Trà, hay chè, là thức uống được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới, sau nước. Nhiều người cho rằng trà có nguồn gốc từ Đông Bắc Ấn Độ, Bắc Myanmar hoặc Tây Nam Trung Quốc. Có bằng chứng cho thấy trà đã được tiêu thụ ở Trung Quốc cách đây 5.000 năm.
Sản xuất và chế biến chè là nguồn sinh kế chính của hàng triệu gia đình ở các nước đang phát triển và của hàng triệu gia đình nghèo sống ở một số nước kém phát triển nhất.
Ngành chè là nguồn thu nhập chính và nguồn thu xuất khẩu của một số nước nghèo nhất, cũng là ngành thâm dụng lao động, cung cấp việc làm, đặc biệt là ở các vùng sâu vùng xa và vùng kinh tế khó khăn. Chè có thể đóng một vai trò quan trọng trong phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo và an ninh lương thực ở các nước đang phát triển, là một trong những cây trồng quan trọng nhất.
Uống trà có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe nhờ tác dụng chống viêm, chống oxy hóa và giảm cân của đồ uống. Chè cũng có ý nghĩa văn hóa trong nhiều xã hội.
Theo những bước thăng trầm lịch sử, trà đã trở thành biểu tượng trong văn hóa người Việt. (Ảnh: Ngân Phụng) |
Sản xuất chè và các Mục tiêu Phát triển Bền vững
Sản xuất và chế biến chè góp phần giảm nghèo cùng cực (Mục tiêu 1), xóa đói (Mục tiêu 2), trao quyền cho phụ nữ (Mục tiêu 5) và sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên cạn (Mục tiêu 15).
Nhu cầu cấp thiết là phải nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của cây chè đối với phát triển nông thôn và sinh kế bền vững, cải thiện chuỗi giá trị chè để đóng góp vào Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Chè và biến đổi khí hậu
Sản xuất chè rất nhạy cảm với những thay đổi của điều kiện trồng trọt. Chè chỉ có thể được sản xuất trong các điều kiện sinh thái nông nghiệp được xác định và do đó, ở một số quốc gia rất hạn chế.
Những thay đổi về nhiệt độ và lượng mưa, cùng với sự gia tăng của thiên tai lũ lụt và hạn hán, đã và đang ảnh hưởng đến sản lượng, chất lượng và giá cả của các chế phẩm từ chè, làm giảm thu nhập và đe dọa sinh kế người dân. Song song với đó, cũng có những biện pháp đề xuất liên quan đến cắt giảm lượng khí thải carbon từ sản xuất và chế biến chè. Các nước sản xuất chè cần lồng ghép các thách thức về biến đổi khí hậu, cả trên bình diện thích ứng và giảm nhẹ vào chiến lược phát triển chè quốc gia của mình.