Cuộc thi chia làm 3 đợt, gồm: Ký văn học (đợt 1); truyện ngắn, thơ (đợt 2); Truyện dài, tiểu thuyết (đợt 3). Nội dung tác phẩm nhằm: Ca ngợi sự hy sinh cao cả của các liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ; tôn vinh những nhà tài trợ, hảo tâm, những người thiện nguyện đồng hành với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ chăm lo cho gia đình liệt sĩ…
Các tác phẩm dự thi được chọn đăng trên tạp chí Văn nghệ TP.HCM, Đặc san Linh Khí Quốc Gia và các website của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP (linhkhiquocgia.vn), Văn chương TP (Hội Nhà văn TP.HCM).
Đối tượng tham dự cuộc vận động: Tất cả các nhà văn, nhà báo, người viết trong nước và nước ngoài.
Các thành viên ban giám khảo gồm: nhà văn Trần Thế Tuyển, nhà văn Trần Văn Tuấn, nhà văn Trầm Hương, PGS.TS Bùi Thanh Truyền.
Địa điểm nhận tác phẩm: Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, số 81 Trần Quốc Thảo, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Số điện thoại: (028) 39321987, email: linhkhiquocgia2021@gmail.com.
Đợt 1 Ký văn học sẽ tổng kết và trao giải vào tháng 12/2022. Cơ cấu giải thưởng là 1 giải Nhất 20 triệu đồng, 2 giải Nhì 10 triệu đồng/giải, 3 giải Ba 7 triệu đồng/giải, 5 giải Tư 4 triệu đồng/giải.
Nhà văn, đại tá Trần Thế Tuyển, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP, cho biết: “Riêng tại TP.HCM, theo thống kê đến 30/11/2021 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP có 51.693 liệt sĩ; 5.471 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Hiện có 126 mẹ còn sống. Có 51.693 gia đình liệt sĩ; trong đó có gần 300 gia đình liệt sĩ thuộc diện hộ nghèo. Tại 7 nghĩa trang liệt sĩ của TP có 27.383 mộ liệt sĩ. Trong đó có 21.555 có thông tin, 5.838 mộ chưa có thông tin.
Để góp phần bù đắp nỗi đau thương, mất mát đó, ngày 29/4/2020, UBND TP ban hành quyết định 1445/QĐ-UBND cho phép thành lập Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP. Hội là tổ chức xã hội, có tư cách pháp nhân; có tài khoản và con dấu riêng. Tôn chỉ mục đích của Hội là: Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, thu hút nguồn lực xã hội để tri ân liệt sĩ và hỗ trợ gia đình liệt sĩ cả về tinh thần và vật chất”.
Cuộc thi viết này còn nhằm hướng đến kỷ niệm 80 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (1947 – 2027).