Vụ rò rỉ tài liệu rúng động nhất trong lịch sử "Panama Paper" đang nhắm vào hàng loạt những nhân vật quyền lực nhất trên thế giới. Đã có hơn 60 quốc gia và 140 chính khách có dính líu đến những cáo buộc tài chính không rõ ràng mà tài liệu này cho rằng có động thái trốn thuế và rửa tiền.
Điện Kremlin ngày 4/4 lên tiếng chỉ trích Hồ sơ Panama là “một đòn tấn công” nhằm chính vào Tổng thống Nga Vladimir Putin khi trong các tài liệu cho biết một mạng lưới các cộng sự bí mật của nhà lãnh đạo nước Nga đã chuyển giao số tiền 2 tỷ USD ra nước ngoài thông qua các công ty vỏ bọc.
Người phát ngôn điện Kremlin Peskov đã bác bỏ mạnh mẽ cáo buộc và bày tỏ quan ngại rằng "Hội chứng ghét Putin" ở nước ngoài đã lên tới đỉnh điểm một cách vô lý.
"Bất kỳ điều gì tốt đẹp về nước Nga hoặc hành động nào của nước Nga, hay bất kỳ thành quả nào người Nga đạt được đều không được nói đến. Trong khi đó những chuyện xấu xa nhất đều được đổ về cho ông Putin", ông Peskov cho hay.
Chính phủ Nga đã lên án những tiết lộ của ICIJ (Liên minh Nhà báo Điều tra Quốc tế) hay còn gọi là Hồ sơ Panama giống như một chiến dịch bôi nhọ khổng lồ để làm mất uy tín của nhà lãnh đạo nước Nga - một nỗ lực để phá hoại ông Putin trước cuộc bầu cử quốc hội vào cuối năm nay.
Ông Peskov cũng cho biết, trong số các nhà báo điều tra tham gia vụ Hồ sơ có cả “các cựu nhân viên của Bộ Ngoại giao, Cục Tình báo Trung ương và nhiều cơ quan tình báo đặc biệt khác của Mỹ”.
Trong diễn biến của những ngày qua, "nạn nhân" đầu tiên bị hạ gục ngay khi các tài liệu mới rò rỉ là Thủ tướng Iceland, Sigmundur David Gunnlaugsson, người đã chấp nhận từ chức sau những cáo buộc tài chính nhắm vào mình.
Có thể một ai đó đang mong chờ điều này sẽ xảy ra tương tự với Tổng thống Putin trong thời gian tới. Nhưng tờ CNN cho rằng điều này sẽ khó xảy ra bởi công chúng Nga vốn đã miễn dịch với những cáo buộc tham nhũng và nhwuxng hành vi bôi nhọ cá nhân nhắm tới nhà lãnh đạo của mình.
Trong nhiều năm, câu chuyện về tài sản riêng của ông Putin thực chất lớn đến mức nào luôn là đề tài tranh luận rôm rả của báo chí, truyền thông và giới phân tích chính trị.
Stanislav Belkovsky, một nhà phân tích chính trị người Nga, năm 2007 đã đưa ra con số lên tới 40 tỷ USD khi cho rằng ông Putin thu được nhiều lợi ích khi nắm trong tay quyền kiểm soát các ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt Nga.
Bill Browder, CEO của Hermitage Capital Management, một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Nga trước đây, và một người ủng hộ Putin lại cho rằng tài sản của ông chủ điện Kremlin phải đạt mức 200 tỷ USD.
Tuy nhiên những dự đoán trên đều không chắc chắn bởi không có một bằng chứng cụ thể nào cho thấy rằng ông Putin đang là một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới. Các dữ liệu trong Hồ sơ Panama khẳng định ông Putin có dính líu đến bê bối tài chính, nhưng thực tế chứng minh rằng vị tổng thống quyền lực của nước Nga vốn có rất ít những tài sản được đứng tên mình.
Trong tài liệu của Điện Kremlin công bố vào năm 2015, thu nhập hằng năm của ông Putin khoảng 150.000 USD (năm 2014). Ngoài ra, Tổng thống Nga sở hữu một căn hộ 77 m2, một lô đất và 4 chiếc xe.
So với Tổng thống Mỹ có khoản thu nhập hàng năm lên đến 400.000 USD. Nhà lãnh đạo nước Nga còn kém hơn rất nhiều.
Các dữ liệu của Hồ sơ Panama chủ yếu nhắc đến nghệ sĩ cello Sergei Roldugin - một người bạn thân thiết của ông Putin. Roldugin cũng là người tác hợp cho ông Putin đến với người vợ cũ Lydmilla và là cha đỡ đầu của người con gái đầu tiên giữa hai người.
Trong nhiều thập kỷ, ông được coi là người bạn thân nhất của Putin. Ông được nhăc đến nhiều hơn bất cứ ai trong cuốn tiểu sử “First Person” của ông Putin. Cuốn sách đã mô tả việc ông tham gia vào những sự kiện quan trọng trong cuộc sống của Tổng thống Nga.
Theo những gì "tài liệu Panama" mô tả, ông đang đứng tên ở một loạt các công ty ngoài khơi, nơi nhận được hàng trăm triệu đô la thông qua các khoản vay và các hợp đồng béo bở đến từ Nga.
Roldugin đã từ chối các cuộc phỏng vấn về các giao dịch tài chính của mình tại đây và nói với các phóng viên của ICIJ rằng ông cần thời gian chuẩn bị trước khi trả lời các câu hỏi. Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ một chút về tài sản riêng với tờ The New York Times rằng: "Tôi có một căn hộ, một chiếc xe, một ngôi nhà ở ngoại ô nhưng không có đến một triệu USD".
Các tài liệu cho biết, một khoản tiền lớn đã được chính phủ Nga cho các công ty kiểm soát bởi các nhân vật thân tín của nhà lãnh đạo nước Nga vay. Số tiền vạy này được nghi ngờ phục vụ cho mục đích rửa tiền.
Nhưng điều quan trọng là tên của ông Putin không có trong bất kỳ tài liệu nào. Tuy nhiên các nhà phân tích cũng cho rằng dù không có tên ông Putin nhưng có khả năng tham nhũng đang manh mún tồn tại ở nước Nga.
Bên cạnh đó các ý kiến đều nhấn mạnh, trong những năm tháng trở thành người lãnh đạo cao nhất của nước Nga, thứ mà ông Putin tích lũy được nhiều nhất chính là quyền lực chứ không phải tiền bạc. Ông không sử dụng tiền bạc vào mục đích gì cho bản thân mình.
Trong một chia sẻ vào năm 2008, bản thân Tổng thống Putin từng xác nhận hồi rằng mình là người đàn ông là người giàu nhất thế giới. Tuy nhiên, đó là sự giàu có về mặt tình cảm chứ không phải tiền bạc.
"Tôi là người đàn ông giàu có nhất hành tinh. Tôi thu nhặt tình cảm của người dân Nga dành cho mình, đặc biệt họ đã hai lần giao phó cho tôi quyền lãnh đạo một đất nước vĩ đại như Nga".
Hiện nay, Nga đang bước vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ khi ông Putin lên nắm quyền vào năm 1999 và điện Kremlin được cho là đã tiến hành một chiến dịch công khai chống lại sự lãng phí, tham nhũng và rửa tiền.
Trong một nỗ lực nhằm chỉ trích Hồ sơ Panama và chứng minh quan điểm của điện Kremlin một cách rõ ràng hơn, văn phòng công tố Nga vừa thông báo họ sẽ điều tra các cá nhân "liệt kê" trong rò rỉ Panama để kiểm tra xem hoạt động của họ "là hợp pháp và tương ứng với pháp luật của Nga và quốc tế hay không".
Vũ Minh