Chỉ huy lực lượng ly khai thân Nga Igor Girkin. |
Cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov cho rằng đoạn video ghi lại cảnh một tên lửa Buk đã được di chuyển bí mật qua biên giới Ukraine vào Nga có thể là bằng chứng mới nhất cho thấy Moscow có liên quan đến vụ bắn hạ chiếc máy bay MH17 hôm 17-7. Ông Avakov cho biết vụ vận chuyển tên lửa được nhân viên tình báo Ukraine ghi nhận vì nó đi ngang qua thị trấn Krasnodon ở thành phố miền Đông Luhansk, ngay sau thời điểm chiếc máy bay của Malaysia bị bắn hạ.
Trong đoạn video kéo dài 13 giây, ông Avakov khẳng định một chiếc xe phủ bạt chở theo một quả tên lửa màu xanh lá cây và trắng. Tuy nhiên, thông tin trên không được kiểm chứng độc lập.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sau đó đã bác bỏ các cáo buộc. Lực lượng phiến quân ly khai thân Nga cũng từ chối nhận trách nhiệm vì cho rằng họ không đủ hỏa lực để thực hiện một cuộc tấn công tầm xa như vậy.
Theo chuyên gia Douglas Barrie thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc tế, tên lửa Buk có khả năng bắn hạ một máy bay ở độ cao 10 km, trùng với tầm bay của chiếc MH17 khi gặp nạn.
Một tên lửa Buk được vận chuyển qua thị trấn Torez, Ukraine hôm 17-7, sau khi chiếc máy bay MH17 bị bắn hạ. |
Bức ảnh chụp 4 quả tên lửa Buk trên một chiếc xe tăng ngụy trang ở thị trấn Torez, cách nơi chiếc MH17 bị bắn hạ 16 km. |
Sau khi một bức ảnh chụp 4 quả tên lửa Buk trên một chiếc xe tăng ngụy trang ở thị trấn Torez, cách nơi chiếc MH17 bị bắn hạ 16 km được công bố, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby nhận định nhiều khả năng phiến quân ly khai ở miền Đông Ukraine đã thực hiện vụ phóng tên lửa bắn rơi chiếc máy bay Malaysia với sự trợ giúp về kỹ thuật từ phía Nga. 2 trong số 4 quả tên lửa này (Mỹ gọi là SA-11) dường như mất tích sau khi chiếc MH17 bị bắn rơi.
Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) cũng công bố hình ảnh chứng minh một tổ hợp tên lửa Buk-M (được cho là đã được sử dụng để bắn rơi máy bay MH17 của Malaysia) rút chạy về biên giới Nga một ngày sau thảm kịch này.