Tiến sĩ Jon Flanders, chuyên gia thuộc tổ chức bảo tồn dơi Bat Conservation International, cho biết có hơn 1.400 loài dơi, và hàng năm có hơn 20 loài gia nhập danh sách.
Tuy nhiên, hầu hết đây là những khám phá dựa trên phòng thí nghiệm liên quan đến việc phân tích gen để tìm ra những loài cực mới hoặc những loài trông giống hệt nhau và trước đây được cho là giống nhau.
Tuy nhiên, con dơi họ bẫy được tại Tây Phi vào năm 2018 là trường hợp hiếm gặp ngoài tự nhiên.
“Đây là trường hợp hi hữu", tiến sĩ Nancy Simmons, chủ tịch nhóm phân loại dơi toàn cầu tại Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, nhận định.
Loài dơi có lông màu lửa có tên khoa học là Myotis nimbaensis, sống ở vùng núi Nimba của Guinea, theo tiến sĩ Flanders.
Ông và các đồng nghiệp của mình bắt đầu khảo sát các mỏ khai thác bị bỏ hoang, nơi từ lâu đã trở thành nơi trú ngụ yêu thích của các loài dơi có nguy cơ tuyệt chủng trong khu vực. Khi họ tìm thấy một con vật có màu lửa lẫn lộn với những con màu nâu thông thường trong bẫy của mình, họ nghĩ rằng đó chỉ là một cá thể có màu lông kỳ lạ.
Eric Bakwo Fils - chuyên gia về dơi tại Đại học Maroua ở Cameroon, cho biết: “Khi tôi nhìn thấy nó lần đầu tiên, tôi nghĩ chỉ là một con dơi bình thường".
Sau khi nghiên cứu sâu, cặp đôi Bakwo Fils và Flanders đều không thể tìm ra sự trùng khớp của con dơi màu lửa với các loài dơi châu Phi khác rồi họ đi đến kết luận đây là một loài hoàn toàn mới.
Họ đã liên hệ với tiến sĩ Simmons và nhận được câu trả lời rằng đây là một loài dơi hoàn toàn mới.
Nhóm nghiên cứu đã tìm cách bắt lại con dơi ban đầu, một con đực và cũng bắt được thêm một con cái. Tiến sĩ Simmons đã xem xét các bộ sưu tập dơi tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ để so sánh hai mẫu vật với các loài đã biết, cũng như tham khảo các mẫu vật tại bảo tàng Quốc gia Smithsonian ở Washington và Bảo tàng Anh ở London.
Các nhà nghiên cứu cũng đã tiến hành một phân tích di truyền, cho thấy loài dơi Myotis nimbaensis khác ít nhất 5% so với họ hàng gần nhất của nó.
Sau khi xác nhận được danh tính mới của loài này, bước tiếp theo của các nhà khoa học là tìm hiểu về hệ sinh thái của chúng. “Chúng ta càng biết nhiều về chúng, thì chúng ta cũng sẽ biết cách bảo vệ chúng", ông Flanders nói.
Các nhà nghiên cứu có kế hoạch sử dụng phương pháp định vị bằng tiếng vang để giúp xác định nơi chúng thường trú ẩn. Từ đó, họ sẽ thu hẹp được môi trường sống của loài dơi này.
Dơi đóng vai trò sinh thái quan trọng ở khu vực Tây Phi, giúp phát tán hạt giống, thụ phấn cho cây trồng và kiểm soát các loài côn trùng. Tuy nhiên, loài này hiện đang bị tấn công do tư tưởng dơi đem tới mầm bệnh Ebola.
Tiến sĩ Bakwo Fils hy vọng rằng việc khám phá một loài mới có thể bắt đầu thúc đẩy các hoạt động bảo vệ dơi trong khu vực.
“Khám phá này rất quan trọng về đa dạng sinh học dơi ở Tây Phi, bởi vì ngay cả khi dơi là một thành phần rất quan trọng trong hệ sinh thái của chúng ta, chúng hiếm khi nhận được sự chú ý", ông Bakwo Fils chỉ ra.