Cụ Nguyễn Đình Tư đã ngoài 100 tuổi, minh mẫn và khoẻ mạnh. Cụ rạng rỡ, tràn đầy hạnh phúc bước lên trong tiếng vỗ tay không ngớt của rất nhiều người yêu sách, yêu lịch sử tại buổi giao lưu “Gia Định – Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm Dài Lịch Sử” diễn ra sáng nay (19/4), trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023, do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phối hợp cùng Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM tổ chức.
Cụ Nguyễn Đình Tư đã ngoài 100 tuổi, minh mẫn và khoẻ mạnh tại buổi giao lưu. |
“Sau khi viết xong bản thảo hoàn chỉnh gần 1.500 trang đánh máy giấy Pelure, tôi giao cho Trung tâm nghiệm thu. Tác phẩm được thông qua và Trung tâm giao cho Nhà xuất bản Giáo dục in ngay để kịp phát hành... Nhà xuất bản Giáo dục đã cho đánh máy lại, dàn trang xong, in sắp xong, đã trình bày xong bìa sách và tôi cũng được xem, lấy làm vừa ý lắm. Bỗng nhưng gặp một trở duyên lớn. Cuốn sách không ra mắt bạn đọc được...
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng những tài liệu trong tập bản thảo này là của quý, không thể vứt bỏ được. Chờ một ngày thuận duyên nào đó, tôi sẽ dùng nó để viết tiếp cuốn sách khác đầy đủ hơn, nên vẫn giữ lại bản thảo suốt 20 năm qua. Nay thuận duyên đã đến...”, cụ Nguyễn Đình Tư viết trong lời giới thiệu, lời lẽ kính cẩn và vô cùng trân quý những tư liệu quý giá này:
“Với tác phẩm này, tôi muốn cung cấp cho độc giả cái nhìn bao quát, toàn diện, cụ thể các giai đoạn lịch sử, từ năm 1698 đến năm 2020, các chế độ chính trị, các lĩnh vực hoạt động về hành chính, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, tôn giáo tín ngưỡng, thể dục thể thao, v.v… của từng thời kỳ. Tóm lại, tác phẩm này ví như một tập cẩm nang mà mọi cơ quan, cán bộ, công chức, mọi gia đình trong Thành phố nên có để khi muốn tìm kiếm một vấn đề gì liên quan đến Thành phố, chỉ việc mở sách ra là được thỏa mãn ngay, khỏi phải đi tìm đâu xa".
"Những cái gì cần viết về thành phố, cần nói về thành phố, cần giới thiệu thành phố với người trong thành phố và cả nước, thậm chí với các bạn trên thế giới thì tôi thấy cuốn sách này đã trọn vẹn rồi. Nhưng từ nay trở đi, thời gian còn dài, thành phố còn phát triển, còn tiến bộ, còn tốt đẹp hơn nữa, đó là việc của các thế hệ mai sau”, cụ Tư gửi gắm!
“Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020)” được xem là công trình dày công nghiên cứu trên 20 năm của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Với niềm đam mê sử học, ông đã tập trung thời gian, sức lực đi khắp các thư viện, Trung tâm lưu trữ Quốc gia để tập hợp tài liệu, hoàn thành đề tài với mong muốn cung cấp bao quát thông tin đến công chúng về lịch sử từ thời đại tiền sử cho đến thành phố ngày nay.
Tác phẩm gồm 6 phần chính, được chia ra 2 tập với mốc thời gian tập I từ 1698 - 1945 và tập II từ 1945 - 2020. Phần dẫn nhập trình bày đại cương về địa lý tự nhiên của thành phố, về thời đại tiền sử, về thời kỳ phù Nam, về thời kỳ Thủy Chân Lạp và Lưu dân người Việt.
Phần thứ nhất giới thiệu thời các chúa Nguyễn và vua nhà Nguyễn, trình bày về tình hình vùng Bình Thuận - Đồng Nai - Gia Định trước khi Nguyễn Hữu Cảnh được cử vào kinh lý miền Nam... Phần thứ hai giới thiệu thời Pháp thuộc, trình bày về quân Pháp mở đầu cuộc xâm lược Nam Kỳ, đánh thành Gia Định... Phần thứ ba từ ngày Nhật đảo chánh Pháp (1945-1975) đến Hiệp định Genève 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm (1945 - 1954).
Phần thứ tư giới thiệu giai đoạn 1954-1975, trình bày âm mưu chia cắt lâu dài đất nước dưới sự can thiệp của đế quốc tới tới Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng. Phần thứ năm giới thiệu giai đoạn xây dựng Thành phố hòa bình, văn minh, hiện đại, hội nhập từ 1975-2020. Cuối cùng là Phần tổng luận, phần phụ lục.
Nhà thơ Lê Minh Quốc đọc bài thơ kính tặng cụ Tư. |
Nhà báo, nhà thơ Lê Minh Quốc nhận xét: “Những tư liệu đồ sộ mà cụ Nguyễn Đình Tư đưa đến cho đọc giả vô cùng quý giá... Công sức của một người, thì ra, nếu người ta có một tình yêu dành cho non sông đất nước, dành cho thành phố này thì người ta có thể làm được. Cụ Tư đã dạy cho tôi bài học đó. Bao nhiêu lời cũng không đủ, tôi xin mượn những vần thơ kính tặng, cảm ơn, cũng như bày tỏ sự ngưỡng mộ với cụ:
Rị mọ, nhọc nhằn từng con chữ
Dập, xoá bao phen tháng lẫn ngày
Một rừng tài liệu phong phú đó
Lựa chọn thế nào cho chắc tay?
Mồ hôi từng giọt khô cằn trán
Nửa đêm sực tỉnh sửa gì không?
Bổ sung dấu hỏi hay dấu ngã
Đau đáu từng câu đến nặng lòng.
Ngược dòng lịch sử xa thăm thẳm
Lần dò tìm lại nếp thời gian
Đưa quá khứ đồng hành trong hiện tại
Chọn lọc chỉn chu hạt bụi vàng.
Từng hạt xếp thành ngàn trang sách
Ngưỡng mộ - lòng tôi biết nói gì?
Bền lòng theo “Dặm dài lịch sử”
Noi gương xin nguyện nối chân đi...
Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020) được xem là công trình đồ sộ vô cùng quý giá. |
Cụ Nguyễn Đình Tư, người đã sống ở hai thế kỷ, ông đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm lịch sử nước nhà. Lúc nào ông cũng tranh thủ từng chút một của thời gian, mỗi ngày đều đặn như thế để tỉ mẩn ghi chép những tư liệu vô giá dành cho hậu thế.
Cụ sinh năm 1920 tại xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Thời kháng chiến chống Pháp ông là cộng tác viên báo Độc Lập; năm 1962 làm việc cho Ty Điền địa Phú Yên.
Tính đến nay, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư có khoảng 60 đầu sách đã xuất bản, các công trình từ trước năm 1975 như: Non nước Phú Yên, Địa chí Khánh Hòa, Non nước Ninh Thuận, Đường phố nội thành TP.HCM, Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ, Non nước Quảng Trị, Tiểu sử và hành trạng các nhà khoa bảng Hán học Nam Bộ, Sổ tay tên đường ở thành phố Hồ Chí Minh,...