Thông tin trên được ThS-bác sỹ. Nguyễn Thị Lan Hương, Phó trưởng Phòng Điều trị HIV/AIDS, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đưa ra. Theo bà Hương, hiện đang có xu hướng gia tăng phụ nữ mang thai nhiễm HIV (do bệnh lây nhiễm qua đường tình dục tăng lên). Vì vậy, việc kiểm soát, tư vấn và xét nghiệm cho đối tượng này còn khó khăn, dẫn tới công tác phòng chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con gặp nhiều thách thức.
Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, trong 3 tháng đầu năm cả nước phát hiện hơn 2.000 trường hợp nhiễm HIV mới, số ca mắc tập trung ở miền Bắc và miền Nam. Tính đến nay, có hơn 200.000 người nhiễm HIV còn sống; chủ yếu ở độ tuổi 20-49; 70% là nam giới.
Hiện mỗi năm Việt Nam có khoảng 2,7 triệu phụ nữ có thai; hơn 1,5 triệu phụ nữ sinh con. Tuy nhiên, số phụ nữ mang thai đã sinh con được xét nghiệm HIV từ trước và trong mang thai thấp (53%); số phụ nữ được xét nghiệm khi chuyển dạ là 47%; tỷ lệ phụ nữ mang thai đã sinh con được xét nghiệm chiếm khoảng 50%. Có gần 2.000 mẹ nhiễm HIV được điều trị ARV, trong đó điều trị trước khi mang thai chiếm phần lớn (59%) đã biết nhiễm HIV, muốn mang thai. Số người điều trị khi mang thai là 22%, điều trị khi chuyển dạ là 19%...
Khi bà mẹ mang thai được điều trị ARV sớm từ trước khi mang thai đến sau khi sinh sẽ giảm tỷ lệ phơi nhiễm sang con. Tuy nhiên, theo bà Hương, bên cạnh khó khăn do bệnh lây qua đường tình dục tăng làm gia tăng phụ nữ mang thai có xu hướng nhiễm HIV thì khó khăn nữa trong công tác dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con là: BHYT hiện chi trả test xét nghiệm cho phụ nữ nhưng phải khai thác yếu tố nguy cơ của phụ nữ mang thai.
Việc xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai trong chuyển dạ cao (47%) làm tăng nguy cơ mất dấu gây khó khăn khi theo dõi tình trạng trẻ nhiễm HIV từ mẹ…