Phát huy di sản văn hóa phi vật thể và câu chuyện 'ghi danh'

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Là quốc gia sở hữu số lượng di sản văn hóa phi vật thể hàng đầu trong khu vực, Việt Nam đang có thời cơ thuận lợi để đẩy mạnh kết nối văn hóa với phát triển kinh tế, xã hội.
Phát huy di sản văn hóa phi vật thể và câu chuyện 'ghi danh'

Tuy nhiên, bối cảnh đương đại cũng đưa đến nhiều thách thức, khiến di sản phải đối mặt với những bất cập, mâu thuẫn, dẫn đến nhiều thực hành, lễ hội vẫn chưa được quan tâm đúng mức, không phát huy được giá trị một cách hữu hiệu, vững bền.

Diện mạo mới của di sản văn hóa phi vật thể

Theo thống kê của Cục Di sản Văn hóa, bên cạnh 14 di sản được UNESCO ghi danh, hiện cả nước ta có hơn 400 di sản đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các di sản không chỉ đa dạng về loại hình mà còn góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của nhiều địa phương.

Thông qua việc ghi danh của UNESCO và Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, các di sản đã nhận được sự quan tâm lớn từ các cấp chính quyền, các cộng đồng chủ thể nói riêng và của toàn xã hội nói chung. Cũng từ bước đệm ghi danh, với sự cố gắng của Nhà nước và các cộng đồng, trong những năm vừa qua, di sản văn hóa phi vật thể đã mang một diện mạo mới. Các di sản được phục hồi mạnh mẽ, được biên chép, sưu tầm, nghiên cứu, quảng bá; được nuôi sống và truyền dạy trong các sinh hoạt cộng đồng cũng như các không gian sân khấu biểu diễn.

Phát huy di sản văn hóa phi vật thể và câu chuyện 'ghi danh' ảnh 1

Từ góc nhìn chính quyền, các danh hiệu là cơ sở pháp lý để các ban ngành nhận thức được giá trị các di sản có mặt trên địa bàn, từ đó ưu tiên đầu tư nguồn lực vật chất và con người vào công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản; góp phần hiện thực hóa các điều khoản về công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể theo Công ước UNESCO 2003 và Luật Di sản văn hóa Việt Nam.

Ở trong các cộng đồng, sự ghi danh khiến người dân có cách nhìn mới về di sản, củng cố, gia tăng niềm tự hào cũng như đưa lại cho cộng đồng chủ nhân một nhận thức mới về giá trị di sản mà họ nắm giữ, thực hành. Niềm tự hào, nhận thức mới này đóng vai trò đặc biệt trong việc bảo vệ di sản bởi nó là chất xúc tác để nhiều nhóm cộng đồng tham gia một cách chủ động, có ý nghĩa và tự nguyện vào công tác bảo vệ, phát huy di sản.

Cần hiểu đúng về ghi danh

Bên cạnh những kết quả tốt đẹp từ việc thực hành và bảo vệ di sản sau ghi danh, cũng cần phải nhìn nhận rằng vẫn còn tồn tại nhiều thách thức, bất cập, tạo ra hiệu ứng và hệ quả không mong đợi đối với sự phát triển bền vững của di sản.

PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia, thành viên Hội đồng Thẩm định Công ước 2003 (nhiệm kỳ 2017-2022) UNESCO, một trong những chuyên gia hàng đầu về di sản phi vật thể cho biết, theo tinh thần Công ước 2003 của UNESCO, việc ghi danh di sản nhằm nâng cao nhận thức của người dân và chính quyền sở tại, đóng góp vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản một cách tốt nhất. Tuy nhiên tại Việt Nam, nội dung trên chưa được phổ biến một cách chính xác, cụ thể, rộng rãi.

Phát huy di sản văn hóa phi vật thể và câu chuyện 'ghi danh' ảnh 2

Theo đó, cách tuyên truyền, đưa tin của một bộ phận chuyên viên, cán bộ quản lý các cấp, cơ quan truyền thông, đã vô tình tạo ra những hiểu lầm, ngộ nhận về hoạt động ghi danh di sản. Hệ lụy khiến nhiều cá nhân, cộng đồng cho rằng một khi được ghi danh thì di sản đó vượt ra khỏi địa phương, có giá trị cao hơn những di sản khác. Ở một số di sản, việc ghi danh khiến nghệ nhân, người trong cuộc lo ngại sẽ mất đi quyền thực hành, quản lý các sự kiện đã thuộc về cộng đồng hàng trăm năm qua. Nghiêm trọng hơn, sự hiểu lầm còn tạo ra những mâu thuẫn khó hóa giải từ việc so sánh các di sản, tranh chấp giữa các cộng đồng liên quan đến di sản.

Đơn cử trường hợp ghi danh Lễ giỗ Bà Hoàng Phi Yến tại Côn Đảo vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đã vấp phải sự phản đối của một bộ phận học giả về lịch sử, văn hóa và dòng họ Nguyễn Phước tộc. Cụ thể, dựa trên truyền thuyết của người dân trên đảo, Bà được cho là Hoàng Quý Phi của vua Gia Long. Nhưng các chuyên gia và dòng tộc không đồng tình, cho rằng bà Phi Yến chỉ là nhân vật hư cấu, việc ghi danh một lễ giỗ từ truyền thuyết là không hợp lý, gây ảnh hưởng đến hình ảnh của vị vua mở đầu triều Nguyễn.

Tuy nhiên ở góc độ văn hóa dân gian, cần nhìn nhận rằng đó là sự thực hành tín ngưỡng hay có thể nói là di sản của người dân địa phương. Thực hành này có ý nghĩa về mặt tâm linh, văn hóa, xã hội đối với cộng đồng. Nếu nhìn từ góc độ văn hóa phi vật thể, hoàn toàn có thể coi đó là di sản của người dân Côn Đảo, một lễ hội đáng được tôn trọng, bảo vệ và trao truyền.

Phát huy di sản văn hóa phi vật thể và câu chuyện 'ghi danh' ảnh 3

Hay như trường hợp Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được ghi danh bởi UNESCO đã tạo ra một sự bùng nổ trong khía cạnh truyền thông. Điều này vô tình khiến tín đồ của một số tôn giáo, tín ngưỡng phản ứng trên quan điểm một tín ngưỡng trước đây vốn bị liệt vào dạng “mê tín dị đoan”, nay lại được “đánh giá cao hơn” tôn giáo, tín ngưỡng của họ. Trong khi đó, việc ghi danh được nhấn mạnh là để mở rộng sự đa dạng về văn hóa, nâng cao sự tôn trọng giữa các cộng đồng. UNESCO ghi danh Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là ghi danh giá trị thực của tín ngưỡng này đối với cộng đồng, đề cao vai trò của người phụ nữ trong xã hội, cũng như thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc Việt.

Chính sách để phát triển bền vững

Vào năm 2001, sự ra đời của Luật Di sản văn hóa đã tạo ra công cụ pháp lý mạnh mẽ góp phần bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể. Sau 20 năm ban hành và hơn 10 năm sửa đổi, bổ sung, đến nay bộ luật đã bộc lộ những lỗ hổng, nhiều điều khoản, quy định trở nên lỗi thời, không còn bắt kịp với xu thế phát triển của thời đại.

Phát huy di sản văn hóa phi vật thể và câu chuyện 'ghi danh' ảnh 4

Được mời góp ý cho phần di sản văn hóa phi vật thể trong Dự thảo Đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) dự kiến sẽ trình Quốc hội và thông qua vào năm 2024, PGS.TS Nguyễn Thị Hiền chỉ ra một số điểm cơ bản cần thay đổi như bộ luật hiện thời còn thiếu căn cứ, chưa có tính mục đích. Các khái niệm về di sản văn hóa phi vật thể chưa thực sự tương ứng với khái niệm của UNESCO, mới ở dạng định nghĩa trong từ điển. Cần đưa ra một khái niệm rõ ràng về di sản văn hóa phi vật thể trong luật nên được hiểu như thế nào để trở thành khuôn vàng thước ngọc trong công tác nghiên cứu, quản lý, truyền thông.

Bên cạnh đó, một trong những điều quan trọng nhất về di sản văn hóa phi vật thể là quan tâm đến vai trò của cộng đồng sở hữu. Tuy nhiên trong luật cũ, vị trí này chưa được đề cao, cũng hầu như không được nhắc tới mà chỉ nhấn mạnh vai trò chỉ đạo của Nhà nước. Trong khi đó, theo tinh thần của UNESCO, các nhà nước nên ở vị trí định hướng, ngăn ngừa tình trạng làm sai luật, bóp méo hay thương mại hóa di sản trong cộng đồng.

Phát huy di sản văn hóa phi vật thể và câu chuyện 'ghi danh' ảnh 5

Nhận định về thách thức trong bối cảnh hiện tại với sự phát triển bền vững của di sản, PGS.TS Nguyễn Thị Hiền chia sẻ di sản văn hóa phi vật thể thuộc về cộng đồng, nếu cộng đồng còn thấy di sản gắn bó, có chức năng văn hóa xã hội đối với họ thì nó sẽ còn tồn tại mãi mãi. Một khi di sản bị thay đổi chức năng từ hệ quả bối cảnh của cộng đồng bị thay đổi thì di sản sẽ dần biến mất, đó là quá trình rất khó đảo ngược.

Như trong câu chuyện về một số khu vực ở Tây Nguyên, do bối cảnh khách quan của cộng đồng bản địa là canh tác nông nghiệp đã biến mất, thay vào đó là canh tác cây công nghiệp lâu năm như cao su, cà phê, khiến những lễ hội, thực hành gắn với nghề nông như Lễ hội mừng lúa mới đã bị lãng quên, mai một.

Câu chuyện phát triển bền vững đối với di sản văn hóa phi vật thể cần được nhìn nhận từ nhiều góc độ, chiều kích khác nhau, tuy nhiên cần hiểu ở trung tâm mỗi hoạt động bảo vệ, phát huy di sản luôn luôn là sự hiện diện của cộng đồng chủ thể - những người đã sáng tạo, không ngừng trao truyền di sản từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Ban lãnh đạo Viettel chúc mừng đồng chí Cao Anh Sơn và đồng chí Nguyễn Đạt được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc
(Ngày Nay) - Sáng 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).