Bản đồ "Trung Quốc dưới triều nhà Thanh" lưu hành năm 1896 cho thấy lãnh thổ cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam. |
Các bản đồ cổ của Trung Quốc lùi về đến năm 960 đều cho thấy, lãnh thổ của Trung Quốc "chưa bao giờ" bao gồm quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough ở Biển Đông, Rappler dẫn lời thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio nói.
Lập luận trên được đưa ra trong bài giảng "Sự thật lịch sử, dối trá lịch sử và quyền lịch sử ở biển Tây Philippines (tức Biển Đông)" của ông tại Đại học De La Salle ở thủ đô Manila hôm 6/6. Ông Carpio chỉ ra rằng cả bản đồ chính thức và không chính thức đều cho thấy cực nam lãnh thổ của Trung Quốc "luôn là đảo Hải Nam".
"Không phải chỉ có một bản đồ Trung Quốc, do người Trung Quốc hay người nước ngoài làm ra, cho thấy quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough không thuộc lãnh thổ Trung Quốc", ông Carpio nói. "Chúng được lặp lại trong toàn bộ bản đồ Trung Quốc cổ, điểm cực nam lãnh thổ của Trung Quốc vẫn luôn là đảo Hải Nam".
Trung Quốc dựa vào cái gọi là sự thật lịch sử để xây dựng đường chín đoạn, tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông. "Rõ ràng, không có cái gì gọi là 'lịch sử' hay 'đúng đắn' về đường chín đoạn. Tuyên bố về đường chín đoạn không căn cứ vào các yếu tố lịch sử mà dựa vào những đối trá lịch sử", thẩm phán Carpio nói.
Theo Carpio, "dù là thật" thì chúng cũng không liên quan tới tranh chấp biển, căn cứ theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). UNCLOS loại bỏ toàn bộ quyền lịch sử của các quốc gia khác trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển. Quốc gia có đặc quyền thăm dò, khai thác cũng như bảo tồn các tài nguyên biển trong 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Thẩm phán cũng khẳng định nhiều bản đồ cổ của phương Tây, Philippines, cho thấy Trung Quốc không có liên hệ nào với bãi cạn Scarborough mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền và gọi là Hoàng Nham. Scarborough/Hoàng Nham là một nhóm san hô và đá ngầm nhỏ nằm cách đảo Luzon của Philippines khoảng 220 km về phía tây. Bãi cạn này nằm cách đảo Hải Nam, lãnh thổ Trung Quốc gần nhất, khoảng 650 km.
Manila hồi tháng 3 nộp một bản ghi nhớ dài gần 4.000 trang lên Tòa án Trọng tài Quốc tế, một bước tiến quan trọng trong vụ kiện Trung Quốc về chủ quyền biển đảo. Manila cho rằng, lập trường của Trung Quốc là bất hợp pháp theo UNCLOS, và điều đó xâm phạm vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Philippines trên Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc từ chối yêu cầu, đồng thời tuyên bố không có kế hoạch tham gia vụ kiện.