết phục mẹ bán căn nhà với giá 2 tỉ đồng.
Giữa năm 2018, nhóm của Phạm Thị Thiên Hà thuê một căn nhà trên đường D2 trong Khu công nghiệp Bàu Bàng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương để cả nhóm tu luyện. Thời điểm này có hai phụ nữ tên An và Hạnh cũng tham gia tu luyện nhưng do cực khổ nên đã bỏ đi.
Sau đó, Hà đến thuê nhà mới tại nơi xảy ra án mạng. Đến cuối năm 2018, cả nhóm đi xuống Vũng Tàu tìm chỗ tu luyện và kêu gọi thêm người gia nhập.
Trong quá trình đó, Trần Đức Linh được cho là không tuân thủ đúng quy định dẫn đến việc xảy ra mâu thuẫn với Phạm Thị Thiên Hà và Lê Ngọc Phương Thảo.
Thiên Hà và Phương Thảo khai, Trần Đức Linh nhảy từ trên lầu 1 xuống đất tử vong do thấy "phần quỷ" trong người lấn át. Sau khi Linh chết, nhóm này đưa thi thể vào phòng rồi bật máy lạnh nhiệt độ thấp để bảo quản thi thể, tránh mùi hôi.
Căn nhà đầu tiên cả nhóm thuê ở huyện Bàu Bàng vào tháng 9.2018 để luyện Pháp Luân Công. |
Căn nhà thứ hai ở huyện Bàu Bàng được nhóm thuê và luyện Pháp Luân Công bên hai xác người. |
Phòng khách sạn, nơi trú ẩn và tu luyện cuối cùng của nhóm Hà và Thảo trước khi bị bắt. |
Sau gần 1 tuần tu luyện tại đây, nhóm này lên ô tô Ford Everest 7 chỗ của Thiên Hà đưa thi thể Linh về căn nhà tại xã Hưng Hòa đã thuê trước đó.
Trong quá trình luyện Pháp Luân Công, Hà và Thảo thấy Trần Trí Thành có biểu hiện lạ, không phù hợp với nguyên tắc của nhóm tu luyện. Lúc bấy giờ, Hà và Thanh đã nảy sinh ý định giết Thành trước khi anh bị "quỷ nhập".
Sau khi giết chết nạn nhân, Hà và Thảo vẫn sinh hoạt và tu luyện bình thường. Song do thi thể có mùi hôi khiến nhóm này không thể tập trung tu luyện nên dùng xi măng, đất đá đổ bê tông che lấp.
Gây án xong, những người còn lại trong nhóm khóa cửa căn nhà, thu dọn đồ đạc trở về thuê khách sạn tại TP.Thủ Dầu Một để tiếp tục tu luyện.
Bên cạnh đó, Hà và Thảo tiết lộ không ăn cơm mà chỉ dùng mỳ gói và bánh mì trong thời gian luyện Pháp Luân Công. Do không chịu được cảnh cực khổ nên có người đã rời nhóm.
Pháp Luân Công bị cho là tà đạo
Đi vào khu phố Hoa ở bất kỳ thành phố lớn nào của phương Tây, bạn có thể vô tình nhìn thấy một dãy người đang ngồi thiền, chân xếp bằng và lưng giữ thẳng. Họ dường như vô hại và có thể bị nhầm tưởng là đang tham gia lớp học yoga.
Trên thực tế, họ đang thực hành bài tập định trước của Pháp Luân Công, giáo phái mà Trung Quốc đã cấm từ năm 1999 và gọi là “tà đạo”.
Cùng với người Tây Tạng, người Hồi giáo Uighur, các nhà hoạt động dân chủ và các nhà hoạt động đòi độc lập cho Đài Loan, các học viên Pháp Luân Công là một trong “năm độc tố” – những người mà chính phủ Trung Quốc thừa nhận là gây ra mối đe dọa lớn nhất với sự cai trị của mình. Vậy Pháp Luân Công là gì?
Pháp Luân Công có nghĩa là Bánh xe Pháp (hay Dharmacakra theo tiếng Phạn), một tập hợp các bài tập thiền định và các bài giảng về triết lý đạo đức xoay quanh Chân, Thiện, Nhẫn.
Biểu tượng Pháp Luân Công |
Pháp Luân Công được thành lập ở Đông Bắc Trung Quốc vào năm 1992 bởi Lý Hồng Chí, từng là người chơi kèn trumpet.
Theo trang Economist, Pháp Luân Công dựa trên truyền thống khí công lâu đời của Trung Quốc, chế độ tập luyện hít thở có kiểm soát và những cử động cơ thể nhẹ nhàng. Song không giống như các môn học lấy cảm hứng từ khí công khác vốn mọc lên như nấm vào những năm 1990, thường chỉ mang lại lợi ích sức khỏe cho các học viên mà thôi, Pháp Luân Công được cho là con đường dẫn đến sự cứu rỗi cho các tín hữu.
Các tín đồ sẽ cố gắng giác ngộ bằng cách đọc các tác phẩm của sư phụ Lý Hồng Chí, người được cho có khả năng đi xuyên tường và phi thân. Cuối những năm 1990, hàng triệu người Trung Quốc từ mọi tầng lớp xã hội đã bắt đầu tập Pháp Luân Công. Các học viên có thể được nhìn thấy ngồi thiền trong các công viên và quảng trường công cộng ở mọi thành phố.
Sự hấp dẫn ngày càng tăng của Pháp Luân Công làm chính quyền Trung Quốc hoảng sợ. Các quan chức cảm thấy bị đe dọa bởi những gì họ coi là “hệ tư tưởng cạnh tranh” đầy sức mạnh, như cách nói của một học viên Pháp Luân Công, và bởi sự gia tăng đáng kinh ngạc về số lượng học viên từ năm 1992 đến năm 1999.
Năm 1996, chính phủ Trung Quốc cấm bán Chuyển Pháp Luân, cuốn sách căn bản của phong trào tâm linh này. Ngay sau đó, các bài xã luận báo chí đã bắt đầu tấn công Pháp Luân Công, tuyên bố nó khiến các tín đồ tự sát.
Vào tháng 4.1999, hơn 10.000 học viên Pháp Luân Công đã biểu tình bên ngoài Trung Nam Hải, trụ sở của đảng ở Bắc Kinh. Đáp lại sự khiêu khích, ông Giang Trạch Dân, chủ tịch Trung Quốc lúc đó, thề sẽ tiêu diệt giáo phái này.
Tháng 6.1999, ông Giang Trạch Dân thành lập Văn phòng 610 (đặt tên theo ngày thành lập), tổ chức bí mật có nhiệm vụ đàn áp Pháp Luân Công. Một tháng sau, chính phủ Trung Quốc tuyên bố giáo phái này là bất hợp pháp. Trong vòng vài tháng, hàng ngàn học viên đã bị bắt, cho vào tù hoặc các trung tâm “cải tạo”. Bất chấp sự đàn áp kéo dài 20 năm, Pháp Luân Công vẫn sống sót.
Cô gái chia sẻ điều bất thường về người chú luyện Pháp Luân Công. |
Theo nhà nghiên cứu Massimo Introvigne của Trung tâm Nghiên cứu về Tôn giáo mới tại Ý, lực lượng này đã suy yếu rất nhiều với số tín đồ tại Trung Quốc hiện chỉ bằng 5% so với thời đỉnh cao. Các buổi thiền công cộng ở Trung Quốc đều đã biến mất, nhưng thi thoảng các phương tiện truyền thông bằng tiếng Trung vẫn đưa tin về việc các học viên Pháp Luân Công mới bị bắt.
Hiện sống lưu vong ở Mỹ, ông Lý Hồng Chí vẫn hoạt động tích cực. Hồi tháng 6.2018, ông Lý Hồng Chí phát biểu trước hàng ngàn tín đồ tại sân vận động ở Washington, ca ngợi các học viên ở Trung Quốc vì đã giữ vững đức tin dù bị đàn áp. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi Pháp Luân Công đứng đầu trong danh sách về 24 tà đạo do chính phủ Trung Quốc ban hành.
Pháp Luân Công được truyền bá mạnh ở Việt Nam
Từ năm 2017, Pháp Luân Công được truyền bá mạnh tại Việt Nam, thông qua các hình thức như mở các lớp đào tạo 9 buổi cho những người mới tham gia, phát tờ rơi, rải truyền đơn tại các khu dân cư, hay thông qua các chương trình nghệ thuật miễn phí.
Các điểm luyện tập Pháp Luân Công mọc lên trên khắp cả nước. Mỗi khi có người đi qua các điểm luyện tập này đều có học viên ra phát tờ rơi quảng cáo, giới thiệu về Pháp Luân Công để dụ họ tìm hiểu và tham gia. Hiện có hơn 30 trang web truyền bá Pháp Luân Công của nhóm tín đồ và tổ chức này.