Ngày 17/3, Sở GD&ĐT Hà Nội có công văn đồng ý cho các trường tư thục thỏa thuận với phụ huynh các khoản thu phát sinh phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo tính công khai và được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh.
“Tiền hỗ trợ học online, số tiền học phí đã thu và tiền học phí của các tháng học còn lại (sau khi học sinh trở lại trường) không vượt quá tổng số tiền học phí cả năm của học sinh được nhà trường thông báo từ đầu năm học”, Sở nêu rõ.
Dù quyết định trên "nới lỏng" việc thu phí online, giúp các trường tư trút được nỗi, nhưng vẫn khiến nhiều trường ngoài công lập băn khoăn và cho rằng thiếu hợp lý.
Bà Nguyễn Thị Dung, hiệu trưởng một trường dân lập cho biết, Sở cho phép các trường thoả thuận với phụ huynh để thu phí online, nhưng lại không được quá số tiền đóng học phí thông báo từ đầu năm học là chưa hợp lý.
Thứ nhất, cần phân định rõ, tiền học chính khoá gồm 9 tháng/năm học, dù học sinh đang nghỉ do dịch bệnh nhưng về sau trường vẫn phải dạy bù cho đủ thời lượng kiến thức. Số buổi học online nằm ngoài chương trình và kế hoạch năm học.
Thứ hai, học phí là để chi trả cho các hoạt động dạy - học - ngoại khoá trong 9 tháng/năm học. Còn phí hỗ trợ online là nhằm mục đích chi trả cho giáo viên có thêm thu thập, tăng hiệu quả dạy online cho học sinh.
Thứ ba, Bộ GD&ĐT và Sở đều đồng ý cho các trường xem xét, đánh giá để công nhận kết quả học trực tuyến trong thời gian này. Giáo viên làm việc rất nghiêm túc, vất vả hơn cả dạy học trên lớp thì dĩ nhiên nhà trường phải trả đủ lương cho giáo viên. "Vậy nếu không thu học phí online thì tiền lương đó các trường lấy ở đâu ra?", bà Dung nói.
Nếu không làm rõ ba điểm này thì cả Sở GD&ĐT Hà Nội và phụ huynh sẽ có tâm lý lo ngại sợ các trường lạm thu học phí học online, bà Dung cho hay.
Đồng quan điểm, bà Văn Lê Na, Hiệu trưởng trường THCS&THPT Lương Thế Vinh cho biết, dù rất vui mừng với cơ chế nới lỏng của của Sở, nhưng quy định không thu quá số tiền học phí đã thông báo đầu năm học thì có phần khó cho các trường.
“Khi đưa ra kế hoạch và dự trù tài chính đầu năm, không trường nào dự báo tới việc học sinh nghỉ dài ngày do dịch bệnh như hiện nay. Các trường chỉ đưa ra mức học phí vừa vặn với 9-10 tháng/năm học, không thu thêm, không thu chênh. Do đó nếu trường nào có thu thêm cũng chỉ được 1 triệu/tháng/học sinh”, bà Na cho biết thêm.
Bên cạnh đó, các trường ngoài công lập cho rằng quy định mới của Sở GD&ĐT có phần hơi khác so với Bộ GD&ĐT thông tin trước đó. Ngày 17/3, ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT cho biết, việc thu học phí đang được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 86/2015.
“Bộ GD&ĐT chỉ quy định thu học phí các chương trình đào tạo theo quy định của Bộ. Còn các chương trình bổ trợ khác như củng cố kiến thức qua online thì việc quy định mức thu cho các loại hình bồi dưỡng là thỏa thuận tham gia học, đóng chi phí giữa nhà trường và gia đình. Bộ GD&ĐT không quy định chương trình và mức thu cho các chương trình bổ trợ này”, ông Khánh nhấn mạnh.
Vụ trưởng cho biết thêm, trong thời gian nghỉ học, khi các trường tổ chức triển khai dịch vụ hỗ trợ học online và thu chi phí, việc này phải có sự đồng thuận giữa nhà trường với cha mẹ, và phải thông báo công khai ngay từ đâu.
Việc thu phí để dạy và học online gần như chưa có tiền lệ, đây là dịch vụ thỏa thuận nên việc thu hay không tùy thuộc vào các trường và phụ huynh thỏa thuận với nhau trên cơ sở có chi phí hợp lý nhất để triển khai các hoạt động.
Tuy nhiên, các trường phải căn cứ nội dung, khối lượng công việc để xây dựng tính toán mức thu hợp lý, thu đủ bù chi cho các dịch vụ chứ không thể thu theo học phí năm học.
Như vậy, hiểu theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT thì các trường ngoài công lập được phép thoả thuận với phụ huynh về khoản thu nằm ngoài chương trình học và học phí đã đóng đầu năm học. Còn việc phụ huynh có thống nhất hay không, đề xuất mức thu như thế nào sẽ tuỳ thuộc vào các cuộc đàm phám giữa nhà trường và gia đình học sinh.