Quản lý để phát triển trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư

(Ngày Nay) - (Tiếp theo kỳ trước)

... Để đảm bảo bền vững, phải có những cách tiếp cận mang tính đột phá, thậm chí là cách mạng trong công tác quản lý nhà nước mới có thể hy vọng khai thác được tiềm năng của các mô hình kinh doanh mới và sáng tạo và rộng hơn là I4.0.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

I. Hướng đi nào cho công tác quản lý nhà nước

Những xu hướng nói trên và nhiều xu hướng khác rõ ràng có rất nhiều lợi ích tiềm năng nhưng cũng đã làm nảy sinh một loạt các nhóm rủi ro và thách thức mới cho cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức và xã hội. Đặc biệt, từ góc độ cạnh tranh, nhiều ngành công nghiệp và mô hình kinh doanh truyền thống cảm thấy bị đe dọa bởi những mô hình kinh doanh mới này và cho rằng họ bị đẩy vào thế cạnh tranh không bình đẳng vì nhiều doanh nghiệp theo mô hình kinh doanh mới không phải chịu sự điều chỉnh đầy đủ của các quy định hiện hành mà các doanh nghiệp truyền thống phải tuân thủ (thường là với chi phí cao). Trong nỗ lực của chính phủ các nước nhằm giải quyết vấn đề này, có thể thấy rõ hai cách tiếp cận khác nhau.

1.  Siết chặt quản lý (level up)

Với cách tiếp cận này, mà hình thức cực đoan của nó là không quản được thì cấm, vốn không phải là hiếm trong tư duy quản lý của một số bộ, ngành hiện nay ở Việt Nam, giả định của cơ quan quản lý là về căn bản, những mô hình kinh doanh gọi là mới này thực ra là các phương pháp “lách luật” để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ được phân phối bởi các doanh nghiệp truyền thống. Vì vậy, cốt lõi của giải pháp phải là tìm cách “bịt” các lỗ hổng trong hệ thống các quy phạm pháp luật hiện hành để vừa quản chặt được các mô hình kinh doanh mới vừa tạo sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp này với các doanh nghiệp truyền thống (tức là các doanh nghiệp mới cũng phải chịu những ràng buộc, trong đó có chi phí tuân thủ, tương đương những doanh nghiệp truyền thống).

Cách tiếp cận này bỏ qua một thực tế là các sản phẩm, dịch vụ được cung cấp bởi mô hình kinh doanh mới không hoàn toàn giống các sản phẩm, dịch vụ đang được cung cấp bởi các doanh nghiệp truyền thống. Về hình thức, hành vi sử dụng dịch vụ UberX có thể trông giống hành vi sử dụng dịch vụ taxi truyền thống giá rẻ.

Tuy nhiên, về bản chất, nếu coi trải nghiệm người dùng mới là lý do chính để khách hàng bỏ tiền ra dùng dịch vụ này hay dịch vụ kia thì hai loại này rất khác nhau. Nói cách khác, có những doanh nghiệp theo mô hình kinh doanh mới không thể xếp cùng loại với những doanh nghiệp truyền thống. Vì vậy, việc  “điều chỉnh, mở rộng” các quy định hiện hành đối với một ngành kinh doanh cụ thể để “bao trùm” được “các đối tượng quản lý mới” là không thực tế và thiếu khả thi.

Ví dụ, ngành truyền hình, trong đó có truyền hình trả tiền, là ngành bị quản khá chặt chẽ ở Hong Kong. Mô hình kinh doanh truyền hình truyền thống dựa trên các phương thức truyền dẫn truyền thống là cáp, phát sóng vô tuyến, và vệ tinh. Chính quyền Hong Kong thu phí giấy phép kinh doanh truyền hình rất cao. Tuy nhiên, việc phân phối nội dung truyền hình qua mạng internet (OTT) lại không phải chịu những ràng buộc này. Với việc hành vi người tiêu dùng đang thay đổi nhanh chóng theo hướng tiếp nhận sản phẩm truyền hình qua OTT và rời bỏ các phương thức truyền dẫn truyền thống, hãng truyền hình lớn nhất Hong Kong là TVB vừa qua đã chính thức trả lại giấy phép kinh doanh truyền hình trả tiền và chuyển hẳn qua kênh phân phối OTT. Thật khó hình dung chính quyền Hong Kong sẽ tìm cách bắt OTT “chui” vào khuôn khổ các quy phạm pháp luật quản lý ngành truyền hình theo mô hình kinh doanh truyền thống.

2. Nới lỏng quản lý (level down)

Trước những bất cập của cách tiếp cận “siết chặt” nói trên, hiện đang xuất hiện xu hướng nới lỏng quản lý, tức là nới lỏng hay dỡ bỏ các điều kiện, hạn chế đối với các mô hình kinh doanh truyền thống, để các doanh nghiệp truyền thống cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp mới và thị trường sẽ quyết định mô hình nào chiến thắng.

Trong ví dụ về ngành truyền hình nói trên, những điều kiện như phải trả phí mua giấy phép kinh doanh, phải đảm bảo chất lượng tín hiệu truyền hình, độ phủ sóng, phải phát những kênh bắt buộc (tương tự như phải phát những kênh chính trị, xã hội thiết yếu trong quy định của Việt Nam), v.v… có thể được gỡ bỏ để cắt giảm chi phí tuân thủ cho các doanh nghiệp truyền thống. Các doanh nghiệp này sẽ tự động phải nghĩ cách cải thiện sản phẩm của mình, mà ở đây là trải nghiệm người dùng, để cạnh tranh được với các doanh nghiệp OTT nếu không muốn bị đẩy khỏi thị trường.

Trong lĩnh vực quản lý internet, cả hai viện Quốc hội Mỹ vừa rồi đã bỏ phiếu dỡ bỏ những hạn chế đối với các nhà cung cấp dịch vụ kết nối internet (ISP, tức là các công ty viễn thông như AT&T, Verizon, Comcast, v.v…) trong việc thu thập và chia sẻ dữ liệu người dùng, điều mà các công ty internet như Google, Facebook vẫn được phép thực hiện từ bao lâu nay. Mặc dù động thái này đang gây nhiều tranh cãi, nó thể hiện rõ xu hướng tạo sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp bằng cách nới lỏng quản lý.

Trong lĩnh vực vận tải hành khách, cơ quan quản lý có thể cân nhắc việc nới lỏng hoặc dỡ bỏ các điều kiện kinh doanh đối với hoạt động cung cấp dịch vụ vận tải hành khách bằng xe taxi như niên hạn (miễn là xe được đăng kiểm chứng nhận đủ điều kiện tham gia giao thông, không phân biệt xe kinh doanh hay không kinh doanh), đồng hồ tính tiền (hiện có nhiều phương pháp tính cước hợp lý mà không dùng đồng hồ gắn trên xe. Bỏ được điều kiện này còn giúp bỏ thêm được thủ tục và chi phí kiểm định đồng hồ tính tiền)., sơn biểu trưng logo (mào), trung tâm điều hành, số lượng xe tối thiểu, v.v….

Mục đích của những điều kiện này là đảm bảo quyền lợi của hành khách (an toàn, chi phí hợp lý, quyền được đi lại, sự thuận tiện…), lái xe, doanh nghiệp taxi và yêu cầu quản lý của nhà nước. Tuy nhiên, với việc ứng dụng các tiến bộ của khoa học công nghệ và các mô hình kinh doanh mới như Uber, Grab, Vivu (trước đây là Facecar)… các quyền lợi nói trên của khách hàng không những vẫn được đảm bảo mà còn được đảm bảo tốt hơn nhiều so với mô hình kinh doanh cũ. Việc nới lỏng hay dỡ bỏ những hạn chế nói trên sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp truyền thống vi phạm quyền lợi khách hàng (đồng hồ tính gian cước, sử dụng xe cũ, taxi dù… ) mà ngược lại, buộc họ phải cạnh tranh nâng cao chất lượng dịch vụ (mà quan trọng nhất là trải nghiệm người dùng) nếu không muốn bị đẩy khỏi thị trường, đồng thời góp phần xây dựng một nền kinh tế thị trường đáp ứng quy luật cung-cầu theo đúng nghĩa của nó. Việc xử lý các tranh chấp giữa hành khách với nhà cung cấp dịch vụ sẽ vẫn thực hiện được dựa trên các quy định khác về giao dịch dân sự.

Dĩ nhiên, các ví dụ về cách tiếp cận nới lỏng nói trên chưa thể đề cập hết các khía cạnh cần phải cân nhắc từ góc độ quản lý nhà nước. Tạo sân chơi bình đẳng bằng nới lỏng quản lý có thể có tác dụng tốt hơn cách tiếp cận siết chặt, nhưng có lẽ chỉ là biện pháp tình thế. Để đảm bảo bền vững, phải có những cách tiếp cận mang tính đột phá, thậm chí là cách mạng trong công tác quản lý nhà nước mới có thể hy vọng khai thác được tiềm năng của các mô hình kinh doanh mới và sáng tạo và rộng hơn là I4.0.

II.  Vận dụng các xu hướng của I4.0 vào công tác quản lý nhà nước

Dùng tư duy quản lý của thế kỷ 20 để quản lý xã hội ở thế kỷ 21 chắc chắn sẽ có những điểm không phù hợp. Khu vực tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp, cùng số lượng ngày càng tăng các cá nhân, tổ chức trong xã hội đang chuyển mình mạnh mẽ để thích nghi và tận dụng được các cơ hội mà các xu hướng mô hình kinh doanh mới nói trên mang lại. Khu vực nhà nước dường như chậm chân hơn trong việc ứng dụng các xu hướng này, mặc dù chính phủ một số nước bước đầu đã có những động thái mạnh mẽ và chương trình cụ thể theo hướng khai thác tiềm năng của I4.0. Điều này là dễ hiểu vì doanh nghiệp dù có lớn và lâu đời đến đến đâu vẫn chịu sức ép/có động lực vứt bỏ mô hình kinh doanh cũ để chuyển sang mô hình kinh doanh mới, nhưng khó có thể hình dung một chính phủ nào dám mạnh dạn dứt bỏ mô hình quản lý cũ để chuyển hẳn sang mô hình quản lý mới.

Điều đó không có nghĩa việc thay đổi mô hình kinh doanh là dễ dàng đối với doanh nghiệp. Ngược lại, quá trình này thường rất tốn kém, đau đớn, nhiều rủi ro và không ít các trường hợp thất bại. Tuy nhiên, trong tất cả các trường hợp, cái giá phải trả cho việc không thay đổi hoặc chậm thay đổi luôn là lớn nhất và dễ nhìn thấy nhất. Để giảm thiểu rủi ro và tăng khả năng thành công trong chuyển đổi mô hình kinh doanh, một số tập đoàn lớn, trong đó có những doanh nghiệp lâu đời, đã thành lập một bộ phận hay đơn vị chuyên trách nghiên cứu ứng dụng mô hình kinh doanh mới với ngân sách và quá trình ra quyết định độc lập (không chịu sự chi phối, điều hành của mảng kinh doanh hiện hữu nào).

Trong trường hợp của GE nói trên, công ty đã bước đầu thu hoạch những thành công rất ấn tượng từ nền tảng Predix, “một nền tảng dữ liệu số công nghiệp có vai trò đối với các máy móc công nghiệp như vai trò của hệ điều hành Android đối với các điện thoại thông minh, theo đó Predix là môi trường hay hệ sinh thái để các “app” công nghiệp quản lý các dàn tua-bin điện gió hay các đội đầu máy tàu hỏa” (“Siemens and General Electric gear up for the internet of things”, The Economist, Dec. 3rd, 2016). Doanh thu do Predix đem lại cho GE năm 2016 là 6 tỉ USD, tăng 20% so với năm 2015 và nhiều khả năng đạt con số 15 tỉ USD vào năm 2020 như kế hoạch của GE, đưa công ty này trở thành một trong số 10 công ty phần mềm lớn nhất thế giới.

Khó ai có thể hình dung một công ty được thành lập bởi Thomas Edison cách đây gần 130 năm với những lĩnh vực kinh doanh ban đầu như bóng đèn, điện thoại và đầu máy xe lửa rồi sau này nổi tiếng với những sản phẩm công nghiệp nặng như tua-bin, động cơ máy bay, thiết bị y tế v.v… giờ đây lại trở thành một trong những công ty phần mềm hàng đầu thế giới. Để có được kết quả đó, GE đã phải đầu tư hàng tỉ đô la từ năm 2011 vào nghiên cứu Predix, với việc thành lập một đơn vị độc lập ở một địa điểm độc lập, không “chung chạ” chút nào với các mảng kinh doanh khổng lồ hiện hữu lúc đó của công ty. Lý do là nếu không làm như vậy, đơn vị non trẻ này sẽ bị bóp nghẹt bởi cơ cấu khổng lồ, phức tạp lúc đó của đế chế này.

Các gã khổng lồ khác như Google, JP Morgan, v.v… cũng thành lập những đơn vị độc lập với cơ cấu chính của tập đoàn để tập trung nghiên cứu những ý tưởng điên rồ, cách mạng nhất. Các chính phủ có thể cân nhắc áp dụng mô hình này để thành lập một cơ quan chuyên trách, không chịu sự chi phối của bộ máy quản lý (cấp bộ) hiện hành cả về ngân sách và quy trình ra quyết định, nhằm tập trung vào hình dung lại công tác quản lý nhà nước trong bối cảnh I4.0., thậm chí tiếp cận theo cách “xây dựng lại từ đầu.”

Quy trình hoạch định chính sách cũng cần phải ứng dụng những công nghệ mới trong xử lý dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, các mô hình kinh doanh mới nói trên và nhiều thành tựu khác. Có như thế thì quản lý nhà nước mới đóng vai trò thúc đẩy phát triển, chứ không phải là cản trở sự phát triển như đang xảy ra ở nhiều nước trong nhiều lĩnh vực.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.