Các nhà khảo cổ Trung Quốc đã khai quật một ngôi mộ cổ nằm trên một gò đất cao 76 mé ở quận Lâm Đồng của thành phố Tây An, phía tây bắc Trung Quốc và phát hiện ra 220 bức tượng binh sĩ được làm bằng đất nung.
"Khi những bức tượng gốm này được khai quật lần đầu tiên, chúng hầu hết vẫn còn màu, với thắt lưng đỏ và áo giáp tối màu, nhưng thời đó chúng tôi còn thiếu kỹ năng bảo quản khiến màu sắc bị phai. Nhưng lần này, các công nghệ tiên tiến cho phép các bức tượng mới được phát hiện này giữ lại màu sắc sống động của chúng. Công tác triển lãm, khai quật và bảo tồn lăng mộ đang được tiến hành cùng một lúc", ông Liu Zheng - thành viên của Học viện Di tích Văn hóa Trung Quốc, cho biết.
Bên cạnh những bức tượng mới được khai quật, các nhà khảo cổ học cũng đã tìm ra nhiều vũ khí cổ đại, 12 hình nhân ngựa và một bức tượng lạc đà bằng vàng, được cho là lâu đời nhất ở Trung Quốc.
Các nhà khoa học Trung Quốc cho biết, nghĩa địa chiến binh bằng đất nung gần giống như một phiên bản thu nhỏ của cung điện hoàng đế của Hoàng đế Tần Thủy Hoàng. Kích thước hoàn chỉnh của khu di tích lịch sử này vẫn còn là một bí ẩn nhưng công tác khảo cổ sẽ dần vén bức màn bí ẩn của lịch sử.
Một số nhà khoa học trước đó cho rằng toàn bộ khu nghĩa địa có thể rộng tới 98 km2. Khu di tích mộ cổ độc đáo tại Tây An chứa hơn 8.200 nhân vật bằng đất nung, bao gồm cả "đội quân đất nung" nổi tiếng, với tạo hình chính xác như những người lính ngoài đời thật, được tạo ra trong giai đoạn từ năm 221–206 trước công nguyên.