Những quán cà phê ngôn ngữ ký hiệu vòng quanh thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Quán ăn, tiệm cà phê do người điếc điều hành hay phục vụ là kiểu mô hình doanh nghiệp xã hội xuất hiện tại rất nhiều quốc gia trên thế giới như Hongkong, Pháp, Colombia, Hoa Kỳ, Eduador... và cả Việt Nam. Điểm chung của các cơ sở dịch vụ này nằm ở việc áp dụng ngôn ngữ ký hiệu trong giao tiếp, cùng mục tiêu nâng cao nhận thức về văn hóa điếc tới toàn bộ cộng đồng. Hãy cùng Ngày nay dạo một vòng tìm hiểu về những quán cà phê "yên lặng" này. 
Những quán cà phê ngôn ngữ ký hiệu vòng quanh thế giới

Phần đông trong cộng đồng "người Nghe" (là người có khả năng nghe bình thường) hay dùng từ “khiếm thính” và tránh dùng từ “điếc”. Nhưng trong cộng đồng những người không có khả năng nghe thì họ tự gọi mình là người Điếc.

Về bản chất, "điếc" (deaf) được sử dụng để chỉ những trường hợp bị mất thính lực hoàn toàn ở một hoặc cả hai tai. Trong khi thuật ngữ "khiếm thính" (hard of hearing) được dùng để chỉ những người có khả năng nghe kém hơn so với những đối tượng khác.

1. KymViet Space, Hà Nội, Việt Nam

KymViet Space (Không gian Kym Việt) là quán cà phê ngôn ngữ ký hiệu, nhấn mạnh vào việc hòa nhập cộng đồng dành cho người điếc thông qua liên tục đào tạo kỹ năng pha chế, nhằm đem đến những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất. Khách hàng có thể gọi đồ uống đồng thời học về ngôn ngữ của người điếc thông qua những cuốn thực đơn có hình minh họa ngôn ngữ ký hiệu.

Những quán cà phê ngôn ngữ ký hiệu vòng quanh thế giới ảnh 1

Trong hệ sinh thái của mình, KymViet còn sở hữu một nhà xưởng thủ công mỹ nghệ, mọi sản phẩm đều được làm ra từ những bàn tay tài hoa của người khuyết tật. Tất cả đồ trang trí bên trong chuỗi cà phê KymViet đều được sản xuất tại nhà xưởng này. Khách hàng đến quán có thể tham quan và trực tiếp mua sản phẩm tại đây.

Bên cạnh đó, KymViet còn có những hoạt động trải nghiệm thú vị như: Workshop "Mảnh ghép mùa xuân-Sáng tạo từ vải vụn" (20/3-3/4), hay lớp học Ngôn ngữ ký hiệu thông qua lời bài hát Permission to Dance (BTS) (27/3),...

Những quán cà phê ngôn ngữ ký hiệu vòng quanh thế giới ảnh 2
KymViet cơ sở 1: 123 Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

KymViet khởi đầu với phân xưởng sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ. Một phần lợi nhuận từ việc bán các sản phẩm này được sử dụng để xây dựng không gian kết nối cộng đồng KymViet Space. Tại đây, khách hàng có thể tham gia trải nghiệm để thấu hiểu cuộc sống của người khuyết tật: lắng nghe chia sẻ của họ trong các buổi trao đổi, tham quan khu vực làm việc của họ, học cách giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu, thử làm công việc khâu thú bông. Bằng cách này, cộng đồng có thể thay đổi nhận thức sai lệch về người khuyết tật nói chung và người điếc nói riêng thông qua trải nghiệm và cảm nhận không gượng ép.

KymViet chính thức trở thành thành viên Mạng lưới Sáng kiến phát triển vì cộng đồng NICE vào năm 2020.

2. Tiệm cà phê Tradeblock, Melbourne, Australia

Năm 2011, Melbourne được chọn là thành phố đáng sống nhất trên thế giới nhờ mức sống cao và tỷ lệ đói nghèo thấp. Và tiệm cà phê Tradeblock đã được mở ra tại thành phố xinh đẹp này, như một phương tiện giúp phá bỏ rào cản giao tiếp và chuẩn bị cho sinh viên của trường Victorian College (trường dành cho người điếc) hòa nhập với cộng đồng.

Ngoài phục vụ cà phê, Tradeblock còn có cả bánh ngọt và bánh mì. Khách hàng có thể gọi đồ bằng ngôn ngữ ký hiệu hoặc thông qua máy tính bảng đặt tại quầy.

Có hai giáo viên của trường làm việc theo ca hầu hết các thời gian, và học sinh của Victorian College làm theo ca vào những ngày nhất định trong tuần. Một số cựu sinh viên gặp khó khăn trong việc hòa nhập với cộng đồng có thể quay trở lại làm việc tại Tradeblock để có thể lấy lại sự tự tin của mình.

Những quán cà phê ngôn ngữ ký hiệu vòng quanh thế giới ảnh 3
Những quán cà phê ngôn ngữ ký hiệu vòng quanh thế giới ảnh 4

3. Quán cà phê Silent, Zagreb, Croatia

Khách hàng của quán Silent (Yên lặng) có thể gọi món thông qua ngôn ngữ ký hiệu hoặc một máy tính bảng tại mỗi bàn. Silent được mở vào năm 2017, một nửa số nhân viên phục vụ tại quán là người điếc. Mục đích của Silent là cho những khuyết tật nghe nói làm việc tại đây hiểu rằng họ luôn có thể đóng một vai trò quan trọng trong xã hội, làm cầu nối cho sự khác biệt và phá bỏ định kiến.

Một bồi bàn tên Emrah Dervišević đã được cấy ghép ốc tai điện tử từ năm 6 tuổi. Tốt nghiệp trường trung cấp kinh tế, anh phải đối mặt với những thách thức của thị trường việc làm Croatia. Emrah rất vui với công việc mới ở Silent và luôn hào hứng dạy cho khách hàng của mình một vài cụm từ bằng ngôn ngữ ký hiệu.

Silent liên tục nghĩ ra các thủ thuật để khuyến khích cả khách hàng và nhân viên phục vụ tương tác nhiều nhất có thể; vào một số ngày, bạn sẽ không tìm thấy máy tính bảng trên bàn. Goran Basta, chủ quán nhận định: "Công nghệ rất tuyệt vời, nhưng sẽ không tốt nếu dựa vào nó quá nhiều và né tránh yếu tố con người. Quyền con người của họ là giao tiếp và khách cũng cần phải nhận thức được điều đó".

Một vị khách tên là Amalija Šašek cho rằng, nếu coi một quán cà phê như Silent là nổi bật hoặc kỳ lạ thay vì một thứ gì đó bình thường, vô hình trung sẽ tạo ra một xã hội đầy định kiến: "Tôi nghĩ đó là điều chúng ta nên hướng tới trong tương lai; chúng ta nên ngừng nói về việc ai đó mở một quán cà phê có thuê người khuyết tật và bắt đầu coi đó là việc bình thường", cô nói. Và cô ấy đúng: tất cả những gì được xem xét từ đồ uống, hay chất lượng dịch vụ, Silent thực sự là một quán cà phê địa phương bình thường.

Những quán cà phê ngôn ngữ ký hiệu vòng quanh thế giới ảnh 5

4. Starbucks, Washington, Hoa Kỳ

Thương hiệu nổi tiếng toàn cầu Starbucks đã khai trương quán cà phê sử dụng ngôn ngữ ký hiệu đầu tiên tại Hoa Kỳ vào năm 2018. Sự mới mẻ và hướng đến cộng đồng này đã nhận được sự chú ý và thành công ngay lập tức.

Không chỉ nổi tiếng vì bản thân giá trị nhượng quyền thương hiệu của cái tên "Starbucks", quán cà phê này còn được cộng đồng người điếc biết đến bởi vị trí của quán chỉ cách Đại học Gallaudet, trường đại học duy nhất trên thế giới dành cho người điếc, 15 phút đi bộ. Điều này mang lại cơ hội việc làm cho những người điếc tại địa phương.

Khách hàng đến quán có thể gọi đồ bằng ngôn ngữ ký hiệu hoặc bằng những thiết bị điện tử (máy tính bảng) tại quán. Trong quán, những tách cà phê và mọi bức tường được trang trí với nhiều biểu tượng ngôn ngữ ký hiệu, đồng phục tạp dề của nhân viên phục vụ cũng có chữ "Starbucks" được viết theo Ngôn ngữ ký hiệu.

Tính đến cuối năm 2020, Starbucks đã mở sáu quán cà phê sử dụng ngôn ngữ ký hiệu vòng quanh thế giới tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc...

Những quán cà phê ngôn ngữ ký hiệu vòng quanh thế giới ảnh 6
Những quán cà phê ngôn ngữ ký hiệu vòng quanh thế giới ảnh 7

5. Tiệm cà phê Pepperbox, Austin, Hoa Kỳ

Tọa lạc ở ngã tư đường 40 và đường Marathon, doanh nghiệp cà phê đầu tiên do người điếc làm chủ ở Austin đã hỗ trợ cuộc khủng hoảng việc làm cho người điếc và khiếm thính tại địa phương thông qua đào tạo tay nghề, đồng thời Pepperbox cũng góp phần nâng cao nhận thức về cộng đồng thiểu số này với người dân Austin.

Pepperbox Coffee nhập khẩu và pha chế những hạt cà phê hoàn toàn tự nhiên từ vùng Monteverde, Costa Rica. Bên cạnh đó, Pepper còn phục vụ các loại trà.

April Alonso, nhân viên pha chế cho Pepperbox Coffee kể từ khi thành lập (2016), chia sẻ rằng cô đã cảm thấy được trao quyền thông qua quyền tự chủ trong thị trường lao động với tư cách là một người điếc. Được làm việc tại Pepperbox khiến cô cảm thấy rằng bị điếc không còn là một rào cản.

Buchanan, chủ quán Pepperbox hy vọng sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các cá nhân thuộc cộng đồng người điếc và khiếm thính trở nên độc lập bằng cách nhượng quyền kinh doanh của mình. Anh hy vọng sẽ tiếp thêm sức mạnh cho cộng đồng: “Chúng tôi là một nhóm người có thể tồn tại, tự mình vươn lên và phát triển để trở thành vĩ đại!”

Những quán cà phê ngôn ngữ ký hiệu vòng quanh thế giới ảnh 8
Những quán cà phê ngôn ngữ ký hiệu vòng quanh thế giới ảnh 9

6. Quán Le Café Signes, Paris, Pháp

Với bàn ghế mạ crôm trên vỉa hè, quầy gỗ gụ và hệ thống đèn âm tường, Le Café Signes ngay từ cái nhìn đầu tiên trông giống như bất kỳ nhà hàng-quán bar thời thượng nào khác ở Paris, trừ việc những người phục vụ không thể nghe thấy lời bạn nói.

Quản lý Frédéric Merlet của Le Café Signes chia sẻ: “Mục đích của chúng tôi là tạo ra một nơi mà những người có thể nghe và những người không thể nghe có thể hòa nhập, giúp những người điếc và khiếm thính có thể tái hòa nhập cộng đồng."

Corinne Hermont, kiến ​​trúc sư phụ trách nội thất của Café Signes cho biết: “Người khiếm thính sống trong một thế giới rất trực quan. Chúng tôi phải trang trí phông nền đơn giản và trang nhã, chúng tôi đặt quầy để người phục vụ có thể nhìn thấy toàn bộ nhà hàng, và chúng tôi đặt một cửa sổ lớn ở bức tường giữa nhà bếp và quầy bar để đầu bếp có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu."

"Người điếc sợ thế giới nghe, sợ không hiểu, và người có thể nghe sợ người điếc." Bà Martine Lejeau Perry, người mở ra Le Café Signes nhận định: "Nhưng mọi người đều học hỏi, và đây là một cuộc hành trình cho tất cả mọi người."

Những quán cà phê ngôn ngữ ký hiệu vòng quanh thế giới ảnh 10
Những quán cà phê ngôn ngữ ký hiệu vòng quanh thế giới ảnh 11
Những quán cà phê ngôn ngữ ký hiệu vòng quanh thế giới ảnh 12

7. Tiệm My Little Coffee, Hongkong

Ngoài phục vụ cà phê, My Little Coffee còn bán cà phê hạt tại hệ thống ba cơ sở của mình ở Wan Chai, Tuen Mun và Mong Kok. Quán không được trang trí bằng ngôn ngữ ký hiệu, chủ quán đơn giản là ưu tiên người điếc trong chính sách tuyển dụng của mình.

Gigi Tsang, chủ tiệm "My Little Coffee" chia sẻ: “Tôi hiểu rằng nhân viên sẽ không làm việc ở một quán cà phê mãi mãi. Vì vậy, tôi nghĩ tại sao không trao cơ hội cho những người điếc và khiếm thính. Ngay cả khi họ ra đi, họ vẫn có thể mang theo những kiến ​​thức chuyên môn về cà phê bên mình”.

Joanna Hu, nhân viên pha chế điếc của quán cho biết cô cảm thấy hài lòng nhất khi khách hàng thích cà phê của mình: “Pha cà phê là một trải nghiệm thú vị. Tôi sẽ tiếp tục học hỏi, tiếp tục luyện tập." Hu cũng chính là nhân viên pha chế đạt giải cao nhất cuộc thi pha chế dành cho người điếc và khiếm thính mùa đầu tiên của Hongkong.

Những quán cà phê ngôn ngữ ký hiệu vòng quanh thế giới ảnh 13
Những quán cà phê ngôn ngữ ký hiệu vòng quanh thế giới ảnh 14
Gigi Tsang (ở giữa) cùng các nhân viên của mình.

8. Quán Deaf Cafe Fingertalk, Jakarta, Indonesia

Trên các bức tường của quán cà phê là các áp phích và tranh ảnh bằng ngôn ngữ ký hiệu giúp khách hàng có cơ hội học các cử chỉ đơn giản để giao tiếp với người phục vụ.

Dissa Syakina Ahdanisa, chủ quán Deaf Cafe Fingertalk chia sẻ: "Tôi bắt đầu được truyền cảm hứng khi bắt gặp một quán cà phê tương tự ở Nicaragua trong một dự án tình nguyện khi tôi còn là sinh viên đại học. Chủ sở hữu là một người nghe bình thường dành nhiều sự quan tâm đến cộng đồng người điếc và khiếm thính''.

Cô cho hay, quá trình tuyển dụng ban đầu không hề dễ dàng vì rất nhiều người trong số cộng đồng người điếc và khiếm thính tại địa phương khá tự ti, họ chủ yếu lo lắng rằng bản thân sẽ không được xã hội chấp nhận.

Bên cạnh đó, "Giao tiếp chắc chắn là một vấn đề," Dissa nói: "Cộng đồng người khiếm thính sử dụng các loại ngôn ngữ ký hiệu khác nhau do những thách thức về địa lý và văn hóa. Tôi ước tính có khoảng 3.000 ngôn ngữ ký hiệu khác nhau được sử dụng trên khắp Indonesia."

Những quán cà phê ngôn ngữ ký hiệu vòng quanh thế giới ảnh 15
Những quán cà phê ngôn ngữ ký hiệu vòng quanh thế giới ảnh 16

9. Quán cà phê Deaf Can!, Jamaica

Deaf Can! (Người điếc có thể) là một cơ sở kinh doanh phục vụ cà phê và quán ăn được mở vào năm 2015 và được điều hành bởi Carlyle Gabbidon và Fabian Jackson, khi đó 27 tuổi và 21 tuổi, đều là người điếc. Khách hàng có thể đặt hàng bằng Ngôn ngữ ký hiệu hoặc chỉ trên menu.

Khởi đầu là một dự án rang cà phê nhỏ tại Trung tâm Người Điếc Cơ đốc giáo Caribe ở Kingston, hiện Deaf Can! đã phát triển thành một quán cà phê chính thức và trung tâm đào tạo tại khuôn viên trường học ở số 4 Đường Cassia Park, đồng thời cung cấp dịch vụ ăn uống và cà phê di động cho các sự kiện.

Javannie Dawes, nhân viên pha chế của quán bày tỏ lòng tự hào khi được làm việc tại Deaf Can!: "Hãy uống cà phê và trang bị thêm nhiều kỹ năng để có thể tiếp tục ra ngoài xã hội, chứng minh cho cả thế giới rằng mình được trao quyền và người điếc, người khiếm thính có thể làm được bất cứ điều gì!"

Mọi nhân viên của Deaf Can! đều được truyền cảm hứng để luôn suy nghĩ tích cực và tiếp tục cố gắng. Javannie nhớ lại thời điểm ban đầu khó khăn: "Chúng tôi nhìn xung quanh và nhận ra rằng không ai sẽ làm điều đó thay cho chúng tôi. Tất cả phải đặt hy vọng vào hành động và cố gắng hết sức. Khi doanh nghiệp xã hội của chúng tôi phát triển, năng lượng của chính chúng tôi cũng lớn lên cùng. Mong muốn học hỏi và thành công của chúng tôi tăng lên, và chúng tôi sẽ không ngừng tỏa sáng."

Thông qua năng lượng tích cực đó, những người điếc tại Deaf Can! đang xây dựng lòng tự trọng và nâng cao giá trị bản thân. "Cho dù đó là cà phê, làm sinh tố trái cây, sữa lắc hay bất cứ thứ gì, khi chúng tôi đưa nó cho khách hàng, họ thích hương vị sản phẩm và nói lời cảm ơn, điều đó sẽ thúc đẩy chúng tôi tiếp tục tiến tới."

Những quán cà phê ngôn ngữ ký hiệu vòng quanh thế giới ảnh 17
Những quán cà phê ngôn ngữ ký hiệu vòng quanh thế giới ảnh 18

10. Quán cà phê Pallet, Nairobi, Kenya

Quán cà phê thực sự khá yên tĩnh so với mức độ ồn ào thường thấy của các hàng quán Nairobi bận rộn vào giờ ăn trưa. Khi khách hàng bước vào quán cà phê, họ sẽ được chào đón bằng ngôn ngữ ký hiệu và được đưa đến bàn. Sau đó, khách hàng sẽ được cung cấp thực đơn ngay khi có chỗ ngồi. Trang đầu của menu có ngôn ngữ ký hiệu cơ bản trên đó, họ có thể sử dụng ngôn ngữ này để gọi các món ăn, chủ yếu là cà phê.

Tất cả năm nhân viên phục vụ đều là người điếc, mặc đồng phục đen có dòng chữ #I am deaf (tôi là người điếc) ở mặt sau.

Một trong những người phục vụ, Edward Gitau, chia sẻ: "Ở đây, mọi người hiểu được tình trạng khuyết tật của tôi và luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi lúc mọi nơi. Họ cố gắng để tôi hòa nhập cộng đồng." Anh cho biết thêm: "Tôi vốn sinh ra chỉ nghe được bằng một bên tai nhưng bụi đã chặn tai đó, và cuối cùng tôi hoàn toàn đánh mất khả năng nghe."

Li Chunli, một khách hàng Trung Quốc thường xuyên tại quán cà phê đã mô tả trải nghiệm của mình: “Bầu không khí và sự thanh bình ở đây thật tuyệt, và tôi rất vui khi được thưởng thức đồ ăn ngon trong khung cảnh như vậy. Các nhân viên cũng rất thân thiện. Tôi cũng thích học ngôn ngữ ký hiệu nữa."

Những quán cà phê ngôn ngữ ký hiệu vòng quanh thế giới ảnh 19
Những quán cà phê ngôn ngữ ký hiệu vòng quanh thế giới ảnh 20
Những quán cà phê ngôn ngữ ký hiệu vòng quanh thế giới ảnh 21

11. Quán cà phê Sikia, Uganda

Cảm hứng bắt đầu xuất hiện khi Shadia mua chanh từ một người bán hàng điếc ở chợ. Cô nhận thấy rằng nhiều người né tránh anh ta, và tự hỏi liệu có cách nào để làm nổi bật lên kỹ năng của những người điếc, khiếm thính và phá bỏ các rào cản hay không.

Đây là sự ra đời của Sikia Cafe, cái tên bắt nguồn từ tiếng Swahili có nghĩa là “nghe” hoặc “lắng nghe”. Shadia Nakueira nhận định: “Việc lắng nghe diễn ra theo nhiều cách ngoài âm thanh: ngôn ngữ cơ thể, cảm xúc, quan sát."

Sự phân biệt đối xử với người điếc và khiếm thính rất phổ biến ở Uganda, Sikia Cafe hy vọng sẽ giúp chống lại sự kỳ thị đó và nâng cao nhận thức của cộng đồng. Trong quá trình này, họ cũng đang giúp đỡ nhân viên của mình có được những kỹ năng công việc để có thể sớm hòa nhập được với cộng đồng.

Những quán cà phê ngôn ngữ ký hiệu vòng quanh thế giới ảnh 22
Những quán cà phê ngôn ngữ ký hiệu vòng quanh thế giới ảnh 23

12. Quán cà phê Café de las Sonrisas, Granada, Nicaragua

Lịch sử của quán cà phê này rất thú vị: Antonio Prieto Buñuel là một đầu bếp ở Manhattan, một ngày nọ, cảm thấy mệt mỏi với mọi thứ, anh đã đi đến Nam Mỹ tìm kiếm một nơi để mở nhà hàng của riêng mình. Cho đến khi buộc phải dừng lại vì một trận mưa lớn ở miền bắc Nicaragua, Antonio đã gặp một cậu bé điếc, người thay đổi cuộc đời anh.

“Mục tiêu của tôi là để quán cà phê này trở thành một tấm gương cho các doanh nghiệp khác không còn lo sợ tuyển dụng người khuyết tật”, người sáng lập Antonio chia sẻ: "Những người làm việc ở đây [những người khuyết tật] cũng sẽ bớt đi nỗi sợ về việc hòa nhập vào lực lượng lao động. Vì vậy, họ có thể bay xa hơn."

Để giúp khách hàng giao tiếp với nhân viên - và học hỏi trong khi ăn - các bức tường được bao phủ bởi các chữ cái, từ và cụm từ, từ “Cảm ơn” đến “Chào mừng” với các hình minh họa cho thấy bản dịch tương ứng bằng ngôn ngữ ký hiệu.

Quán cà phê là một dự án của tổ chức phi lợi nhuận Centro Social Tio Antonio. Trung tâm cũng điều hành các chương trình cộng đồng, như học bổng cho sinh viên có thu nhập thấp, và một cửa hàng võng, nơi có hơn 35 người khuyết tật từ mù đến điếc đến thiểu năng trí tuệ, cũng như một số người không khuyết tật. Trung tâm nhận phần lớn thu nhập - khoảng 80% - từ quán cà phê và cửa hàng bán võng, phần còn lại đến từ sự đóng góp của du khách, bạn bè và gia đình.

Tuy nhiên, một số tháng Café de las Sonrisas thậm chí còn không đủ doanh thu để trả tiền điện. “Chúng tôi gặp vấn đề lớn ở Nicaragua - chúng tôi không có hoạt động du lịch ổn định quanh năm. Có những tháng mà chúng tôi phải vật lộn nhiều [với những hóa đơn]”, Prieto Buñuel tâm sự.

Những quán cà phê ngôn ngữ ký hiệu vòng quanh thế giới ảnh 24
Những quán cà phê ngôn ngữ ký hiệu vòng quanh thế giới ảnh 25
WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ
WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa khỉ (mpox, trong bối cảnh số ca mắc và số quốc gia bị ảnh hưởng đang gia tăng.
Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trên các hòn đảo
Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trên các hòn đảo
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, Hy Lạp đã ký một thỏa thuận năng lượng sạch với Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh trên các đảo dễ bị tổn thương của nước này, vốn đang bị đe dọa bởi tình trạng du lịch quá mức và biến đổi khí hậu.
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
(Ngày Nay) - Chiều 22/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc điều động, phân công, bổ nhiệm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) cho biết, nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), Trung tâm sẽ miễn vé cho du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm tại di sản Thành nhà Hồ.
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế tổ chức mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ Thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc” từ ngày 18-24/11/2024 và Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc lĩnh vực y tế giai đoạn 2024 – 2025.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ An Phong.
Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg: Bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 21 và 22/11/2024, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị được kỳ vọng trở thành bước đột phá, đặt nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp văn hóa. Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng cử đại diện tham dự hội nghị nhằm học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để thúc đẩy công nghiệp văn hóa gắn liền với hợp tác toàn cầu.
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học quốc tế ngày 20/11 đã công bố bản thiết kế đầu tiên về sự phát triển của hệ xương người, đánh dấu bước tiến quan trọng trong dự án Bản đồ Tế bào con người (Human Cell Atlas), một nỗ lực lớn nhằm tạo ra bản đồ sinh học chi tiết của mọi loại tế bào trong cơ thể người.