Tòa thị chính - Hôtel de Ville địa danh nổi tiếng nhất được chính quyền xây dựng trong nhiều giai đoạn từ năm 1402 tới 1455, do kiến trúc sư đầu tiên là Jacob van Thienen thiết kế. Điều đặc biệt của công trình kiến trúc này đó là hai bên cánh nhà không đối xứng hoàn toàn bởi được xây dựng qua nhiều giai đoạn khác nhau. Đầu tiên người ta chỉ định xây bên cánh trái sau đó nhiều năm phần kiến trúc bên phải mới được xây dựng tiếp.
Tháp cao ngất ở giữa tháp được xây dựng cuối cùng, 5 năm sau khi hoàn thành công trình bên phải người ta mới tiến hành xây dựng tháp. Tháp cao 97 m, theo kiểu kiến trúc Gothic do kiến trúc sư Jan van Ruysbroeck thiết kế. Trên đỉnh tháp là tượng thánh Michael, thánh bổn mạng của thành phố.
Quảng trường Lớn được hình thành sau khi xây xong Tòa thị chính. Các phố lân cận vẫn còn mang những tên nguyên thủy, theo từng ngành nghề buôn bán, như phố hàng bơ, phó mát, phố hàng than, phố cá trích vv... Xung quanh quảng trường là các tòa nhà của các nghiệp đoàn. Ngày 13/8/1695, đạo quân Pháp gồm 70.000 người dưới quyền chỉ huy của thống chế François de Neufville, (quận công Villeroy) bắt đầu pháo kích vào trung tâm thành phố liên tục 3 ngày, bằng súng cối và súng đại bác, nhằm giải vây cho thành phố Namur đang bị quân Liên minh Augsburg vây hãm (trong cuộc chiến tranh 9 năm giữa vua Louis XIV của Pháp với Liên minh Augsburg).
Khu trung tâm thành phố và Quảng trường Lớn bị thiêu rụi và san bằng, chỉ còn sót lại những bước tường bằng đá của Tòa thị chính và vài nhà khác. Khu quảng trường được xây dựng lại trong 4 năm sau, do các nghiệp đoàn. Nỗ lực của các nghiệp đoàn này được Hội đồng thành phố điều phối, để các công trình xây dựng tương đối hài hòa, mặc dù mang nhiều kiểu kiến trúc đối chọi nhau.
Ngày nay, khu vực quảng trường Bruxelles vẫn tiếp tục là nơi diễn ra những sự kiện và lễ hội hay festival quan trọng của thành phố. Với những giá trị lịch sử và văn hóa, Quảng trường Lớn Bruxelles đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 1998.