Tuy nhiên, đây là lý do không thuyết phục bởi thực tế, giá đất khu vực Điện Nam, Điện Ngọc trên thị trường đã tăng cao từ trước thời điểm công ty Bách Đạt ký hợp đồng BT với tỉnh Quảng Nam (tháng 2/2016). Cùng với đó, tỉnh này cũng bỏ lửng hàng loạt những bất thường mà dư luận nêu lên về quá trình công ty Bách Đạt thực hiện dự án BT cũng như việc doanh nghiệp này huy động vốn trái phép ở các dự án mà tỉnh Quảng Nam còn chưa có quyết định giao đất.
Dự án cấp thiết nhưng để dở dang, chậm tiến độ?
Theo thông tin do ông Đặng Phong, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Quảng Nam cung cấp tới các cơ quan báo chí ngày 16/9/2018, hiện Quảng Nam có 04 dự án BT đang triển khai. Trong đó, dự án tuyến đường nối tuyến ĐT.603A với tuyến ĐT607, thị xã Điện Bàn, lý trình Km2+487,7-Km378,85 do Ban Quản lý phát triển đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc (nay chuyển cho UBND thị xã Điện Bàn) là cơ quan nhà nước được UBND tỉnh uỷ quyền ký kết hợp đồng thực hiện dự án; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bách Đạt (nay là Công ty cổ phần Bách Đạt An) làm nhà đầu tư.
Thừa nhận tuyến đường BT giao cho công ty Bách Đạt thực hiện đang chậm tiến độ, sở KHĐT Quảng Nam cho biết khối lượng thực hiện mới chỉ đạt khoảng 72%, khối lượng còn lại chưa thực hiện được do vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB, đang được UBND xã Điện Bàn tiếp tục thực hiện.
Cần lưu ý rằng, khi quyết định BT con đường này, tỉnh Quảng Nam đưa dự án vào diện cấp thiết và chọn hình thức Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (Hợp đồng BT) cũng với mục đích để tuyến đường sớm được đưa vào sử dụng. Thế nhưng dự án lại đang chậm tiến độ và chưa biết khi nào xong, như vậy, rõ ràng mục tiêu của dự án đã không đạt được, thế nhưng sở KHĐT không chỉ ra được lỗi thuộc về đâu và trách nhiệm xử lý thế nào.
Công ty Bách Đạt trước khi trúng thầu dự án BT nêu trên tiền thân là doanh nghiệp kinh doanh cà phê, năng lực tài chính không mạnh, kinh nghiệm làm đường giao thông theo hình thức BT không có. Năm 2015 Bách Đạt từng bị phát hiện khai báo gian dối và trốn thuế, bị Cục thuế TP Đà Nẵng xử phạt hành chính, buộc khắc phục hậu quả thế nhưng tháng 2/2016 UBND tỉnh Quảng Nam vẫn giao cho công ty Bách Đạt thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT gây tranh cãi này.
Định giá đầu tư đoạn đường 1,9 km lên tới gần 70 tỷ đồng, tỉnh Quảng Nam hào phóng đổi cho doanh nghiệp BT quỹ đất "khủng", lên tới 105 ha. |
105 ha đất vàng lấy 1,9 km có hợp lý không?
Về giá trị con đường lên tới 69.390.225.000 đồng (không tính chi phí bồi thường, GPMB do ngân sách Nhà nước bố trí thực hiện), Sở KHĐT trong văn bản giải trình với báo giới đã không lý giải vì sao chỉ có 1,9 km đường mặt cắt rộng 20m mà lại “đội giá”như vậy.
Và chính bởi định giá đầu tư đoạn đường 1,9 km lên tới gần 70 tỷ đồng nên tỉnh Quảng Nam mới xác định quỹ đất "khủng"giao cho nhà đầu tư để thực hiện tạo nguồn thanh toán BT lên tới 105ha.
Lý giải cho sự “hào phóng” bất thường này, đại diện Sở KHĐT cho rằng “tại thời điểm Nhà đầu tư đề xuất vào cuối năm 2014 và UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 9/2015, giá đất trên thị trường giảm theo xu hướng chung của cả nước nên việc cân đối quỹ đất với diện tích nêu trên để giao cho Nhà đầu tư là phù hợp”. Thực tế điều này không chính xác, từ năm 2015 tới 2017, khu vực Điện Nam Điện Ngọc đã ở trong chu kỳ tăng giá và đạt đỉnh vào chính thời điểm công ty Bách Đạt ký hợp đồng BT với tỉnh Quảng Nam (tháng 2/2016).
Bên cạnh đó, việc tính giá đất của Sở Tài nguyên & Môi trường Quảng Nam cũng rất bất thường và không đúng với giá thị trường. Đơn cử như tại dự án KĐT Sentosa Riverside. Ngày 4/7/2017 UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định phê duyệt mức thu tiền sử dụng đất dự án án, trong đó giá trị khu đất rộng 20,3 ha chỉ được định giá là 40,6 tỷ đồng. Trong khi giá đất thực tế thị trường ở thời điểm đó, khu vực dự án Sentosa Riverside là 5 -7 triệu đồng/ m2. Nếu tính trung bình trung, 6 triệu đồng/ m2, thì giá trị khu đất này tối thiểu cũng phải lên tới 1.200 tỷ đồng. Thực tế, khi phân lô, bán nền, công ty Bách Đạt bán không dưới 7 triệu đồng/ m2 cho nhà đầu tư thứ cấp.
Với cách định giá đất bèo bọt như trên, chỉ riêng dự án này, nhà nước đã thất thoát nhiều tỷ đồng, thực tế, số tiền sử dụng đất công ty Bách Đạt phải nộp về ngân sách nhà nước sau khi trừ đi chi phí bồi thường, hỗ trợ và táo định cư, chi phí chuyển giao dự án…chỉ còn lại con số quá ít ỏi, khoảng 2,73 tỷ đồng.
Tại văn bản trả lời báo chí ngày 16/9/2018, Sở KHĐT cũng nhận định hiện nay giá đất trên thị trường tăng cao, vì vậy diện tích quỹ đất cân đối cho các dự án còn thừa. UBND tỉnh Quảng Nam đã giao nhiệm vụ cho UBND thị xã Điện Bàn chủ trì, phối hợp với các Sở liên quan rà soát, xác định lại giá đất hiện hành đối với các khu đất còn lại đã thỏa thuận giao cho các nhà đầu tư thực hiện để tạo vốn thanh toán các dự án BT. Trường hợp giá trị quỹ đất để thanh toán lớn hơn giá trị dự án BT, UBND thị xã Điện Bàn báo cáo đề xuất UBND tỉnh hướng xử lý phần chênh lệch theo hướng giảm diện tích đất giao cho nhà đầu tư.
Kiểm tra việc huy động vốn trái phép tại các dự án của công ty Bách Đạt
Cũng tại văn bản nói trên, Sở KHĐT cho biết, đến thời điểm hiện nay (tháng 9/2018), Sở Tài nguyên và Môi trường mới chỉ xây dựng phương án giá đất trình Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh phê duyệt mức thu tiền sử dụng đất và giao cho Nhà đầu tư 03 khu đất, với tổng diện tích đất giao là 47,45ha, số tiền sử dụng đất phải nộp (sau khi trừ chi phí đầu tư hạ tầng, chi phí GPMB và TĐC) là 50,491 tỷ đồng; 03 khu còn lại đang triển khai GPMB và san lấp mặt bằng, địa phương chưa đề xuất phương án giá đất giao cho nhà đầu tư.
Mặc dù đường BT chưa xong, quỹ đất đối ứng chưa được giao nhưng công ty Bách Đạt An thuộc Bách Đạt Corp đã phân lô, bán nền, huy động vốn trái phép của nhà đầu tư thứ cấp, vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật.
Đường làm chưa xong nhưng nhiều khu đất đã được cấp cho doanh nghiệp phân lô bán nền |
Đơn vị phân phối dự án biết dự án chưa được giao dịch vẫn ngang nhiên thu tiền đến 85% giá trị lô đất, đẩy nhà đầu tư vào rủi ro. |
Trước tình trạng này, được biết, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao nhiệm vụ Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các nghành liên quan và UBND thị xã Điện Bàn kiểm tra thông tin các Báo đăng, Báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo làm rõ và xử lý nghiêm minh.
Ở một diễn biến khác, các nhà đầu tư thứ cấp đang mắc kẹt tại các dự án công ty Bách Đạt An huy động vốn trái phép cho biết họ chưa được công ty này trả lại tiền và đang chuẩn bị thủ tục tố cáo tới cơ quan công an hành vi sai phạm của chủ đầu tư cũng như đơn vị phân phối dự án là công ty CP Hoàng Nhất Nam.
Xung quanh câu chuyện công ty CP Hoàng Nhất Nam « liều lĩnh » huy động vốn trái phép của nhà đầu tư thứ cấp cũng còn rất nhiều uẩn khúc cần làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Ngày Nay tiếp tục cập nhật thông tin.
Huy động vốn trái luật: Cần xem xét xử lý hình sự!
“Dự án Hera Complex Riverside do Công ty cổ phần Bách Đạt An làm chủ đầu tư tại tỉnh Quảng Nam, diện tích đất thực hiện Dự án hiện nay còn chưa hoàn tất giải phóng mặt bằng, chưa đóng tiền sử dụng đất, chưa được giao đất nên Chủ đầu tư hoàn toàn không có quyền huy động vốn từ người mua đất để triển khai đầu tư.
Việc chủ đầu tư, thông qua sàn giao dịch bất động sản tiến hành ký kết các thỏa thuận dân sự thực chất là huy động vốn thực hiện Dự án khi chưa đủ điều kiện là hoàn toàn trái quy định của Luật đất đai, luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Bộ Luật dân sự.
Những hành vi vi phạm này cần phải xử lý triệt để vì sẽ thường gây ra hệ lụy về kinh tế cho các cá nhân mua bất động sản, gây bất ổn cho sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Với những trường hợp cố tình vi phạm pháp luật như vậy sẽ để lại hậu quả khôn lường cho xã hội. Trường hợp chủ đầu tư đã huy động vốn của khách hàng nhưng sau đó không bàn giao đất được như giao kết, bị đình chỉ dự án, hoặc "ôm" tiền bỏ trốn… thì các cơ quan chức năng phải xem xét khởi tố vụ án, điều tra làm rõ mức độ vi phạm pháp luật", luật sư Quách Thành Lực – Đoàn luật sư Hà Nội khẳng định.