Theo thống kê, hệ thống di tích, di sản của Hà Nội tại các quận, huyện, thị xã có: 50 di tích lịch sử cách mạng, 2.007 ngôi chùa, 1.804 ngôi đình, 811 ngôi đền, 292 ngôi miếu, 18 nghè, 185 ngôi quán, 390 nhà thờ họ, 23 lăng mộ, 35 văn chỉ và 307 di tích thuộc các loại hình di tích khác (am, phủ, phố cổ, làng cổ, cửa ô...).
Trong năm 2019, Hà Nội đã thực hiện tu bổ, tôn tạo 177 di tích với tổng kinh phí 1.165,724 tỷ đồng, trong đó có 282,054 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Tuy nhiên, dù được đầu tư, nhưng do số lượng di tích nhiều nhất toàn quốc nên Hà Nội cũng không đủ nguồn lực để tu bổ, tôn tạo được tất cả các di tích. Từ đó dẫn đến số lượng di tích xuống cấp tại Hà Nội đang tăng dần theo thời gian.
Bên cạnh đó, việc tu bổ di tích cũng đã làm “dậy sóng” dư luận bởi những cách làm tùy tiện. Đơn cử như trường hợp của chùa Bối Khê, chùa Khúc Thủy (Thanh Oai), đình Lương Xá (Ứng Hòa) hay trước đó là đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm), chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ), chùa Bồ Đề (quận Long Biên)... đều bị xâm phạm nghiêm trọng dưới nhiều hình thức.
Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Tô Văn Động cho biết: Khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn lực đầu tư cho công tác bảo quản, tu bổ di tích còn hạn hẹp. Vấn đề hợp tác công - tư trong việc xã hội hóa công tác tu bổ, tôn tạo di tích là hướng đi mà nhiều nước trên thế giới đã thực hiện. Tuy nhiên mối quan hệ này khá phức tạp, bị chi phối bởi nhiều yếu tố và luôn có hai mặt. Bên cạnh mặt tích cực là nguồn lực từ các doanh nghiệp tư nhân góp phần “giảm tải” cho ngân sách nhà nước về nguồn kinh phí thì mặt trái của vấn đề này là nhiều nơi, nhiều cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng tự ý tu bổ, tôn tạo di tích theo ý muốn chủ quan của mình; đưa nhiều kiến trúc và hiện vật mới, lạ vào di tích dẫn đến việc nhiều di tích bị biến dạng. Bên cạnh đó, trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ có chuyên môn về bảo tồn ở các cấp, các địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu…
PGS. TS Nguyễn Văn Huy- Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa cho rằng: Để xảy ra tình trạng ấy có phần trách nhiệm của cơ quan quản lý các cấp, các địa phương và cả cộng đồng. Thực tế cho thấy, có một phong trào làm mới di tích đang diễn ra khắp nơi do nhận thức sai lầm, yếu kém và có phần lệch lạc của người dân, chính quyền, người trông coi di tích và các nhà tài trợ khi quan niệm rằng di tích phải to đẹp, hoành tráng, nhiều tầng mới xứng tầm. Họ đã quên đi rằng, di tích vốn là của cộng đồng, là nơi thực hành tín ngưỡng hay các sinh hoạt, phong tục tập quán của làng xã.
Bên cạnh những “mảng tối” cũng ghi nhận thay đổi tích cực tại nhiều di tích trong việc gắn kết di sản với cuộc sống. Đơn cử như, Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Những năm qua, bên cạnh việc thường xuyên chỉnh trang cảnh quan di tích, xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ du khách, Trung tâm luôn nhắc nhở cán bộ, công nhân viên thực hiện tốt quy tắc ứng xử, nhiệt tình, thân thiện với du khách… Mới đây, Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã chính thức ra mắt công chúng và du khách Khu trải nghiệm cùng di sản và Phòng trưng bày sản phẩm lưu niệm với cách làm mới, hướng tới nhiều đối tượng du khách. Tại Khu trải nghiệm cùng di sản, học sinh ở nhiều lứa tuổi có thể tham gia các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu chuyên sâu về di sản và để lại những dấu ấn cá nhân của mình bằng các hình thức như vẽ tranh, trang trí trên các đồ vật, lưu giữ cảm xúc trên các tấm thẻ...
Hay như Di tích Nhà tù Hỏa Lò trong thời gian qua đã có những hoạt động hấp dẫn để kéo khách đến và tạo ra nguồn thu. Di tích này hiện đón hàng triệu lượt khách mỗi năm và có thể tiến tới tự chủ nguồn kinh phí hoạt động mà không phải dùng đến ngân sách nhà nước. Các hoạt động tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò không chỉ mang ý nghĩa giáo dục lịch sử mà còn mang tính văn hóa, nhân văn trong việc kết nối các nhân chứng lịch sử trong nước, quốc tế với công chúng Thủ đô và du khách, khẳng định sức sống của di tích trong đời sống đương đại hôm nay.
Theo TS Nguyễn Văn Sơn- Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội: Để phát huy các di tích, di sản thì cộng đồng có vai trò rất quan trọng đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị. Sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động quản lý có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra tính hiệu quả lâu dài của công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di tích. Cộng đồng địa phương không chỉ là một nguồn nhân lực dồi dào mà luôn sẵn sàng tham gia một cách tự nguyện. Điều đó thể hiện họ là những chủ nhân gắn bó từ lâu đối với di tích lịch sử, văn hóa. Họ là người chủ đích thực, là người trao truyền những giá trị di sản qua nhiều thế hệ, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.