Caffeine - Cơn nghiện vô hình

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Caffeine làm cho chúng ta tràn đầy năng lượng, giúp chúng ta tỉnh táo hơn và làm việc hiệu quả hơn. Đối với hầu hết mọi người, việc uống caffeine, dù ở mức độ nhiều hay ít, đơn giản đã trở thành ý thức và thói quen cơ bản trong cuộc sống .
Một quán cà phê ở London, thế kỷ 17. (Hình ảnh: Lordprice Collection/Alamy)
Một quán cà phê ở London, thế kỷ 17. (Hình ảnh: Lordprice Collection/Alamy)

Việc chúng ta thường xuyên uống trà và cà phê, khiến caffeine có trong những thức uống này trở thành loại thuốc kích thích thần kinh được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới, và cũng là loại duy nhất có thể cho trẻ em sử dụng.

Một số người thậm chí nghĩ caffeine như một loại ma túy, một chất gây nghiện. Sự quen thuộc của nhân loại với caffeine trong cuộc sống thật đáng ngạc nhiên. Không ngoa khi nói rằng thành phần này đã làm thay đổi thế giới, bắt đầu từ cấp độ cơ bản nhất là tâm trí con người. Cà phê và trà mở ra một sự thay đổi trong về mặt tinh thần, có thể làm sắc bén lại đầu óc đang mơ hồ bởi rượu bia, giải phóng con người khỏi nhịp điệu tự nhiên của cơ thể, khiến những suy nghĩ trở nên mới mẻ hơn.

Vào thế kỷ 15, cà phê đã được trồng ở Đông Phi và được giao dịch khắp bán đảo Ả Rập. Ban đầu, thức uống này được xem như một thứ hỗ trợ cho sự tập trung, giúp các tín đồ tôn giáo tỉnh táo trong những đêm cầu nguyện. Tương tự, trà khởi đầu được xem như một thức uống trợ giúp nhỏ cho các nhà sư tỉnh táo trong thời gian dài thiền định.

Trong vòng một thế kỷ, các quán cà phê đã mọc lên nhan nhản ở các thành phố thuộc bán đảo Ả Rập. Thế giới Hồi giáo vào thời điểm này tiến bộ hơn châu Âu ở một số khía cạnh liên quan đến khoa học kỹ thuật và giáo dục. Rất khó để chứng minh liệu sự hưng thịnh về tinh thần này có liên quan gì đến sự phổ biến của cà phê (và việc cấm rượu) hay không. Nhà sử học người Đức Wolfgang Schivelbusch lập luận, loại đồ uống này dường như được thiết kế riêng cho một nền văn hóa cấm rượu, và chính thức uống đó đã giúp “khai sinh ra toán học hiện đại”.

Vào năm 1629, những quán cà phê đầu tiên ở châu Âu, được thiết kế theo mô hình Ả Rập, xuất hiện ở Venice, Italia. Quán đầu tiên như vậy ở Anh được mở ở Oxford vào năm 1650 bởi một người nhập cư Do Thái, sau đó lập tức du nhập đến London và sinh sôi nảy nở. Trong vòng vài thập kỷ đã có hàng nghìn quán cà phê hoạt động tại thành phố này, ước tính lúc bấy giờ cứ 200 người London thì có một quán cà phê. Khách hàng trả tiền cho ly cà phê, còn thông tin - dưới dạng báo, sách, tạp chí và cuộc trò chuyện - là miễn phí.

Các quán cà phê ở London được phân biệt bởi lợi ích nghề nghiệp hoặc tầm học thức của khách hàng quen hay ghé quán, điều này cuối cùng mang lại cho những quán cà phê một danh tính tổ chức cụ thể. Chẳng hạn, các thương gia và những người đàn ông có nghề nghiệp liên quan đến công việc vận chuyển thường tập trung tại Lloyd’s Coffee House. Tại đây, bạn có thể tìm hiểu thông tin về những con tàu đến và đi, đồng thời mua chính sách bảo hiểm cho hàng hóa của mình. Lloyd’s Coffee House cuối cùng trở thành công ty môi giới bảo hiểm Lloyd’s of London. Các nhà khoa học lại thường tập trung tại Grecian Coffee, nơi có mối liên kết chặt chẽ với Hiệp hội Hoàng gia; Isaac Newton và Edmond Halley từng tranh luận về vật lý và toán học ở đây.

Các cuộc trò chuyện tại các quán cà phê ở London cũng thường xoay quanh vấn đề chính trị. Yếu tố tự do ngôn luận đã thu hút sự chú ý của chính phủ, đặc biệt là sau khi chế độ quân chủ được khôi phục vào năm 1660. Vua Charles II đã lo lắng rằng các âm mưu có thể được ấp ủ từ các quán cà phê, ông cho rằng các địa điểm này có thể tiếp tay tạo ra những cuộc nổi loạn. Năm 1675, nhà vua ra lệnh đóng cửa các quán cà phê, viện dẫn lý do chúng lan tỏa thông tin “sai lệch, độc hại và tai tiếng", gây xáo trộn đến nền hòa bình quốc gia. Giống như rất nhiều hợp chất khác có thể tác động đến ý thức của con người, caffeine đã bị xem như mối đe dọa đối với quyền lực thể chế.

Nhưng cuộc chiến của nhà vua nhằm xóa bỏ cà phê chỉ kéo dài 11 ngày. Vua Charles phát hiện ra rằng đã quá muộn để quay ngược xu hướng của caffeine. Vào thời điểm đó, quán cà phê đã trở thành một nét đặc trưng của văn hóa Anh và cuộc sống hàng ngày - rất nhiều người London đã nghiện caffeine - đến nỗi mọi người chỉ đơn giản phớt lờ lệnh của nhà vua và vô tư uống cà phê.

Nhà sử học người Pháp Jules Michelet đã viết: “Cà phê, thức uống giúp tỉnh táo, nuôi dưỡng não bộ, không giống như các loại rượu mạnh khác, làm tăng sự tinh khiết và minh mẫn. Cà phê xóa tan những đám mây che phủ trí tưởng tượng và sức nặng u ám của chúng, chiếu sáng vạn vật với ánh sáng của sự thật."

Đối với trà, ngay sau khi Công ty Đông Ấn của Anh bắt đầu buôn bán với Trung Quốc, trà giá rẻ đã tràn ngập nước Anh. Một loại đồ uống mà chỉ những người khá giả mới đủ tiền uống vào năm 1700 đã được hầu như tất cả mọi người từ mọi tầng lớp xã hội sử dụng vào năm 1800.

Caffeine - Cơn nghiện vô hình ảnh 1

Những người hái chè ở Ấn Độ. (Ảnh: AFP)

Trà đã giúp giai cấp công nhân Anh chịu đựng những ca làm việc dài ngày, điều kiện làm việc kham khổ và ít nhiều là nạn đói triền miên. Caffeine trong trà giúp làm dịu cơn đói và đường trong đó trở thành nguồn cung cấp calo quan trọng. Caffeine đã góp phần giúp tạo đội ngũ công nhân thích nghi tốt hơn với quy tắc của máy móc.

Vậy chính xác thì trà, cà phê, và caffeine nói chung, làm cho chúng ta tràn đầy năng lượng hơn. Sức mạnh của caffeine giữ cho chúng ta tỉnh táo, ngăn chặn dòng chảy tự nhiên của sự kiệt sức, giải phóng chúng ta khỏi nhịp sinh học, mở ra biên giới ban đêm cho khả năng làm việc.

Caffeine - Cơn nghiện vô hình ảnh 2

Caffeine là chất kích thích tự nhiên được tìm thấy trong cây trà, cà phê và cacao. Chúng hoạt động bằng cách kích thích não và hệ thần kinh trung ương, giúp con người tỉnh táo và ngăn ngừa sự mệt mỏi. (Ảnh: Jonathan)

Vậy Caffeine có hại với con người hay không?

Caffeine hoạt động bằng cách ngăn chặn tác dụng của adenosine, một chất dẫn truyền thần kinh giúp thư giãn não bộ và khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, dấu hiệu của việc cần phải nghỉ ngơi. Các phân tử caffeine can thiệp vào quá trình này, giữ cho adenosine không thực hiện công việc của mình, và khiến chúng ta cảm thấy tỉnh táo. Nhưng nồng độ adenosine tiếp tục tăng, do đó khi caffeine cuối cùng được chuyển hóa, adenosine sẽ tràn vào cơ thể và cảm giác mệt mỏi sẽ quay trở lại. Vì vậy, năng lượng mà caffeine mang lại cho chúng ta là đi vay, và cuối cùng là khoản nợ phải được trả lại.

Các cơ quan y tế từng cảnh báo về sự nguy hiểm của caffeine. Nhưng cho đến nay, caffeine đã xóa bỏ được những cáo buộc nghiêm trọng nhất. Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy rằng cà phê và trà không gây hại cho sức khỏe của chúng ta. Chúng có thể mang lại một số lợi ích, miễn là không lạm dụng quá mức. Uống cà phê thường xuyên có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư (bao gồm ung thư vú, tuyến tiền liệt, đại trực tràng và nội mạc tử cung), bệnh tim mạch, tiểu đường loại 2, bệnh Parkinson, sa sút trí tuệ, trầm cảm hay tự tử. Mặc dù liều lượng caffeine cao có thể gây căng thẳng và lo lắng, và tỷ lệ tự tử tăng cao ở những người uống tám cốc trở lên mỗi ngày.

Một nhà thần kinh học người Anh tại Đại học California, Berkeley Walker, tác giả cuốn sách “Tại sao chúng ta ngủ”, luôn quan tâm đến sứ mệnh của mình là cảnh báo thế giới về một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng vô hình, khi chúng ta không ngủ đủ giấc hay giấc ngủ có chất lượng kém. Và thủ phạm chính gây ra vấn đề này chính là caffeine. Bản thân caffeine có thể không có hại cho bạn, nhưng giấc ngủ mà nó đánh cắp từ bạn khiến bạn có thể phải trả giá. Theo Walker, nghiên cứu cho thấy ngủ không đủ giấc có thể là yếu tố chính dẫn đến sự phát triển của bệnh Alzheimer, xơ cứng động mạch, đột quỵ, suy tim, trầm cảm, lo âu, tự tử và béo phì. “Bạn ngủ càng ngắn, tuổi thọ của bạn càng ngắn”.

Caffeine - Cơn nghiện vô hình ảnh 3

Tiêu thụ 400 mg caffeine (tương đương 2-4 tách cà phê) mỗi ngày là an toàn. Quá liều có thể dẫn đến tử vong. (Ảnh: Alamy)

Walker giải thích rằng, đối với hầu hết mọi người, "thời gian sống" của caffeine thường là khoảng 12 giờ, có nghĩa là 25% lượng caffeine trong một tách cà phê uống vào buổi trưa vẫn lưu thông trong não khi bạn đi ngủ vào lúc nửa đêm. Điều đó cũng có thể đủ để phá hủy hoàn toàn giấc ngủ sâu của bạn.

Caffeine không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra khủng hoảng giấc ngủ của chúng ta. Màn hình tivi, điện thoại, rượu, dược phẩm, lịch trình làm việc, ô nhiễm ánh sáng và tiếng ồn, và lo lắng đều có thể đóng vai trò phá hoại cả thời lượng và chất lượng giấc ngủ.

Nhưng đây là điều độc nhất vô nhị về caffeine: loại chất này là nguyên nhân hàng đầu khiến chúng ta mất ngủ; đồng thời cũng là công cụ chính mà chúng ta dựa vào để khắc phục sự cố vào ngày hôm sau. Hầu hết lượng caffeine tiêu thụ đang được sử dụng để giúp chúng ta chống đỡ cho cảm giác uể oải do giấc ngủ tồi tệ hôm trước, gây ra bởi chính việc sử dụng caffeine. Rõ ràng, caffeine đang giúp chúng ta che giấu đi vấn đề mà chính caffeine tạo ra.

Theo The Guardian
WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ
WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa khỉ (mpox, trong bối cảnh số ca mắc và số quốc gia bị ảnh hưởng đang gia tăng.
Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trên các hòn đảo
Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trên các hòn đảo
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, Hy Lạp đã ký một thỏa thuận năng lượng sạch với Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh trên các đảo dễ bị tổn thương của nước này, vốn đang bị đe dọa bởi tình trạng du lịch quá mức và biến đổi khí hậu.
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
(Ngày Nay) - Chiều 22/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc điều động, phân công, bổ nhiệm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) cho biết, nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), Trung tâm sẽ miễn vé cho du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm tại di sản Thành nhà Hồ.
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế tổ chức mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ Thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc” từ ngày 18-24/11/2024 và Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc lĩnh vực y tế giai đoạn 2024 – 2025.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ An Phong.
Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg: Bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 21 và 22/11/2024, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị được kỳ vọng trở thành bước đột phá, đặt nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp văn hóa. Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng cử đại diện tham dự hội nghị nhằm học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để thúc đẩy công nghiệp văn hóa gắn liền với hợp tác toàn cầu.
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học quốc tế ngày 20/11 đã công bố bản thiết kế đầu tiên về sự phát triển của hệ xương người, đánh dấu bước tiến quan trọng trong dự án Bản đồ Tế bào con người (Human Cell Atlas), một nỗ lực lớn nhằm tạo ra bản đồ sinh học chi tiết của mọi loại tế bào trong cơ thể người.