Ngày 11/11, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh quyết định phê bình ông Nguyễn Xuân Mến - Giám đốc Sở Y tế, do chậm trễ trong việc mua sắm vật tư y tế chống dịch COVID-19.
Trước đó, ngày 6/9, UBND tỉnh Quảng Ngãi quyết định sử dụng 25 tỷ đồng từ nguồn dự phòng chi bố trí cho Sở Y tế mua sắm vật tư, sinh phẩm, trang phục bảo hộ phòng, chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, đến ngày 1/11, Sở Y tế mới có tờ trình về việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho gói mua sắm này.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phê bình lãnh đạo Sở và có ý kiến Sở Y tế phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để thiếu vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Sở này cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về cơ sở pháp lý, đơn giá, hình thức lựa chọn nhà thầu và các nội dung tham mưu cho UBND tỉnh phải đúng quy định.
"Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi luôn xem nhiệm vụ chống dịch là trọng tâm, thường xuyên họp định kỳ và bất thường để giải quyết tất cả các vấn đề phát sinh trong chống dịch. Tỉnh cũng không thiếu tiền cho mục tiêu này. Sở Y tế đã chậm trễ trình tỉnh để mua sắm trang thiết bị bởi tỉnh thường xuyên đôn đốc và theo dõi sát, liên tục yêu cầu báo cáo cụ thể", ông Minh nói.
Ông Nguyễn Xuân Mến, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi. - Ảnh: Zing.vn |
Cũng trong sáng 11/11, bà Bùi Thị Quỳnh Vân, bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, đã chủ trì cuộc họp để nghe và cho ý kiến về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.
Trong 7 ngày qua, Quảng Ngãi ghi nhận 258 ca F0, tăng 183 ca so với tuần trước, trong số này có 57 ca bệnh cộng đồng. Nhiều ổ dịch mới phức tạp ở huyện Mộ Đức, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, thị xã Đức Phổ và TP Quảng Ngãi. Hai doanh nghiệp ở Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh đã ghi nhận 16 F0 liên quan.
Từ ngày 30/9 đến nay, Quảng Ngãi có hơn 20.000 người trở về từ các tỉnh phía Nam, trong đó có 153 F0.
Trong 2 tuần qua, dịch diễn biến phức tạp trở lại, nguyên nhân bởi một số cơ quan, đơn vị, người dân có tâm lý lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch. Một số người về từ vùng dịch khai báo y tế không trung thực, chưa tuân thủ nguyên tắc phòng, chống dịch khiến cho số ca F0 tăng cao.
Bà Bùi Thị Quỳnh Vân yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác khoanh vùng, phong tỏa, hạn chế thấp nhất việc phát sinh F0 trong cộng đồng; duy trì các giải pháp phòng, chống dịch; triển khai đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh kịp thời và đúng với tình hình thực tế; duy trì sản xuất trong các doanh nghiệp, đảm bảo an toàn phòng dịch để không làm đứt gãy chuỗi sản xuất.
Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp kiểm soát chặt công nhân, người lao động, không để lây lan dịch trong doanh nghiệp…
"Sở Y tế cần tiếp tục vào cuộc tích cực hơn, quyết liệt hơn trong công tác kiểm soát dịch bệnh. Các địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch", bà Vân nói.