Ngày 24/12, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Ibrahim Kalin cho biết quốc hội nước này đang soạn thảo một dự luật cho phép Thổ Nhĩ Kỳ triển khai quân tới Libya.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Ankara, ông Kalin khẳng định: "Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA). Sự ủng hộ đó có thể là trên lĩnh vực huấn luyện quân sự, hoặc các lĩnh vực khác, như ủng hộ về chính trị."
Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ có thể điều quân đội tới Libya trong trường hợp GNA có yêu cầu.
Trước đó, ngày 22/12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố nước này sẽ tăng cường hỗ trợ quân sự cho Libya nếu cần thiết, trong đó các phương án sử dụng bộ binh, không quân và hải quân đều được xem xét lựa chọn.
Tháng 11 vừa qua, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua thỏa thuận hợp tác an ninh và quân sự với GNAsau khi hai bên cũng vừa ký kết một thỏa thuận về phân định quyền tài phán trên biển giữa hai nước, văn kiện vốn đang vấp phải sự phản đối của nhiều nước.
Thỏa thuận hợp tác an ninh và quân sự này sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ về trang thiết bị và huấn luyện quân sự cho GNA - lực lượng vốn đang kiểm soát thủ đô Tripoli và một số khu vực ở miền Tây nước này.
Libya rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gadhafi. Hiện ở nước này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng.
GNA do Thủ tướng Fayed al-Sarraj đứng đầu được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn.
Trong khi đó, lực lượng của Tướng Khalifa Haftar ủng hộ chính quyền ở miền Đông. GNA được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ, trong khi Tướng Haftar được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ và nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp.
Tuần trước, Nga cho biết hết sức lo ngại về kế hoạch sẽ điều quân tới Lybia của Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, một phái đoàn của Thỗ Nhĩ Kỳ đã tới Nga vào ngày 23/12 nhằm thảo luận với phía Nga về những diễn biến tình hình tại Libya và Syria.