Quách Đàm – từ người nhặt ve chai trở thành ông chủ chợ Bình Tây

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Chợ Bình Tây là một trong những khu chợ lớn, lâu đời và có lối kiến trúc rất độc đáo ở thành phố Hồ Chí Minh. Thế nhưng khi được hỏi về người xây nên ngôi chợ bề thế có lịch sử gần 100 năm tuổi này thì không phải ai cũng biết. Và càng ít ai ngờ rằng dù thuộc trong số những người giàu có bậc nhất Sài Gòn thời bấy giờ nhưng ông lại có xuất thân nghèo khổ từ một người nhặt ve chai, không nhà không cửa.
Chợ Bình Tây là một trong những khu chợ lớn, lâu đời và có lối kiến trúc rất độc đáo ở TP.HCM.
Chợ Bình Tây là một trong những khu chợ lớn, lâu đời và có lối kiến trúc rất độc đáo ở TP.HCM.

Những ngày đầu mưu sinh vất vả

Quách Đàm (1863-1927) tên thật là Diệm, vốn người làng Triều An, Long Khanh, Triều Châu, Trung Quốc rời quê hương với hai bàn tay trắng. Trôi dạt sang Việt Nam, ông đi khắp hang cùng ngõ hẻm khu vực Chợ Lớn để mua bán ve chai, lông vịt, phế liệu để kiếm sống qua ngày. Không nhà không cửa, không người thân thích, ông cứ đi mua bán suốt ngày, tối lại về kiếm mái hiên ở chợ Lớn ngủ.

Tuy sống cảnh đời bấp bênh như vậy nhưng ông vẫn nuôi chí làm giàu. Ngày làm cật lực, đêm ngủ vỉa hè, ăn uống lại kham khổ, cuối cùng sau một thời gian buôn bán ve chai ông để dành được ít vốn. Dù vẫn chưa có nhà cửa nhưng với số vốn góp nhặt được, ông đầu tư kinh doanh mua đi bán lại các mặt hàng hiếm và lạ như da trâu, vi cá. Quách Đàm đi khắp Sài Gòn và các tỉnh lân cận thu mua mặt hàng này rồi xuất bán sang nước ngoài.

Thế nhưng, vì phải ngủ bờ ngủ bụi nên ông thường bị kẻ xấu rình đánh cắp số tiền dành dụm. Trong một tác phẩm viết về Sài Gòn, học giả Vương Hồng Sển từng ghi chép về Quách Đàm: “Ngày ngày Đàm thả rong làng xóm, hai giỏ tre trên vai, quản bao mưa gió. Buổi trưa, Đàm thường nằm nghỉ hàng ba phố trống, ghe phen bị một phu vác lúa làm khổ, móc túi lấy đi giấy thuế-thân để chẹt Đàm chuộc 5 xu 1 hào”.

Mất tiền nhiều lần nhưng ông vẫn không nản mà kiên trì, cố gắng làm lại từ đầu, chỉ vài năm sau, Quách Đàm đã có được một số vốn kha khá. Sau đó, ông thuê căn nhà trên đường Quai de Gaudot (đường Hải Thượng Lãn Ông ngày nay) để mở cửa hiệu lớn. Giống như nhiều Hoa kiều ở Sài Gòn, khi buôn bán đều xin chữ đặt tên hiệu buôn, Quách Đàm được một ông thầy người Tàu viết tặng đôi câu chúc mua may bán đắt:

“Thông thương sơn hải

Hiệp quán càn khôn”

Thích thú với đôi câu thơ này, ông bèn lấy chữ đầu của hai câu là “Thông Hiệp” đặt tên cho hiệu buôn. Để mở rộng quy mô, ông mướn thêm căn nhà ở khu vực chợ Kim Biên ngày nay (thời đó toàn bộ khu vực này còn là một con rạch chảy ra kênh Tàu Hũ). Lợi dụng địa thế ngôi nhà ở ngay bờ kênh, Quách Đàm đã chuyển sang kinh doanh nông sản, thực phẩm, chủ yếu là thu mua lúa gạo ở các tỉnh miền Tây. Ban đầu buôn nhỏ, sau phát triển to dần, trở thành nhà thầu cung cấp gạo lớn nhất nhì Sài Gòn – Chợ Lớn.

Nhờ tài kinh doanh, Quách Đàm dần vươn lên thành người giàu có nổi tiếng ở Sài Gòn – Chợ Lớn. Vì quá giàu nên người Pháp vừa năn nỉ vừa ép buộc ông mua lại các doanh nghiệp nợ nần, sắp phá sản. Nhiều công ty mía đường cũng vì lí do này đã rơi vào tay ông và dần khởi sắc, mang lại cho gia đình Quách Đàm thêm lợi nhuận.

Di sản chợ Bình Tây

Trong những năm 1776, vùng đất Sài Gòn (tức vùng Chợ Lớn ngày nay, còn Sài Gòn ngày nay trước kia được gọi là Bến Nghé) là nơi định cư của người Hoa. Theo tập quán, người Hoa thường lập chợ khi đến nơi định cư mới nhằm có chỗ để trao đổi hàng hoá. So với chợ Tân Kiểng của người Việt thì chợ Sài Gòn (khu vực Bưu điện Chợ Lớn ngày nay) lớn hơn nên được người dân nơi đây gọi là Chợ Lớn.

Quách Đàm – từ người nhặt ve chai trở thành ông chủ chợ Bình Tây ảnh 1

Dù chợ Bình Tây có thay đổi thế nào đi nữa thì công lao Quách Đàm với ngôi chợ lịch sử này vẫn còn mãi với thời gian.

Chợ Lớn ngày càng phát triển sung túc, nhiều người dân từ nơi khác tập trung đến làm ăn mua bán. Chợ trở nên chật hẹp không thể phát triển thêm, chính quyền tỉnh Chợ Lớn thời đó cũng dự định xây dựng chợ mới nhưng chưa tìm được đất. Hay tin, Quách Đàm bỏ tiền ra mua mảnh đất sình lầy rộng trên 17.000 m2 ở thôn Bình Tây và cho san lấp bằng phẳng, xây dựng chợ mới bằng bê tông cốt thép tặng nhà nước. Riêng ông chỉ xin xây dựng mấy dãy phố lầu xung quanh chợ và dựng tượng ông chính giữa chợ sau khi ông qua đời.

Quách Đàm tính toán xây dựng một khu chợ lớn nhất Nam bộ. Ông cho người thiết kế khu chợ theo lối Á – Âu kết hợp, tạo các gian hàng rập khuôn rồi mời các tiểu thương vào buôn bán. Mọi thiết kế, nhân lực, tiền của đã chuẩn bị xong thì năm 1927, Quách Đàm qua đời. Việc xây dựng dời lại một năm sau và đến năm 1930 chợ mới hoàn thành. Chợ mới mang tên Bình Tây nhưng hầu hết người Nam bộ đều gọi nó bằng cái tên Chợ Lớn mới thay cho chợ Lớn cũ bị thiêu rụi trong một trận hỏa hoạn.

Chợ được xây cất bằng xi măng cốt thép theo kỹ thuật phương Tây nhưng lại mang đậm nét kiến trúc Trung Quốc. Tháp giữa vươn cao có 4 mặt đồng hồ, có “lưỡng long chầu châu”, 4 góc có 4 chòi nhỏ, toàn bộ mái chợ lợp bằng ngói âm dương theo kiểu chồng lớp để tạo sự thông thoáng. Riêng mái ở các góc có nét uốn lượn theo kiểu chùa chiền phương Đông, chính giữa chợ có khoảng sân trời rộng rãi, thoáng mát.

Ngay sau khi được đưa vào hoạt động, với lợi thế về giao thông thuỷ bộ cũng như tay nghề kinh doanh của bà con tiểu thương người Việt và người Hoa, Chợ Lớn Mới nhanh chóng trở thành khu kinh doanh sầm uất, giữ tính chất đầu mối bán buôn khắp Nam kỳ lục tỉnh, trong nước và các nước láng giềng cho đến ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đến hiện nay, chợ Bình Tây đã có hơn 2.300 sạp trong đó 1446 sạp nằm trong nhà lồng chợ, 912 sạp nằm xung quanh chợ thuộc đường Lê Tấn Kế, Phan Văn Khoẻ, Trần Bình.

Gần 100 năm hình thành và phát triển, chợ Bình Tây ngày nay đã phát triển khá hoành tráng về quy mô cũng như chủng loại hàng hóa. Ngôi chợ đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố và hiện đang trong giai đoạn trùng tu. Với lối kiến trúc cổ xưa cùng bề dày lịch sử, chợ Bình Tây đang từng ngày phát triển để trở thành điểm đến du lịch, mua sắm của thành phố. Tuy nhiên cho dù chợ Bình Tây có thay đổi thế nào đi nữa thì công lao Quách Đàm với ngôi chợ lịch sử này vẫn còn mãi với thời gian.

Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
(Ngày Nay) - Từ ngày 27/4, ngày đầu tiên của dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, khách du lịch sẽ không được mang các sản phẩm nhựa dùng một lần ra các xã đảo của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), cụ thể gồm 5 xã đảo: Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Bản Sen.
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
(Ngày Nay) - Sáng 27/4, tỉnh Tuyên Quang tổ chức Khai mạc Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang lần thứ 3, năm 2024, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Sự kiện đã thu hút hàng nghìn du khách và nhân dân tới tham dự.
Hãng hàng không Nhật Bản hủy chuyến bay do phi công say rượu
Hãng hàng không Nhật Bản hủy chuyến bay do phi công say rượu
(Ngày Nay) - Ngày 26/4, hãng hàng không Japan Airlines của Nhật Bản cho biết mới đây hãng đã phải hủy một chuyến bay từ thành phố Dallas (Mỹ) tới Tokyo sau khi tiếp nhận thông tin từ cảnh sát địa phương rằng cơ trưởng của chuyến bay này có hành vi gây rối tại khách sạn do say rượu.
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
(Ngày Nay) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Nhà hát Múa rối Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024, dự kiến diễn vào tháng 10/2024, tại Hà Nội.
Bảo đảm môi trường du lịch an toàn cho du khách dịp nghỉ lễ
Bảo đảm môi trường du lịch an toàn cho du khách dịp nghỉ lễ
(Ngày Nay) - Trước nhu cầu du lịch dự báo sẽ tăng cao trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Sở Du lịch Hà Nội đã có công văn gửi các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, tổ chức, cá nhân quản lý khu, điểm du lịch trên địa bàn đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch và giữ gìn môi trường du lịch Thủ đô.